Bác sĩ bị hành hung vẫn rất hoang mang, hoảng loạn

GD&TĐ - Sau 5 ngày xảy ra vụ bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn bị hành hung, trưa ngày 19/4, lãnh đạo bệnh viện này đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí. PGS TS Trần Trung Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, hiện BS. Vũ Hồng Chiến - người bị hành hung vẫn rất hoang mang, tinh thần hoảng loạn, tạm thời bác sĩ vẫn phải nghỉ việc

 Bác sĩ bị hành hung vẫn rất hoang mang, hoảng loạn

Công bố tại buổi họp báo, PGS TS Trần Trung Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: Vụ việc được ghi lại bằng camera của bệnh viện. Toàn bộ các video gốc đã được chuyển cho cơ quan công an để xử lý đúng người, đúng tội.

"BV cực lực lên án hành vi bạo hành nhân viên y tế gây nguy hiểm đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm của nhân viên y tế. Đây là hành động rất đáng lên án"- PGS-TS Trần Trung Dũng nói.

Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi đã tập trung vào nội dung đối thoại giữa người nhà bệnh nhân và bác sỹ khi xảy ra vụ việc, vì sao dẫn đến sự việc này và người nhà bệnh nhân có hay không tạo dựng hiện trường để đưa tiền cho bác sĩ…

Trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Trần Trung Dũng nêu rõ: Khi bệnh nhân được đưa vào viện, bác sĩ Chiến có giải thích cho bố bệnh nhân về thương tổn, quy trình điều trị và chi phí tài chính cho từng phương án điều trị. Việc giải thích này là bắt buộc, vì người nhà bệnh nhân cần phải nắm được các vấn đề liên quan xung quanh về chuyên môn.

Lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn cũng nêu rõ: "Với thương tổn vùng hàm mặt, ngoài sơ cấp cứu chảy máu bắt buộc phải xử lý khâu cầm máu hoặc đưa lên phòng mổ (nếu nguy hiểm đến tính mạng). Với thương tổn không phải mất máu nhiều, gây sốc bác sĩ sẽ phải đánh giá để đảm bảo xử lý vết thương tốt nhất. Trường hợp như vậy bác sĩ phẫu thuật tạo hình sẽ đánh giá, khâu vết thương để đảm bảo tính thẩm mỹ".

Cũng theo ông Trần Trung Dũng, vết thương của bệnh nhi tại thời điểm đó không được đánh giá là nặng. Việc khâu, khám cấp cứu sẽ ưu tiên những ca bệnh nặng chứ không phải ai đến trước khám trước mà căn cứ vào tình hình bệnh, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân.

Mọi thông tin và tài liệu liên quan bệnh viện đã chuyển cho cơ quan điều tra. Bệnh viện khẳng định những video tràn lan trên mạng xã hội về vụ việc này đều là nguồn tin không chính thống nên từ chối cung cấp nội dung chi tiết đối thoại giữa bác sĩ bị hành hung và người nhà bệnh nhân.

Trước đó, vào lúc hơn 23 giờ ngày 13-4, Khoa Phẫu thuật tạo hình BV Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhi hơn 7 tuổi có vết thương chảy máu ở vùng thái dương, được bố đưa vào. Trong khi đang trao đổi với bác sĩ Vũ Hồng Chiến, người bố bất ngờ đứng lên đánh liên tiếp vào mặt bác sĩ.

Các cán bộ y tế đứng gần đó vào can ngăn, bố bệnh nhân này còn vung tay đánh một bảo vệ bệnh viện nhưng anh này đã đỡ được. 

Bệnh viện đã gọi Công an phường Điện Biên, quận Ba Đình vào cuộc và công an đã đưa người hành hung bác sĩ ra công an phường ngay sau đó. Còn bệnh nhi sau đó được khâu vùng thái dương bị thương và điều trị.

Hiện công an đã xác định được người hành hung bác sĩ bệnh viện Xanh – Pôn là Trương Văn thanh (SN 1986, quê quán An Hải, Hải Phòng, có hộ khẩu thường trú tại phường Vĩnh Phúc, quận Đống Đa, Hà Nội).

Liên quan đến vụ việc này, ngày 16/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Công an TP làm rõ việc bác sĩ Vũ Hồng Chiến ở BV Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhân hành hung.

Trong cuộc làm việc chiều 18-4 với lãnh đạo TAND Tối cao để đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác theo Nghị quyết liên tịch số 15, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần khởi tố đúng pháp luật hành vi đánh bác sĩ trong BV gần đây. Nếu vụ việc này mà xét xử nhanh, lưu động thì có tính giáo dục rất tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.