Hành hung, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người dân bình thường đã là hành vi bị xã hội phê phán gay gắt, việc hành hung bác sĩ lại càng là điều không thể chấp nhận được. Bởi vì, bác sĩ ngoài là một công dân, họ còn thực hiện công việc cao quý, nghề nghiệp xứng đáng phải tôn vinh, đó là chữa bệnh, cứu người. Do đó, bất cứ lý do gì mà có hành động hành hung, xâm hại sức khoẻ, tính mạng của đội ngũ y bác sĩ phải bị lên án và xử lý nghiêm minh khắc hơn.
Để xảy ra hiện tượng hành hung bác sĩ có lẽ do chúng ta chưa có hành lang pháp lý, biện pháp chế tài đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe ngăn chặn hành vi đe dọa, hành hung bác sĩ, nhất là khi đối tượng hành hung bác sĩ lại là người nhà bệnh nhân - đối tượng được ưu tiên tự do ra vào bệnh viện.
Các trường hợp bệnh nhân hành hung bác sĩ thường rất ít khi xảy ra, mà chủ yếu là do người nhà, bạn bè, đồng nghiệp của bệnh nhân gây ra. Bệnh nhân nếu có hành động hành hung bác sĩ thì chỉ là những người bị bệnh tâm thần hoặc vì bệnh tật làm tổn thương thể xác, tinh thần nên không điều chỉnh được hành vi, kiềm chế cảm xúc… tuy nhiên rất hiếm.
Hiện nay, các bệnh viện, cơ sở y tế thường sử dụng các quy chế, nội quy để điều chỉnh hành vi của bệnh nhân và người nhà, tuy nhiên chế tài được quy định ở các bảng nội quy, quy chế này chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa… mà mới chỉ mang tính hình thức, chung chung. Đặc biệt, hầu hết các chế tài lại chỉ được áp dụng khi các vụ việc hành hung bác sĩ đã xảy ra và để lại hậu quả.
Nhiều vụ việc sau khi bác sĩ bị hành hung, xâm phạm tính mạng, sức khỏe một thời gian khá lâu thì lực lượng chức năng mới có mặt xử lý. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ bệnh viện chưa đủ mạnh, không đủ sức răn đe, áp chế mà họ thường làm công tác ổn định trật tự, bảo vệ tài sản.
Còn ở các phòng cấp cứu, ở những nơi bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà của người bệnh thì không có lực lượng bảo vệ. Khi xảy ra việc hành hung bác sĩ, lực lượng bảo vệ cũng chỉ còn “giải quyết hậu quả”, can ngăn hoặc gọi điện… báo công an. Đây là lý do chính tình trạng hành hung bác sĩ liên tục xảy ra và không được ngăn chặn kịp thời.
Để ngăn chặn được nạn hành hung bác sĩ, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm có quy định pháp luật về việc ngăn chặn, răn đe, phòng ngừa hữu hiệu đối với tình trạng người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ.
Theo đó, cần có quy định pháp lý cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ bảo vệ bệnh viện, cơ sở y tế đối với việc bảo vệ an ninh trật tự trong bệnh viện, cơ sở y tế cũng như bảo đảm an toàn cho bác sĩ tại nơi làm việc.
Phải tổ chức lại đội ngũ bảo vệ an ninh trật tự tại các bệnh viện, nhất là nơi tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân. Đội ngũ này phải có trách nhiệm ngăn chặn, chế áp có hiệu quả hành vi côn đồ, hung hãn bột phát của người nhà bệnh nhân; được trang bị đầy đủ công cụ an ninh cần thiết để có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự của bệnh viện.
Có như vậy, mới đảm bảo an toàn an ninh trật tự tại các bệnh viện, đặc biệt là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của đội ngũ y bác sĩ. Điều này giúp họ toàn tâm, toàn ý thực hiện công tác chuyên môn cao cả là chữa bệnh cứu người. Đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả những hành động vi phạm pháp luật của những kẻ quá khích đang diễn ra tại các bệnh viện hiện nay.