Bắc Giang: Thúc đẩy xúc tiến thương mại tạo điều kiện tiêu thụ trái vải

GD&TĐ - Chiều 10/6, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tổ chức gặp mặt báo chí về tình hình sản xuất và xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2022.

Lãnh đạo huyện Lục Ngạn thông tin về vải thiều năm 2022.
Lãnh đạo huyện Lục Ngạn thông tin về vải thiều năm 2022.

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm 2022 do tình hình thời tiết khá thuận lợi, nên cây vải thiều ra hoa, đậu quả với tỷ lệ từ 70 - 90%; dự báo sản lượng quả tươi toàn huyện đạt khoảng 95.465 tấn. 

Trong đó, vải chín sớm 20.850 tấn, vải chính vụ khoảng 74.615 tấn). Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 25/5 – 30/7. 

Theo ông Nam, huyện đã sớm triển khai kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 18/2/2022 về sản xuất gắn với xuất khẩu vải thiều năm 2022; Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 1/4/2022 về thực hiện cấp giấy chứng nhận đối với diện tích vải thiều, cam bưởi đã áp dụng đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, các thôn trên địa bàn huyện năm 2022. 

Đặc biệt, UBND huyện Lục Ngạn cũng đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân sản xuất tuân thủ theo đúng quy trình, thành lập Tổ Chỉ đạo sản xuất vải thiều tại các mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản năm 2022.

Ngoài ra, UBND huyện Lục Ngạn cũng phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị hướng dẫn các chủ mã vùng trồng, chủ cơ sở đóng gói chuẩn bị các điều kiện phục vụ Tổng cục Hải quan Trung Quốc dự kiến kiểm tra việc đáp ứng các yêu cầu, điều kiện sản xuất, chất lượng, đóng gói xuất khẩu vải thiều tại Lục Ngạn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua, tiêu thụ vải thiều, ngay từ tháng 3.2022 đến nay Huyện uỷ, UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức các đoàn công tác đi tìm hiểu tình hình xuất nhập khẩu, thị trường tiêu thụ, xúc tiến tiêu thụ, chế biến đối với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn năm 2022, tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; các chợ đầu mối Thủ Đức – TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý chợ đầu mối Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và UBND huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh,…; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Bắc Giang thành lập Đoàn công tác làm việc với tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lào Cai (có cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc),…

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, năm 2022 giá vải khá cao và ổn định. Xác định trong sản xuất nông nghiệp thì thường rơi vào tình trạng được mùa nhưng mất giá do thị trường không ổn định, công tác xúc tiến còn hạn chế,… 

Rút kinh nghiệm từ năm 2021, mùa vải đúng vào cao điểm của dịch Covid-19, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với cửa khẩu các nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương vải thiều. 

Năm 2022, công tác kiểm dịch của Trung Quốc chặt chẽ hơn và kỹ càng hơn, do đó, lãnh đạp huyện Lục Ngạn cũng đã làm việc với các cửa khẩu để tăng cường mở thêm các điểm thông quan. Đặc biệt, Vải thiều lục Ngạn đã được xếp vào làn xanh để thông thương với Trung Quốc.

“Vải chín sớm 21.000 tấn, đã tiêu thụ khoảng 5.000 tấn, giá ổn định từ đầu vụ rất ổn định và cao hơn năm 2021. Tính đến ngày 9/6, toàn huyện Lục Ngạn có 96 điểm cân, thu mua vải; giá sản dao động thừ 18.000 – 35.000 đồng/1kg,... Về kế hoạch kéo dài thời gian thu hoạch vải thiều, chúng tôi đã nhờ các nhà khoa học, chuyên gia chuyển giao các giống vải mới, công nghệ chăm sóc cây vải giúp kéo dài thời vụ...”, ông La Văn Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ