Vải thiều Bắc Giang lên sàn điện tử

GD&TĐ - Cùng với xúc tiến thương mại, ký hợp tác tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, Bắc Giang đã chuẩn bị kỹ điều kiện cho thương nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến thu mua khoảng 200 nghìn tấn vải thiều.

Người dân Bắc Giang vào vụ vải thiều. Ảnh: IT
Người dân Bắc Giang vào vụ vải thiều. Ảnh: IT

Chủ động kết nối đơn vị

Ngày 25/5 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với hơn 60 điểm cầu chính trong và ngoài nước. Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, chất lượng vải thiều năm 2022 cao nhất từ trước đến nay.

Theo ông Tuấn, năm nay với thời tiết thuận lợi, rét kéo dài, mưa đều nên vải thiều phát triển tốt. Bên cạnh đó, Bắc Giang tăng cường kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng nên chất lượng vải thiều cao.

“Sản lượng vải thiều năm 2022 ước đạt 180.000 tấn. Trong đó, vải thiều sớm khoảng 6.750 ha với sản lượng khoảng 60 nghìn tấn. Vải thiều chính vụ khoảng 21.250 ha, sản lượng khoảng đạt 120 nghìn tấn...”, ông Tuấn thông tin.

Theo ông Tuấn, Bắc Giang coi trọng tất cả các thị trường tiêu thụ vải, cả trong nước và xuất khẩu. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bắc Giang đã sớm ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều để các ngành, địa phương chủ động kết nối tiêu thụ.

Năm 2022 là lần thứ 3 Bắc Giang phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở trong và ngoài nước. Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2021 dù trong bối cảnh là tâm dịch Covid-19 của cả nước, tỉnh Bắc Giang vẫn có vụ vải thiều thành công, tiêu thụ nội địa thuận lợi và xuất khẩu ra hơn 30 quốc gia.

Ông Dương nhấn mạnh, địa phương đã chuẩn bị kỹ các điều kiện bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho các thương nhân, doanh nghiệp đến với tỉnh Bắc Giang để thu mua vải thiều.

Bắc Giang tập trung các nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của các đối tác tiêu thụ vải thiều trong nước cũng như ngoài nước. Thực hiện linh hoạt các phương pháp giao, nhận hàng để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.

Xuất khẩu vào… bữa ăn

Cán bộ chiến sĩ tham gia hái vải giúp dân năm 2021.
Cán bộ chiến sĩ tham gia hái vải giúp dân năm 2021.

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay sản lượng vải thiều trên địa bàn ước đạt 95 nghìn tấn, trong đó 20 nghìn tấn vải thiều sớm. Vải thiều sớm diễn ra từ khoảng 1/6 đến 15/6, từ 15/6 đến 20/7 là vải thiều chính vụ.

“Lục Ngạn xây dựng kế hoạch cụ thể, đặc biệt là tổ chức xúc tiến thương mại làm việc với doanh nghiệp, chợ đầu mối, thương nhân để thu hút thị trường tiêu thụ vải cho nhân dân địa phương.

Đồng thời, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với các ngành, mặt trận công đoàn tỉnh, cũng như tổ chức đi xúc tiến thương mại ở các tỉnh, thành phố, chợ đầu mối lớn, cửa khẩu biên giới...”, ông Nam nói.

Đặc biệt, năm nay huyện Lục Ngạn đã làm việc với các khu công nghiệp của các tỉnh (Bắc Giang, Bắc Ninh) để đưa vải thiều vào bữa ăn của cán bộ, công nhân.

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn – La Văn Nam cũng tiết lộ, địa phương đã liên hệ với 196 thương lái nước ngoài đăng ký để về Lục Ngạn thu mua vải thiều cho nhân dân địa phương được Tổng lãnh sự quán Việt Nam chấp thuận...

“Huyện Lục Ngạn cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.

Ngoài ra, chuẩn bị chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất: Nguồn vốn, điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác... tiêu thụ vải trong năm nay...”, ông Nam thông tin.

Nhiều năm qua, vải thiều Bắc Giang đã được các thị trường đón nhận, đánh giá cao. Phát huy kết quả đạt được, vụ vải thiều năm nay, huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, canh tác mở rộng các vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và vải thiều hữu cơ.

Theo báo cáo của UBND huyện Lục Ngạn, hàng năm vào vụ thu hoạch vải thiều có khoảng 20 nghìn lao động các địa phương về Lục Ngạn để làm việc và hái vải.

Được biết, tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với hơn 60 điểm cầu chính trong và ngoài nước, Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ giới thiệu và kết nối các doanh nghiệp, thương nhân xuất nhập khẩu vải thiều trong và ngoài nước đến hiểu, hợp tác, tiêu thụ trái vải tươi và các sản phẩm chế biến từ vải thiều.

Đồng thời, đàm phán với các cơ quan chức năng, địa phương của các nước bạn để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu vải thiều, cũng như hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Bắc Giang cũng đề nghị bộ, ngành Trung ương hỗ trợ địa phương triển khai công nghệ sấy, chế biến để quả vải thiều sau chế biến vẫn giữ được hương vị, màu sắc, chất lượng.

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu vải thiều Bắc Giang có nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không đi thị trường các quốc gia khác trên thế giới...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ