Chủ động kết nối đơn vị thu mua
Chia sẻ với báo GD&TĐ, ông Ngô Quốc Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết, địa phương hiện có 6 mã vùng trồng vải thiều với tổng diện tích sản xuất vải năm 2022 là 1.340 ha.
Vụ vải thiều năm nay, Tân Yên với sản lượng đạt khoảng 16.020 tấn vải. Trong đó, vải sớm là 1.170 ha, sản lượng đạt 14.020 tấn, vải muộn là 2.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải sớm từ ngày 25/5, thời gian thu hoạch tập trung từ 1/6 đến ngày 10/6.
Theo ông Hưng, phát huy kết quả đạt được, ngay từ đầu năm huyện Tân Yên đã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, canh tác mở rộng các vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và vải thiều hữu cơ. Với tinh thần, xác định quả vải sạch đảm bảo chất lượng thì thị trường sẽ tốt
"Tân Yên cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.
Ngoài ra, chuẩn bị chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất: nguồn vốn, điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác phục vụ tiêu thụ vải...", ông Hưng chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên – Ngô Quốc Hưng cũng nhấn mạnh, vải là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương, cải thiện đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, vụ vải cũng thu hút, giải quyết việc làm, giúp cho người dân có thu nhập cao. Hàng ngày có khoảng 2.000 lao động các địa phương về Tân Yên để làm việc.
Đơn cử, với vùng vải xuất khẩu, huyện Tân Yên tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND xã Phúc Hòa mời gọi các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ vải.
Hiện tại, huyện Tân Yên đã có các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vải sớm Phúc Hòa như: Công ty Việt Pháp ký hợp đồng tiêu thụ vải đi thị trường Châu Âu với giá 35.000 đồng/kg, sản lượng 40 tấn, Công ty Fusa ký hợp đồng xuất khẩu đi thị trường EU với giá 35.000 đồng/kg, sản lượng 10 tấn; Trung tâm Ứng dụng KHKT ký hợp đồng với giá 30.000 đồng/kg, sản lượng 150 tấn, .....
Diện tích vải sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đạt trên 880 ha, diện tích vải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, GlobalGAP là 380 ha gồm: diện tích duy trì là 355 ha, diện tích xây dựng mới là 30 ha.
Huyện Tân Yên chủ động xúc tiến thương mại, thường xuyên phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan chủ động nắm tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ vải trong và ngoài nước…Đặc biệt, thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Nhật Bản...
UBND huyện Tân Yên cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác phối hợp, thường xuyên kiểm tra thăm vườn, nắm bắt tình hình sinh trưởng và phát triển của cây vải giai đoạn đậu quả non- phát triển quả (tỷ lệ đậu quả đạt 90%), hướng dẫn nhân dân theo dõi một số đối tượng phát sinh gây hại như: sâu đục cuống quả, bệnh thán thư, sương mai, sâu róm, bọ xít, , ...
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân sản xuất tuân thủ quy trình VietGAP, GlobalGAP trên cây vải.
Chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia sản xuất vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại các xã Phúc Hòa, Hợp Đức, Liên Sơn. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 16 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, ghi chép nhật ký cho các hộ dân sản xuất vải trên địa bàn các xã trồng vải tập trung với hơn 1.000 người.
Chờ ngày xuất…ngoại
Năm nay vườn vải thiều của gia đình bà Vi Thị Oanh, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) có gần 1 ha với khoảng 6 tấn vải sớm. Bà Oanh cho biết, toàn bộ vườn vải được dọn sạch cỏ, không có rác thải và vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Bà Oanh cũng cho biết, nếu như trước đây do chưa có kinh nghiệm trồng vải thì 1 ha diện tích chỉ thu lại được khoảng 1 tấn quả vải. Đến nay, sau khi đầu tư cải tạo đất, mua phân hữu cơ, thuê nhân công, mua thuốc BVTV (có nguồn gốc sinh học) để chăm bón cho cây. Đặc biệt, được cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa tập huấn, hướng dẫn cách thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP.
Kết quả, từ năm 2018 đến 2021, vườn vải nhà bà Oanh cho sản lượng bình quân đạt 10 tấn/năm, thu gần 300 triệu đồng.
Nhờ sản xuất sạch, năm 2021, dù dịch bệnh nhưng 6 tấn vải thiều của gia đình bà Oanh được thu mua xuất khẩu sang Nhật Bản.
“Sản xuất hữu cơ không dùng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học nên vừa tạo ra sản phẩm an toàn được khách hàng ưa chuộng lại bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ chính người trồng vải. Năm nay, 6 tấn vải của gia đình mong chờ ngày chín mọng để hái xuất khẩu đi nước ngoài…”, bà Oanh thông tin.
Là địa phương có vùng sản xuất và xuất khẩu vải thiều sang thị trường nước ngoài (Nhật Bản, Mỹ, EU - Úc...) ông Ngô Văn Tiệp - Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) cho biết, Phúc Hòa coi trọng chất lượng quả vải thiều để xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng chú trọng thị trường trong nước.
Vải thiều ở Phúc Hòa đã lên sàn giao dịch thương mại điện tử, các cơ sở sản xuất đưa vải đến với người tiêu dùng trong nước được đánh giá cao và nhiều tiềm năng.
Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa – Ngô Văn Tiệp nhấn mạnh, địa phương coi trọng chất lượng vải thiều để tiếp tục xây dựng hình ảnh và vị thế trong mắt người tiêu dùng.
“Khuyến cáo bà con nông dân bán hàng phải đảm bảo chất lượng và không bán xanh. Vải phải đủ độ chín, chất lượng tốt nhất mới đưa ra thị trường, tránh tình trạng quả vải đưa ra thị trường không đảm bảo sẽ mất thương hiệu…”, ông Tiệp lưu ý.
Ông Tiệp cũng cho biết, chính quyền địa phương cũng kiểm tra giám sát, hướng dẫn người dân việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh trong danh mục cho phép và thời gian cách ly đảm bảo cho quả vải an toàn. Đặc biệt, khuyến khích bà con sử dụng thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh trên cây vải để đảm bảo chất lượng.