Kẻ Rưng xưa gồm Văn Trưng, Lăng Trưng và Hiến Trưng thuộc phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây - từng nổi tiếng thiên hạ bởi nhiều người văn hay chữ tốt, ghi danh khoa bảng.
Ba xã ấy nay là xã Tứ Trưng, gồm ba thôn Văn Trưng, Vĩnh Trưng (trước là Lăng Trưng) và Thế Trưng (trước là Hiến Trưng) thuộc huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), ngoài ra còn có thôn Bảo Trưng (trước là Nhủ Trưng). Đây là vùng đất hiếu học, sản sinh nhiều anh tài, vinh hiển đỗ đạt ghi vào sử sách.
Vùng đất trọng sự học
Vĩnh Tường được biết đến là một trong những nơi có trường dân lập sớm nhất nước ta. Đó là ngôi trường do hai xã Văn Trưng và Lăng Trưng xây dựng vào năm 1702. Theo các nguồn sử liệu, 45 gia đình của 2 xã đã cung tiến ruộng đất với tổng cộng 4 mẫu, 7 sào, 5 tấc để dựng trường. Đến cuối thời Tự Đức, trường phát triển thành 10 gian học đường, thu hút nho sinh từ khắp nơi.
Sau khi dựng trường, người xưa đã dành hơn 4 mẫu đất để làm học điền, quy định “hễ là loại đất tốt nhất nên giao cho người thầy cày cấy để làm nơi cấp lương nuôi thầy”.
Ngoài ra, để giảm bớt khó khăn, giúp sĩ tử chuyên tâm học hành, Bảo Trưng còn quy định “Người nào đến tuổi đi học, bản xã miễn trừ các khoản sưu sai, người nào hằng năm trúng khảo khóa thì được miễn lính và thuế khóa”. Đầu những năm 1940 của thế kỷ 20, một số thôn làng còn miễn trừ tạp dịch cho cả học sinh nam và nữ.
Hiện nay, tư liệu “Tam xã đăng khoa lục” là cuốn sách ghi chép rõ nhất về việc học và các nhà khoa bảng của ba xã Kẻ Rưng xưa. Sách chép từ năm 1618 đến năm 1909 qua 76 khoa thi Hương và 19 khoa thi Hội, ghi lại 451 người thi đỗ từ tam trường thi Hương đến tiến sĩ thi Hội. Trong đó có 104 người đỗ trung khoa và 3 người đỗ đại khoa.
Vào năm 1981, cụ Chánh hội Hào (cụ Đồng Xuân Cẩn) lúc ốm nặng trao cuốn sách cho ông Nguyễn Văn Tại lúc đó là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Ông Tại giao lại cho ông Đặng Văn Ước dịch sang quốc ngữ. Qua bản dịch có thể thấy “Tam xã đăng khoa lục” được chép bởi nhiều tác giả nối tiếp ở nhiều thế hệ.
Vùng đất mang danh xưng Vĩnh Tường xuất hiện với địa danh hành chính phủ Vĩnh Tường được đặt từ năm Minh Mệnh thứ 3 (l822) triều Nguyễn. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), cắt 2 huyện Yên Lãng, Yên Lạc lập thành phân phủ Vĩnh Tường, kiêm lý huyện Yên Lãng, thống hạt huyện Yên Lạc.
Phủ Vĩnh Tường còn lại 3 huyện (Bạch Hạc, Lập Thạch và Tam Dương), kiêm lý huyện Bạch Hạc, thống hạt 2 huyện lập Thạch và Tam Dương. Bởi vậy, những ghi chép trong “Tam xã đăng khoa lục” nhiều chỗ không khớp địa danh so với việc cắt đặt hành chính thời Nguyễn.
Kẻ Rưng có đến 451 người thi đỗ từ tam trường thi Hương đến Tiến sĩ thi Hội. Ảnh minh họa: INT. |
Khoa nào cũng có người đỗ
Một nét đặc biệt ở Kẻ Rưng là cuộc “Bình văn gốc nụ”. Theo lệ làng các khoá sinh muốn đi thi Hương phải qua một cuộc sát hạch sơ bộ tại xã. Xã mời quan phủ về làm chánh chủ khảo, cuộc sát hạch tổ chức tại Đền thờ Đức thánh Bà dưới bóng lá của những cây nụ nên gọi là “Bình văn gốc nụ”.
Vĩnh Tường có 21 Tiến sĩ nho học và 1 Phó bảng triều Nguyễn. Người thành đạt sớm nhất là Nguyễn Văn Chất (1421 -?) thôn Vũ Di, xã Vũ Di. Ông thi đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn đời vua Lê Nhân Tông (1448). Sau làm quan tới chức Thượng thư bộ Hộ, về trí sĩ và từng tham gia biên soạn thêm bốn truyện vào tập sách “Việt điện u linh” của Lý Thế Xuyên soạn năm 1329, trở thành một danh sĩ nổi tiếng.
Sau ông còn có 21 tiến sĩ khác, như đời Mạc có Bùi Hoằng người xã Thượng Trưng đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (1538). Phí Văn Thuật, người xã Thượng Trưng đỗ Hội nguyên rồi dự kỳ Văn Sách lại đỗ đầu Đình nguyên Hoàng giáp. Đến khi vào dự kỳ làm thơ ứng chế (thơ nhà vua ra đề), bài của ông được chấm thứ nhất. Người đời suy tôn là ông “Tứ nguyên”.
Nguyễn Tiến Sách (sau đổi là Đình Sách) người Văn Trưng đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) đời vua Lê Huyền Tông. Từng được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh điều trần về việc quan hệ giữa hai nước ở vùng biên cương. Ông còn là nhà thơ, nay còn 34 bài thơ chép trong sách “Toàn Việt thi lục” do nhà bác học Lê Quý Đôn sưu tập.
“Tam xã đăng khoa lục” còn cho biết, trong khoảng 76 khoa thi Hương và 19 khoa thi Hội (từ năm 1618 đến năm 1909) qua ba thế kỷ có 451 lượt người thi đỗ từ Tam trường và Tú tài thi Hương đến Tiến sĩ thi Hội. Gần 200 năm dưới triều Lê Trung Hưng đã có 416 người thi đỗ, trong đó có 3 đại khoa và 104 người đỗ trung khoa.
Tại Kẻ Rưng, hầu như khoa thi nào cũng có người thi đỗ. Nhiều nhất là khoa thi Hương năm 1690 có một người đỗ Tứ trường và 15 người đỗ Tam trường, khoa thi Hương năm 1717 có 3 người đỗ Tứ trường và 12 người đỗ Tam trường.
Ba xã Kẻ Rưng có 13 dòng họ thì họ nào cũng có người thi đỗ. Đứng đầu là họ Nguyễn với 137 người, họ Đặng 62 người, họ Đỗ 56 người, họ Phan 55 người, và họ Kim (sau đổi sang họ Đồng) 54 người.
Nhiều gia đình ông, cha, con cháu nối tiếp thi đỗ. Như trường hợp cụ Văn Hoằng Nghiệp đỗ năm 1645, con là Văn Hoàng Tá đỗ năm 1673, cháu là Văn Đằng Ngạn đỗ năm 1705, chắt là Văn Đằng Nhã đỗ năm 1726 và Văn Bá Đĩnh đỗ năm 1747, chút là Văn Trung Đỉnh đỗ năm 1759.
Gia đình danh nho Nguyễn Tiến Sách có nhiều người thi đỗ nhất. Bản thân và con trai thứ hai là Nguyễn Đình Toản đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Hai người em, 9 người con (4 người đỗ tam trường thi Hội và 5 người đỗ tứ trường thi Hương) và năm người cháu nội đều thi đỗ.
Họ Đỗ có cụ Đỗ Hi Thiều đỗ Tiến sĩ năm 1721, sau có 6 người con và 3 người cháu cũng đỗ đạt. Nhà khoa bảng ít tuổi nhất là Văn Bá Đĩnh cháu cụ Văn Hoằng Nghiệp đỗ năm 1747 lúc 15 tuổi và Nguyễn Đình Toàn đỗ khi 17 tuổi.
Tại nhà thờ họ Nguyễn trước đây còn có câu đối: Đồng thế đồng triều tam Tiến sĩ/ Nhất gia nhất nhật lưỡng vinh quy (Cùng thời ba vị Tiến sĩ làm quan cùng triều/ Một nhà hai người thi đỗ vinh quy về làng một ngày).
Tại nhà thờ họ Đặng cũng được truyền tụng: Bách thế xưng thần lịch niên dữ quốc/ Bát thôn cư thủ do tộc nhi hương (nghĩa là: Làm quan trăm đời nhiều năm giúp nước/ Giữ đất tám thôn nhờ họ nên làng).
Hội thảo khoa học 200 năm danh xưng Vĩnh Tường 1822 - 2022 được tổ chức vào tháng 8/2022. |
Thưởng người đỗ, phạt vạ kẻ trượt
Sở dĩ ở Kẻ Rưng có nhiều người đỗ đạt, vì từ xa xưa việc khuyến học luôn được quan tâm. Người xưa có cách động viên và giúp đỡ con em nhà nghèo đi học, lúc nào trong làng cũng có thầy giỏi ngồi dạy.
Trước mỗi kỳ thi Hương, khoa sinh đều phải trải qua kỳ khảo hạch theo lệ làng. Ai trúng cách được gọi là “sử sĩ”, được đi thi Hương, được vọng quan viên trong xã là chân Tư văn, ngày hội làng được ngồi trong đình.
Ai không trúng cách bị gọi là “chạ”, bị làng phạt vạ không được đi thi Hương, ngày hội làng phải ngồi dưới cầu nhị hàng. Thậm chí, ngày giỗ cha mẹ dù là con trưởng cũng không được khấn mà phải nhờ con thứ hoặc người ngoài là Tư văn khấn thay.
Ba xã Kẻ Rưng cùng thờ thành hoàng làng là Đông Kinh Phán Quan Đại vương Thượng đẳng phúc nhần, húy là Nguyễn Văn Nhượng và Công chúa nước Chiêm Thành (Lão Tiên Bà).
Theo ngọc phả về vị thần Nguyễn Văn Nhượng và lời truyền kể của nhân dân địa phương, thì đình Tứ Trưng (đình Rưng) được xây dựng từ sau khi ông mất. Phía trước cổng đình là chợ Rưng, sân đình có cây lộc vừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi đến 3 người ôm tỏa bóng mát xum xuê, khiến cho ngôi đình mang một vẻ thâm u tĩnh lặng, cổ kính.
Bia Tiến sĩ tại Văn miếu Vĩnh Phúc ghi nhận nhiều nhà khoa bảng Kẻ Rưng. |
Ngược dòng thời gian về triều vua Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù (1176) xảy ra việc vua nước Ai Lao không chịu thần phục và dâng cống nạp cho Đại Việt theo thường lệ. Vào năm Trinh Phù nguyên niên, vua Lý Cao Tông đã giao kỳ ấn cử tướng Đông Kinh Phán quan Nguyễn Văn Nhượng làm Đốc tướng cất quân với nhiều cờ súy, chiến xa sang chinh phạt Ai Lao.
Chỉ một thời gian ngắn, ông đã phá tan quân Ai Lao, khiến chúng thua chạy, ông bắt được hơn trăm tù binh, một cỗ voi chiến và thu nhiều vàng bạc châu báu, sừng tê giác... buộc vua Ai Lao phải đầu hàng, cam kết thần phục và thi hành lệ cống nạp Đại Việt như cũ.
Về công chúa nước Chiêm Thành (Lão Tiên Bà), theo cuốn tài liệu chữ Hán viết năm Vĩnh Hựu (1735) thì có một vị tên là Lão Tiên Bà tối linh công chúa, nguyên là công chúa nước Chiêm Thành.
Vào triều vua Trần Thánh Tông, nhà vua đi chinh phạt phương Nam. Một ngày nọ, ông giong thuyền theo hướng Tây đến xã Biên Mặc bên sông Kỳ Giang thì thuyền không đi được nữa. Lúc đó trời đất tối sầm, mưa gió nổi lên, thì ra công chúa giáng trần phù giúp.
Nhà vua bèn truyền cho xã dân lập đền thờ hàng năm tế tự, làm lễ đảo vũ đều linh ứng, sự tích và ân điển đã được bao phong nhiều đời thờ cúng đầy đủ. Các triều đại sau này đều gia phong mỹ tự.