Tôi nhận lời nhờ cậy của chị, mang giỏ bánh đến thăm một bà cụ ở khu tập thể gần nơi tôi làm việc, băn khoăn vì không hiểu sao chị sống và làm việc ở một thành phố miền Nam, lại quen biết một bà cụ xứ Bắc.
Bà cụ nhỏ bé, già yếu và có vẻ chẳng khi nào đi đâu khỏi cái phòng vỏn vẹn mấy mét vuông trong khu tập thể cổ lỗ sĩ của những thập niên trước.
Bà hỏi tôi là ai, theo đúng "kịch bản", tôi trả lời mình từ một văn phòng đại diện của một công ty chuyên về thực phẩm cho người cao tuổi. Tôi hỏi thăm sức khỏe bà cụ, nói chuyện linh tinh một hồi. Bà đang sống với vợ chồng cô con gái và hai đứa cháu ngoại. Tôi lờ mờ đoán ra bà là ai đối với chị bạn.
Đúng vậy. Bà là mẹ của anh - người đàn ông chị yêu. Anh đã lập gia đình, nhưng công việc kinh doanh và tính cách ưa phiêu lưu đã ném anh vào cuộc sống xa nhà. Chị yêu anh, nhưng cả hai người không ai muốn phá vỡ gia đình mình.
Họ đã cố giấu giếm tình yêu ấy, cố hẹn hò kín đáo, cố chăm bẵm cái vẻ ngoài của mỗi tổ ấm để không ai lo lắng nghi ngờ gì. Vậy mà không hiểu sao một lần vào thăm con trai, bà cụ đã biết. Anh yêu quý mẹ và cũng yêu quý chị, nên đã đưa chị về gặp mẹ. Chẳng biết họ nói với nhau chuyện gì, nhưng từ sau lần gặp đó, chị chủ động rút khỏi cuộc tình.
Trong cuộc đời, có những người mình chỉ gặp một lần thôi, thoáng qua hay tình cờ, nhưng mãi sau này mới biết gặp gỡ ấy là một duyên may, gần như là hạnh phúc. Chị bảo, mẹ anh là một người phụ nữ kỳ lạ. Bà nói bà không thương con trai mình, vì nó là một thằng bé ích kỷ. Mà đàn ông, con ơi, nói chung là ích kỷ.
Họ chỉ biết cái khát khao của họ, con đường của họ và những giấc mơ của họ mà thôi. Trong cuộc đời người đàn ông, mỗi người đàn bà đều là một giấc mơ, khi họ chìm vào giấc mơ nào thì giấc mơ ấy là đẹp nhất, lung linh quyến rũ nhất, nhưng tỉnh giấc rồi thì có khi quên cũng nhanh thôi.
Con trai mẹ có một giấc mơ đã thành hình hài thực: vợ nó, gia đình nó. Con trai mẹ lấy vợ vì nó cũng từng yêu người ta, chứ nào phải mẹ ép buộc gì đâu. Khổ thân con dâu của mẹ, biết đâu lấy người khác, sống cuộc đời khác, đã có thể hạnh phúc hơn…
Mẹ làm sao thương được hết những giấc mơ của con trai, nên thôi thì, thương con dâu là đúng hơn cả. Bà cụ bảo, mình thương dâu, nhưng con dâu cũng chả tin mình thương nó.
Nó cứ bảo tại mình không răn dạy, không ép buộc chồng nó phải quay về, ở yên trong nhà với vợ con. Thôi thì, lúc nào đó, làm mẹ đủ lâu, nó sẽ hiểu, dù có thương mẹ đến đâu, nhưng những thằng con trai bám váy mẹ, nghe lời mẹ răm rắp, thì lại chẳng ra gì.
Nó có con đường của nó, có những giấc mơ của nó. Nếu nó không thương vợ con nữa, mình lại phải càng thương vợ con nó, để bù lại con ạ, bởi người đàn bà phải vậy, phải là cọng dây xâu những hạt ngọc rời thành chuỗi hạt gia đình, chuỗi ngọc dòng họ.
Mẹ chỉ có một cuộc đời mình để làm cọng dây ấy, nên mẹ không thể thương được con, cũng như con, con không thể xâu thêm vào chuỗi hạt của mình những hạt vốn đã thuộc về một xâu chuỗi khác…
Cuộc tình của chị đã qua. Nghe đâu sau đó chị đau khổ lắm, dằn vặt lắm, nhưng đã dồn tất cả tình cảm và công sức vào các con, rồi chị dần dần tìm lại được sự cân bằng. Nghe đâu sau đó, anh có thêm mấy người tình nữa, trẻ đẹp hơn và vợ anh cũng ghen tuông ồn ào hơn.
Khi đã ra khỏi đời nhau rồi, chị cũng chẳng có dịp nào, chẳng có lý do gì để đến thăm bà cụ. Con đường mỗi người đi mỗi lúc một cách xa nhau hơn, chỉ có câu chuyện ấy, lần gặp ấy, chị không quên được.
Chị bảo, bà cụ nói bà không thương con trai mình - cái thằng bé ích kỷ ấy. Nhưng chị muốn thay anh gửi đến bà lòng kính trọng của một đứa con đối với người mẹ hiểu con mình đến chân tơ kẽ tóc và yêu thương con bằng cách giữ cho nó một mối dây gia đình mỏng manh nhưng luôn bền chặt.
Dù bà mẹ không thương chị, dù chị biết mình sai khi yêu anh, nhưng bản năng người mẹ đã mách bảo cho bà biết cách để trái tim người mẹ đến được với trái tim một người mẹ khác, vượt lên trên tất cả những sân si đau đớn của người đàn bà. Chị mang ơn bà, vì điều đó…