“Muốn hạnh phúc, phải chiều được mẹ chồng“

Một bí quyết quan trọng là chị em phụ nữ nên tối kỵ thể hiện mâu thuẫn với chồng hoặc nói xấu chồng trước mặt bố mẹ chồng. Đó là chìa khóa của hạnh phúc hôn nhân.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

13 năm trải qua hôn nhân, chị Nguyễn Anh (36 tuổi, giáo viên) vẫn luôn tỏ ra là người vô cùng hạnh phúc và hài lòng về cuộc sống ở nhà chồng. 

Điều đặc biệt hơn cả là vợ chồng chị tuy sống chung với bố mẹ chồng dưới một mái nhà nhưng gần như không bao giờ xảy ra xô xát giữa mẹ chồng - con dâu. Trái lại, chị còn được mẹ chồng yêu quý, chiều chuộng như con gái bà vậy.

Theo trải nghiệm cá nhân chị, mỗi người phụ nữ đều muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Họ phải nắm được chìa khóa vàng, ấy chính là chiều được mẹ chồng. Cùng trò chuyện với người phụ nữ này để hiểu rõ hơn về cách chị đã chinh phục mẹ chồng và ứng xử trong cuộc hôn nhân của mình.

Rất nhiều chị em phụ nữ nói với tôi: Họ ganh tị với chị bởi chị được bố mẹ chồng quá chiều. Chị có thể chia sẻ cách sống của chị với nhà chồng cho chị em khác xem bí quyết là gì được không?

Đây là một câu chuyện thú vị. Tôi có thể nói nhiều thứ nhưng tựu chung lại, điều quan trọng nhất là đừng bao giờ mâu thuẫn với mẹ chồng.

Nghĩa là mẹ chồng có vai trò rất quan trọng trong gia đình nên con dâu phải chinh phục mẹ chồng đúng không?

Điều hiển nhiên đấy! Đôi khi, mẹ chồng là chìa khóa của hạnh phúc cho các cô con dâu. Cô nào biết chiều chồng cũng không cao tay bằng biết chiều mẹ chồng. Chiều không thô, không lố quá. Làm thế nào củng cố vị trí của mình như vị trí con gái trong gia đình ấy.

Đúng rồi! Tôi thấy chòm xóm kể chị được mẹ chồng chiều như con gái. Chị đã làm thế nào?

Khi tôi chưa lấy chồng, bản chất của tôi là một đứa con gái khá vụng về, chỉ giỏi về chuyên môn và việc nhà không được rèn luyện kỹ càng lắm. 

Điều này mẹ tôi nói nhiều, nhưng tôi cứ vâng dạ rồi cũng xong. Mẹ đẻ có chửi vài câu cũng chẳng sao, con gái mình cũng có phần bà chiều, cũng có phần chấp nhận.

Nhưng mẹ chồng thì khác máu tanh lòng, không thể nói như vậy được, tôi hiểu điều đó. Không phải tôi cố tình chây ì công việc nhà, mà ở nhà chồng, tôi được ưu tiên. Như tôi nói, chìa khóa của sự ưu tiên đó là mẹ chồng.

Ngày đầu về, tôi cũng xông xáo làm, có gì tôi cũng hỏi, hỏi để lấp chỗ trống giữa mẹ chồng và con dâu. Việc bé tí như quét dọn tôi cũng hỏi mẹ làm như thế nào cho hợp lý. 

Bởi đơn giản, những trật tự mẹ đã sắp xếp từ đầu sẽ có những sự hợp lí nhất định. Tôi nói với mẹ chồng như thế, và mẹ chồng chấp nhận. Việc này tạo sự an toàn, tôi không làm sai cái gì trong trật tự của mẹ.

Tôi cũng không quá sốt sắng dọn dẹp hoặc nấu nướng nhiệt tình quá. Một thủ thuật nhỏ mà tôi cũng thường làm với mẹ chồng đó là: Luôn mang việc về nhà làm cho… bận rộn hơn. Tâm sự thật đấy! Sau khi làm những công việc chuyên môn, tôi lại tất bật dọn dẹp. Để bố mẹ chồng hiểu là tôi có làm thật sự chứ không phải tôi lười biếng.

Ngoài một chút thủ thuật hơi trẻ con đó, tôi chia sẻ với mẹ chồng những câu chuyện nhỏ nhặt với cách nói chuyện rất đời thường. Tôi kể chuyện cơ quan, kể chuyện bạn bè rồi cười hì hì suốt ngày. Mẹ chồng luôn khen tôi tốt tính và xuề xòa.

Nói về yếu tố xuề xòa, các cô con dâu thường rơi vào hai kiểu: Một là vô ý quá; hai là giữ ý quá. Đối với tôi, tôi không nói năng bỗ bã. Nhiều bà mẹ chồng khó tính, nhưng khó tính như thế nào khi biết tiếp cận thân tình và đừng nghĩ đến yếu tố khác máu tanh lòng thì mình bớt khoảng cách.

Mình cũng phải chấp nhận một điều: Khi mẹ chồng nói gì thì đừng tự ái. Từ trong sâu thẳm lòng mình đừng bao giờ cảm thấy khó chịu hay ấm ức chuyện mẹ chồng nói. Biết hóa giải bằng nụ cười và tình cảm bao giờ mình cũng lợi.

Cái lợi chị nói ở đây có phải việc chị sẽ được bênh vực, đỡ đần?

Còn hơn cả bênh vực, đỡ đần. Mình ứng xử tốt với mẹ chồng và được mẹ chồng đối xử tốt, mình sẽ tự mình khẳng định mình là con cái trong gia đình, không còn có khoảng cách nữa. Khi mình tạo tâm thế con cái, mọi thứ cha mẹ hi sinh, giúp đỡ con cái là đương nhiên. Cái lợi là cái tất yếu!

Người ta bảo: Có một mẹ già trong nhà là sung sướng nhất. Vợ chồng tôi được hậu thuẫn bởi bố mẹ chồng nên lúc nào cũng thảnh thơi, nhàn hạ. Ông bà chăm lo con cái giúp mình, bữa cơm, nhà cửa,… Mọi thứ đều có thể tin tưởng ông bà.

Thế còn chồng chị thì sao? Anh ấy nghĩ gì?

Đương nhiên anh ấy sung sướng rồi còn gì. Nhưng thêm một kinh nghiệm này mà tôi rất tâm đắc và muốn chia sẻ với chị em: Đừng bao giờ nói xấu chồng hay cãi nhau với chồng trước mặt mẹ chồng.

Vợ chồng có thể sẽ có những mâu thuẫn và không thể nói là lúc nào cơm cũng lành, canh cũng ngọt được. Chúng ta sẽ phải đối mặt với những căng thẳng. 

Nhưng quan điểm của tôi là nhất định không cãi nhau với chồng ở nhà, không cãi nhau với chồng ở cơ quan hay chỗ đông người. Hoặc tôi sẽ ngầm chiến tranh lạnh, hoặc lôi nhau vào nhà nghỉ vừa giải quyết mâu thuẫn, vừa… đổi gió.

Tôi không muốn bố mẹ chồng phải nghe chúng tôi cãi nhau. Tôi nghĩ, con ông bà thì ông bà xót, chắc chắn là thế. Mình cũng có con cái, mình phải hiểu các cụ. Đôi khi các cụ nói là bênh mình, nhưng chúng ta hiểu là có sự thiên vị, tôi thấy điều đó là bình thường.

Mẹ chồng tôi lúc nào cũng thấy vợ chồng tôi vui vẻ, và tôi không cãi, không nói xấu chồng trước mặt bà thì bà vui và phấn khởi lắm. 

Phụ nữ chúng ta cứ bảo phải đòi công bằng, nhưng tôi khẳng định chẳng có sự công bằng nào cả ngoài việc chúng ta chấp nhận sự thiên vị này và được sự thiên vị khác. Chị em thử ngẫm mà xem. Quan trọng nhất đừng để mâu thuẫn trước mặt những người thân của chồng.

Một câu chuyện ngắn, thú vị! Tôi sẽ áp dụng cách của chị…

Áp dụng cách của tôi cũng được, nhưng khó phết đấy. Làm sao bạn phải dẹp được cái tôi ích kỷ, sự đố kỵ giữa phụ nữ với nhau. Bởi sống với mẹ chồng là cuộc sống của hai người phụ nữ cùng yêu thương một người đàn ông. Một câu chuyện dài mà chính bạn phải trải nghiệm mới biết.

Cảm ơn chị, chúc chị hạnh phúc!

Theo Trí thức trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ