Ba “lực lượng” trong giáo dục đạo đức, lối sống

GD&TĐ - Những nghiên cứu của nhóm nghiên cứu với đề tài đề xuất mô hình gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, do PGS.TS Nguyễn Văn Biên làm Trưởng nhóm đã đưa ra những kết luận hữu ích để gia đình, nhà trường và xã hội cùng nhìn nhận lại vấn đề một cách chính xác, từ đó điều chỉnh cách giáo dục trẻ sao cho phù hợp nhất. Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Văn Biên về quan điểm của ông và nhóm nghiên cứu về những vấn đề liên quan.

Cần có cái nhìn khách quan trong việc đánh giá đạo đức, lối sống của HSSV
Cần có cái nhìn khách quan trong việc đánh giá đạo đức, lối sống của HSSV

Tiêu cực chỉ là thiểu số

- Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Biên, cùng những biến chuyển mạnh mẽ của xã hội, nhà trường cũng chịu nhiều tác động, trực tiếp ở đây là học sinh - sinh viên. Nhóm nghiên cứu của ông và các cộng sự đã có những nhìn nhận đánh giá vấn đề này ra sao?

PGS.TS Nguyễn Văn Biên: Tôi thấy, hiện nay rất nhiều người có cái nhìn bi quan về đạo đức, lối sống của học sinh – sinh viên. Nếu đúng là chỉ dựa vào những thông tin được cung cấp đầy rẫy trên mặt báo về những vụ vi phạm đạo đức trong trường học thì cái nhìn bi quan trên là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, qua quan sát, tìm hiểu và qua quá trình chúng tôi đến các trường phổ thông làm việc cũng như trải nghiệm ở giáo dục đại học, chúng tôi nhận thấy: Nguyên lý Pareto cũng đúng trong giáo dục. Tức là, có đến 80% học sinh, sinh viên có ý thức đạo đức, biết chấp hành những quy tắc, chuẩn mực trong nhà trường và xã hội; và chỉ có 20% học sinh có những vấn đề cần điều chỉnh.

Nhưng vì, báo chí, thậm chí cả nhà trường và người lớn dành 80% thời lượng của mình để bàn về các vụ vi phạm, hậu quả của nó và đưa ra lời cảnh báo và chưa đến 20% thời lượng nói đến các học sinh có nhiều thành tích, những em học sinh nỗ lực vượt khó, thậm chí “vượt nghèo” để vừa giúp đỡ gia đình, vừa tham gia đóng góp cho trường, cộng đồng… nên chúng ta thấy một bức tranh quá ư ảm đạm về đạo đức, lối sống của học sinh - sinh viên.

- Đúng là việc thông tin quá nhiều đến các vụ vi phạm, cho dù tỷ lệ này không nhiều đã làm xã hội có cái nhìn chưa được khách quan về đời sống học sinh - sinh viên. Vậy nhóm nghiên cứu có đề xuất gì về việc này?

PGS.TS Nguyễn Văn Biên: Theo đánh giá của chúng tôi thì có đến 80% học sinh - sinh viên có ý thức đạo đực, lối sống tốt phù hợp với chuẩn mực trong nhà trường xã hội. Có điều báo chí lại thiên hướng đưa thông tin về 20% còn lại có lối sống chưa phù hợp làm cho xã hội có những nhìn nhận đánh giá chưa đúng về học sinh - sinh viên.

Thiết nghĩ, thay vì chỉ trích hay đưa ra cái nhìn bi quan, thì báo chí, nhà trường và xã hội nên đề cập nhiều hơn cách giải quyết để đưa các học sinh vi phạm đạo đức đi đúng con đường mà nhà trường, xã hội mong muốn. Và đề tài mà chúng tôi đang tập trung nghiên cứu hướng đến giải quyết vấn đề này: Làm thế nào để tạo ra môi trường thống nhất, liên tục và toàn vẹn - trong đó quá trình “xã hội hóa” đứa trẻ được diễn ra tốt đẹp, lành mạnh nhất.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Cần tác động từ nhiều phía

- Vậy theo nhóm nghiên cứu, vai trò của nhà trường, gia đình, xã hội trong phòng chống bạo lực học đường là như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Biên: Kể đến vai trò của các bên ảnh hưởng đến bạo lực học đường, không chỉ có 3 lực lượng: Gia đình, nhà trường và xã hội. “Lực lượng” đầu tiên phải kể đến và phải chịu trách nhiệm để thay đổi là chính bản thân học sinh:

- Về phía học sinh: Sự phát triển mất cân đối giữa sinh lý, tâm lý và xã hội trong quá trình trưởng thành, sự phát triển mạnh mẽ của cơ thể, đặc biệt là tuyến nội tiết khiến các em có “nguồn năng lượng sinh tồn dồi dào” (dẫn theo nghiên cứu của PGS.TS Ngô Công Hoàn) - nguồn năng lượng này kích thích hoạt động của hệ tuần hoàn, hô hấp, hệ xương, cơ… khiến các em đôi khi bứt rứt, khó chịu, tạo ra những xung lực bản năng. Mặt khác, nhận thức chưa đầy đủ, sự kiểm soát cảm xúc đôi khi khiến các em muốn “bùng nổ” hành vi theo chiều hướng tiêu cực, các em dễ bị kích động… nếu không được hướng dẫn điều khiển cảm xúc, hành vi tốt.

- Về phía nhà trường: Hoạt động chủ đạo trong nhà trường là học tập, liên quan đến các kỹ năng: Đọc, viết, tính toán, tư duy logic - xét ở khía cạnh tâm - sinh lý, các kỹ năng này kích thích liên tục vào bán cầu não trái (liên quan đến suy luận logic, lý tính, chính xác…) mà “bỏ quên” tác động đến bán cầu não phải (liên quan đến cảm xúc, trực giác, sự sáng tạo, óc nghệ thuật bay bổng…).

Bạn hãy tưởng tượng, nếu bắt những đứa trẻ có khuynh hướng nghệ thuật, thể thao…phải ngồi im và tư duy logic có thể dẫn đến “ngứa ngáy chân tay” thế nào. Sự mất cân bằng trong phát triển hai bán cầu não cộng với áp lực về học hành, điểm số từ giáo viên và gia đình có thể dẫn đến những hành vi bột phát, thiếu kiểm soát ở học sinh đang trong độ tuổi thích khẳng định. Mặt khác, nếu mục tiêu của quá trình dạy học các môn học luôn được nêu ra rõ ràng, cụ thể thì mục tiêu của quá trình giáo dục phẩm chất, đạo đức lại khá mờ nhạt và kiểm tra, đánh giá để xem xét mức độ đáp ứng mục tiêu cũng vậy.

Tuổi trẻ năng động. Ảnh minh họa
Tuổi trẻ năng động. Ảnh minh họa 

Gia đình, nhà trường và xã hội đều có vai trò quan trọng

- Rõ ràng những tác động từ gia đình, nhà trường và xã hội đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hành vi, tính cách của học sinh - sinh viên. Thực tế cho thấy thời gian qua, những sự việc đáng tiếc xảy ra ở một số nơi đã nói lên điều này. Vậy quan điểm của ông và nhóm nghiên cứu về việc này thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Biên: Những tác động tiêu cực khách quan và chủ quan như tôi đã nêu đều đã được Bộ GD&ĐT nhận ra và thể hiện sự thay đổi trong Chương trình giáo dục mới - với nhiều mục tiêu về phẩm chất được mô tả rất rõ cũng như những yêu cầu mới về tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong cũng như ngoài môn học; đồng thời có những hướng dẫn cụ thể về đánh giá mức độ đạt được của các phẩm chất này. Tôi nghĩ, chủ trương đã có, quy định và hướng dẫn cũng đã có. Hiệu quả ra sao, bây giờ còn phụ thuộc vào sự tận tâm, quyết tâm thay đổi của các nhà trường, của mỗi giáo viên và sự chung tay của gia đình, xã hội và các bộ, ngành khác.

- Về phía gia đình: Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra ảnh hưởng của gia đình đến hành vi đạo đức của học sinh. Nên ở đây, tôi chỉ muốn đề cập đến một thuật ngữ mà tâm lí học chỉ ra: Cơ chế Di truyền xã hội. Cha mẹ không chỉ để lại bộ mã gen di truyền sinh học của mình trên con cái họ, mà còn cả hình ảnh về lối sống, cách cư xử, hành vi và thói quen của mình lên các con. Nên các ảnh hưởng từ gia đình đến hành vi bạo lực của trẻ có thể là:

- Nhiều cha mẹ có quá ít thời gian tương tác “có chất lượng” với con cũng như các phương pháp tích cực trong việc khích lệ con tiến bộ.

- Một số cha mẹ cũng có thể là chủ thể của hành vi bạo lực hoặc bắt nạt trong gia đình.

- Cha mẹ thiếu thống nhất và thiếu nhất quán về cách dạy con.

- Cha mẹ ủy thác quá nhiều trách nhiệm giáo dục con cho nhà trường nhưng lại ít phối hợp hoặc hợp tác.

- Về phía xã hội: Khi nói đến yếu tố xã hội, nhiều người nghĩ đó là yếu tố khá vô hình và ảnh hưởng của nó đến hành vi bạo lực của học sinh không nhiều. Nhưng trong thực tế, xã hội là những điều hiện hữu mọi nơi, mọi lúc với mọi đứa trẻ và giống như không khí đứa trẻ hít thở - ít nhận ra nhưng ảnh hưởng ngấm ngầm và sâu sắc: Đó là nhóm bạn bên cạnh đứa trẻ; là những người hàng xóm hàng ngày đứa trẻ gặp; là những thông tin hàng ngày đứa trẻ nghe, xem, đọc; và thậm chí như những chủ trương, quy định, chính sách về kinh tế, về văn hóa, giáo dục cũng là yếu tố xã hội tác động đến trẻ mỗi ngày.

- Xin cám ơn ông!

Bài 2: Tính tương tác giữa gia đình, nhà trường và xã hội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: