Nhà trường phải đi đầu trong loại bỏ bạo lực
Vào giờ ra chơi ngày 19/11, cô Nguyễn Thị Phương Thủy, chủ nhiệm lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) đã yêu cầu 23 học sinh tát một nam sinh trong lớp do chửi thề.
Diễn biến sự việc, từ việc nam sinh nhập viện điều trị; cô Thủy đến gặp gia đình, thừa nhận sai lầm và xin tha thứ; gia đình nam sinh tha thứ cho cô giáo; cô Thủy bị khởi tố vì hành vi hành hạ người khác, sau đó, bị ngất xỉu ở nhà nên được đưa đi cấp cứu; lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh đến thăm hỏi cô giáo tại bệnh viện… đều được truyền thông theo sát.
Câu chuyện đáng buồn trên cũng được phân tích ở nhiều góc cạnh: bạo lực học đường, đạo đức nhà giáo, dạy trẻ tư duy phản biện… và cả việc làm sao để giúp nhà giáo vượt qua “điểm sôi cảm xúc” để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.
Em N đã trở lại trường học. Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô |
Tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tại huyện Hoài Ân, Bình Định, ngày 28/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh nhà trường phải đi đầu trong loại bỏ bạo lực.
Cho rằng, sự việc một cô giáo chỉ đạo cho học sinh tát bạn hơn 200 cái là một hành vi phản giáo dục, vi phạm pháp luật, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo xử lý nghiêm, phải đấu tranh chống tiêu cực, đưa ra khỏi ngành đối với những giáo viên thoái hóa đạo đức.
Nhìn ở góc độ tâm lý học, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) – cho rằng, một số thầy cô có quá nhiều nhiệm vụ cần hoàn thành, nhiều kỳ vọng của cấp trên cần đáp ứng, trong khi thời gian vật chất không đủ để hoàn thành, dẫn đến nhiều tình huống tương tác với học sinh không thể cân nhắc một cách lý tính mà chỉ hành động theo cảm xúc tức giận bột phát.
Để giảm thiểu sai lầm, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, giáo viên cần có kiến thức và kỹ năng tự chăm sóc bản thân một cách hiệu quả. Luôn ghi nhớ rằng, tự chăm sóc bản thân là điều tốt cho nghề nghiệp của mình. Ý thức về các yếu tố nguy cơ gây tổn thương của nghề nghiệp bao gồm sự quá tải trách nhiệm, thiếu hỗ trợ về chuyên môn từ đồng nghiệp và hỗ trợ tinh thần từ mạng quan hệ xã hội hay sự đơn điệu do các hoạt động giảng dạy lặp lại…
Trường mầm non B Trực Đại |
Vụ việc buộc dây vào trẻ: Không chỉ giáo viên phải xem lại mình
Sự việc tại Trường mầm non B Trực Đại (Nam Định) cũng thu hút sự chú ý của dư luận. Khởi đầu từ thông tin phụ huynh chụp được ảnh bé trai 4 tuổi bị buộc dây vào người và 1 số báo đưa tin. Ngay buổi tối cùng ngày, phòng GD&ĐT Trực Ninh (Nam Định) đã có báo cáo Sở GD&ĐT, UBND huyện Trực Ninh về việc này.
Cụ thể, cháu Nguyễn Tài Phát bị rối loạn phổ tự kỷ/chậm phát triển trí tuệ; vừa bị câm, vừa bị điếc; có biểu hiện hú, chạy nhảy, dẫm vào người, cắn vào tay các bạn và cô giáo. Lúc cháu tăng động quá, cô buộc vào như vậy, vừa an toàn cho cháu, vừa an toàn cho các bạn.
Báo cáo của phòng GD&ĐT nhận định: Cách làm của cô giáo thể hiện nhận thức rất hạn chế, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm với trẻ khuyết tật nên đã có hành vi đối với trẻ không đúng, không chuẩn mực, gây phản cảm; song cô không có ác ý gì ngoài sự đảm bảo an toàn cho bản thân cháu Phát và các trẻ trong lớp. Từ khi xảy ra sự việc, cháu bé vẫn đến lớp, bình ổn về tinh thần.
Phòng GD&ĐT đã quyết định cho cô giáo tạm nghỉ mấy ngày làm kiểm điểm, vừa có thời gian bình tâm, soi xét lại mình, vừa có thời gian chia sẻ với gia đình cháu bé. Qua sự việc trên, Phòng GD&ĐT nghiêm túc nhận trách nhiệm của mình; yêu cầu Ban giám hiệu, giáo viên để xảy ra sai phạm kiểm điểm và thực hiện quy trình xử lý kỷ luật theo quy định.
Tuy nhiên, nhiều bài báo thể hiện sự chia sẻ với khó khăn của các cô giáo dạy trẻ khuyết tật. Bài viết trên báo Tuổi trẻ không chỉ chỉ ra khó khăn của các cô giáo dạy ở lớp có trẻ học hòa nhập mà cả khó khăn của ngành Giáo dục vì không thể có định biên cho giáo viên có chuyên môn giáo dục đặc biệt.
Tuổi trẻ dẫn lời ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT từng chia sẻ: "Thời tôi đương nhiệm cũng từng cố gắng đề xuất để có định biên cho giáo viên được đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt, nhưng không được Bộ Nội vụ chấp thuận".
Cái lý để không thể có định biên cho giáo viên có chuyên môn giáo dục đặc biệt vì cả nước vẫn thiếu giáo viên để đáp ứng giáo dục đại trà thì làm sao có định biên để chỉ thực hiện nhiệm vụ với số ít trẻ tự kỷ.
Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết trong lần sang Nhật công tác, ông ấn tượng mãi khi gặp một cô giáo phải bế trên tay một học sinh tiểu học bị tự kỷ. Mặc dù ở Nhật có các cơ sở chuyên biệt nhưng khi học hòa nhập thì vẫn phải đến trường bình thường và để quản lý, chăm sóc đứa trẻ tự kỷ cũng phải có giáo viên được "giao nhiệm vụ", chứ không thể "kiêm nhiệm" cùng quản lý 50-60 học sinh vì đó là công việc rất vất vả.
Trở lại vấn đề của cô giáo ở Trực Ninh, bài báo kết luận: dù phải "soi lại mình" nhưng có lẽ hai cô giáo này và nhiều cô giáo khác cũng đang không hiểu rồi các cô phải áp dụng phương pháp gì khác để giữ đứa trẻ được an toàn và đảm bảo an toàn cho các trẻ khác. Ai sẽ hỗ trợ về chuyên môn, sẽ tập huấn cho các cô việc này?
HS Việt Nam giành 9 huy chương vàng kì thi vô địch các đội tuyển Toán thế giới
Tối 26/11, đoàn học sinh Việt Nam tham dự kì thi vô địch các đội tuyển Toán thế giới (WMTC 2018) đã về đến Hà Nội với thành tích xuất sắc: 9 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 13 huy chương đòng và 1 giải khuyến khích
Tại bảng đấu dành cho học sinh tiểu học, đoàn Việt Nam đã xuất sắc dành 1 HCB, 7 HCĐ và 1 giải khuyến khích, mặc dù học sinh của chúng ta nhỏ tuổi hơn so với học sinh các đoàn khác.
Tại bảng đấu dành cho học sinh THCS, học sinh Việt Nam đã đạt thành tích xuất sắc khi giành tới 9 HCV trong tổng số 17 HCV được trao cho các thí sinh. Trong đó, em Vũ Hồng Phúc, học sinh trường THCS Cầu Giấy đã đạt kết quả xuất sắc, xếp thứ 3 trong giải cá nhân của cuộc thi.
Ngoài ra tại giải đồng đội, đội THCS Cầu Giấy đứng thứ ba thế giới. Và cả 3 đội Việt Nam đã đứng trong tốp 30% đội có số điểm cao nhất.
Năm nay đoàn Việt Nam tham dự kì thi WMTC 2018 được tổ chức tại Bulgaria gồm 36 học sinh, trong đó có 9 em học sinh tiểu học đến từ các trường học trong quận Hoàn Kiếm và 27 học sinh THCS đến từ các trường THCS trong quận Hoàn Kiếm, Trường THCS Giảng Võ quận Ba Đình, Trường THCS Cầu Giấy quận Cầu Giấy.
Đoàn Việt Nam đã tham gia nhiều lần và đạt kết quả ngày càng tốt. Năm 2015, đoàn giành được 1 huy chương vàng đầu tiên. Năm 2016 đoàn đạt được 20 HCV, 11 HCB và 1 HCĐ. Tiếp đó, thành tích năm 2017 của đoàn là 27 HCV, 9 HCB và 2 HCĐ.
Thầy Thể có hơn 15 năm gắn bó với các thế hệ học sinh vùng ốc đảo |
Những người hết lòng vì học trò
Trong suốt 15 năm giảng dạy, người thầy đầu đã ngả sang “màu muối tiêu”, thầy Lê Tiến Thể, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) vẫn rong ruổi vượt gần 400km từ nhà đến trường để mang cái chữ cho các em học sinh vùng ốc đảo.
Hành trình đi - về trong suốt 15 năm để lại nhiều kỷ niệm khó quên. Có lần trên đường đi vào trường, qua ghềnh suối làng Kon Lốc (xã Đăk Roong, huyện Kbang), vừa đến giữa suối thì dòng nước trên thượng nguồn đổ về khiến thầy và chiếc xe máy bị cuốn trôi theo dòng lũ. Khi nước cuốn đi xa, thầy kêu cứu trong vô vọng thì may mắn đã bám vào được khúc cây gần đó. Sau đó, thầy được người dân bản địa đến cứu kịp thời, bảo toàn tính mạng để tiếp tục công việc giảng dạy của mình.
Vất vả là vậy, nhưng chia sẻ trên báo Giáo dục và Thời đại, thầy Thể chưa một lần hối hận về sự lựa chọn của mình. Nhờ sự nỗ lực và ý chí kiên cường “bám bản” “cõng” chữ cho học sinh vùng cao nên giờ đây ngôi trường Kon Pne đã thay da đổi thịt. Ngôi trường đã được xây dựng khang trang. Đặc biệt, năm 2016 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Cũng trên báo Giáo dục và Thời đại đã chia sẻ câu chuyện về ông Ngô Tùng Bích (ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước), dù đã gần 80 tuổi, nhưng vẫn “không chịu” ngồi yên mà tiếp tục lên lớp, uốn nắn từng nét chữ, hướng dẫn từng phép tính cho những đứa trẻ khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trong lớp học tình thương của mình.
Lớp học tình thương của ông được thành lập đến nay đã tròn 10 năm. Gọi là lớp học chứ trước kia, nơi đây chỉ là một cái lều nhỏ chừng 20m2 được dựng lên từ những cây gỗ tạp lợp bằng các tấm tôn cũ kỹ, bao quanh là những tấm bạt ni lông hổng trước, thiếu sau để giúp các cháu tránh mưa, tránh nắng.
Hơn 2 năm nay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các mạnh thường quân, lớp học của ông Bích và các cháu đã được “thay áo mới”. Những cây gỗ tạp, tấm tôn cũ, những tấm bạt ni lông đã được thay bằng các bức tường gạch, những đòn tay sắt chắc chắn, những chiếc bàn cũ cái thấp, cái cao cũng được thay mới hoàn toàn. “Sự quan tâm của mọi người sẽ tiếp tục là động lực giúp cho ông cháu tôi duy trì lớp học này đến khi nào không thể đứng lớp nữa thì mới thôi”, ông Bích chia sẻ.