Ngay cả khi đã cao tuổi, có cơ hội chuyển về dạy học ở vùng thuận lợi, cô vẫn một mực tình nguyện ở lại với những học sinh dân tộc nơi bản làng heo hút. “Bà giáo vùng khó” - Đó là cách gọi trìu mến của bà con xã Tân Xuân khi nhắc tới cô.
Mong ước trở thành cô giáo
Cô giáo An Thị Tiến sinh ra và trưởng thành ở Hưng Yên trong một gia đình làm nghề nông. Từ khi còn nhỏ, hình ảnh người dì ruột – một giáo viên vùng cao mỗi dịp về thăm gia đình đã trở nên đẹp đẽ lạ kỳ và in đậm trong tâm hồn cô. Rồi những câu chuyện về cuộc sống vùng cao, về lũ học trò người dân tộc luôn đói khát thiếu thốn mà vẫn ham học… như kích thích thêm tình yêu nghề và thôi thúc cô trở thành cô giáo, để hàng ngày được đứng trên bục giảng dạy con chữ, phép tính, được cống hiến kiến thức và giúp đỡ nhiều thế hệ HS thay đổi cuộc đời từ con chữ.
Hoàn thành phổ thông, cô thi và học Trường Trung học Sư phạm Hát Lót từ năm 1981- 1986. Ra trường từ năm 1986 – 2000 cô dạy tại Trường PTDT nội trú Mộc Châu. Từ năm 1986 đến năm 2000 cô dạy tại trường Tiểu học Đông Sang; Tháng 11/2008, khi trường học có sự thay đổi cơ cấu, cô được bố trí chuyển sang làm thư viện nhưng đã xin về dạy học tại Trường TH Tân Xuân – xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, Sơn La.
Kỷ niệm về những ngày đầu được nhận về dạy học tại Tân Xuân luôn in dấu trong cô bởi nơi đây vốn được biết tới như một xã nghèo khó bậc nhất của huyện Vân Hồ - Sơn La và toàn quốc. Bà con dân tộc chiếm 99%, đường sá đi lại khó khăn. Mặt khác, Tân Xuân giáp nước bạn Lào và được tội phạm ma túy chọn là cung đường vận chuyển; chính vì thế số phụ huynh dính tới án ma túy, nghiện hút khá nhiều, nghèo đói thường trực. Mọi sự học hành của con em phụ huynh không quan tâm, bỏ buông hoàn toàn cho thầy cô giáo, nhà trường.
Năm đầu tiên đến xã Tân Xuân dạy học, cô xung phong làm giáo viên cắm bản tại bản Sa Lai - một bản khó nhất của xã Tân Xuân. Con đường vào bản, lên lớp luôn trong tình trạng chỉ 1 bánh xe máy đi đủ. Người điều khiển chỉ cần chệch choạc tay lái thì cả người và xe đều có thể lăn xuống vực. Để lên tới bản, nhiều khi giáo viên phải lội qua suối nước cao tới ngực.
Còn một năm nữa cô giáo An Thị Tiến sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Ấy vậy mà cô vẫn đang dạy tại một trong những điểm trường xa và khó khăn bậc nhất của xã Tân Xuân. Dường như tình yêu nghề, thương trẻ đã giúp cô vượt lên mọi thách thức. Trong tấm lòng, nhiệt huyết của người giáo “thâm niên” ấy chỉ có sự cống hiến hết mình cho giáo dục cho các thế hệ học sinh dân tộc vùng biên viễn. Cô không chỉ là tấm gương điển hình cho những nhà giáo vùng khó, mà còn góp phần không nhỏ vào công cuộc “trồng người” và phát triển giáo dục dân tộc.
Ngày đầu khi nhận công tác tại bản Sa Lai, cô được biết đây là điểm trường chưa có giáo viên. Cô và ba đồng nghiệp trẻ hăm hở vào bản, chỉ mong sớm được dạy học trò. Thế nhưng vào tới bản những gì các cô chứng kiến không như suy nghĩ ban đầu dù đã xác định sẽ gặp khó. Những ngôi nhà tranh vách đất, xung quanh hàng rào tre nứa, mái lợp cỏ tranh, nền đất. Gia súc và người sống san sát nhau lạc hậu và mất vệ sinh. Vào những ngày trời mưa, giáo viên không thể về xuôi vì đường sá quá xấu và sạt lở. Bản thân cô An Thị Tiến trên đường từ bản về nhà đã cũng từng ngã xe và bị gãy xương sườn, xe máy bay xuống vực mắc trên cây mà máy vẫn nổ. Nhiều đồng nghiệp của cô trày xước da, xưng chân tay vì ngã... không hiếm. Nhiều đoạn đường rừng khi giáo viên đi bộ tới điểm trường vắt nhiều vô kể. Chúng đậu vào chân lúc bé xíu như đầu tăm và khi cắn căng mọng máu đã to bằng đầu đũa mà vẫn không chịu nhả…
Vất vả khó khăn để mang chữ đến với học trò chẳng thể nào kể xiết. Thế nhưng điều an ủi cô không bỏ nghề thậm chí quyết tâm vượt qua thách thức để ở lại dạy học cho HS dân tộc Mông tại bản Sa Lai chỉ đơn giản bởi dù nghèo khó nhưng các em rất chăm chỉ, đến lớp đều đặn và ngoan ngoãn.
Sau khi gắn bó dạy học ở bản khó Sa Lai hai năm liên tiếp, cô An Thị Tiến tiếp tục trải qua các điểm trường khó khăn khác tại xã Tân Xuân như: điểm trường A Lang 1 năm; Tà Lào 2 năm; Cột Mốc 2 năm… 10 năm gắn bó với giáo dục vùng khó Tân Xuân thì gần trọn thời gian cô dạy học ở bản khó.
Điều đặc biệt ở cô giáo An Thị Tiến, đó là bản thân cô không bao giờ làm đơn xin ra vùng thuận lợi. Nhà trường phân công dạy ở điểm trường nào dù khó khăn đến mấy cô cũng chấp hành vui vẻ. Những điều đó chỉ đơn giản bởi một suy nghĩ: “Ai cũng chọn điểm thuận lợi để dạy thì ai sẽ đảm trách ở những điểm khó khăn. Còn sức là còn đi. HS sẽ thiệt thòi nếu giáo viên không tâm huyết tận tình…”.
Những tình huống ngoài giáo án
10 năm gắn bó với HS dân tộc vùng khó khăn Tân Xuân, điều mà cô An Thị Tiến nhận ra và luôn tâm niệm đó là phải trở thành người mẹ trước khi trở thành thầy. Chỉ khi có đủ tình yêu với nghề, tình thương với trẻ, lòng nhiệt huyết thì mới có thể vượt qua những thách thức để gánh chữ lên non, để giúp trẻ thành những người có ích.
99% học sinh của cô An Thị Tiến là người dân tộc. Các em nhận thức chậm, hay tự ái và thậm chí khá lười học, ngôn ngữ dân tộc bất đồng với giáo viên. Cùng là đọc thông viết thạo một con chữ, làm được phép tính cộng trừ nhưng cô phải dạy cả buổi học, thậm chí dạy vài ngày liên tiếp học sinh mới nhớ. Để HS hiểu hết bài giảng cô phải học ngôn ngữ dân tộc của chúng. Bao nhiêu dân tộc cô phải học đủ ngần ấy ngôn ngữ.
Đến nay, nhiều học sinh của cô (từ lớp 1- 5) khi tới lớp vẫn phải cõng theo em nhỏ. Vừa trông em vừa học chữ, em khóc thì anh chị địu ra ngoài dỗ dành bằng nín mới vào học tiếp. Em khóc anh chị không dỗ được thì lại đến cô giáo dỗ hộ.
Học sinh của cô đến lớp trong tình trạng mặt mày lem luốc, chân tay bùn đất lem nhem, quần áo rách nát, sứt chỉ. Vì vậy, ngoài giáo án, phấn viết bảng, bút, sách giáo khoa… thì đồ vật luôn kèm theo với cô là lược chải tóc, khăn rửa mặt, dây buộc tóc, thậm chí cả dầu gội đầu để khi cần cô tắm gội luôn cho chúng; là kim chỉ để khâu lại quần áo xước rách, đính lại cái khuy bị mất, đường chỉ bị tuột…
Điều mà nhiều năm nay, cô An Thị Tiến vẫn làm để giúp HS có điều kiện học tập tốt hơn là tự trích tiền lương cá nhân để mua giấy bút, sách vở, bảng viết đầu năm học mới và trong năm học. “Bố mẹ em nào có trả lại thì cô xin, không có trả thì cô tặng HS. Bà con dân tộc ở đây nghèo lắm, nếu không giúp các em thì con đường tới trường vốn đã gập ghềnh càng thêm khó khăn. Với những học phẩm tối thiểu nếu không được chăm chút thì việc bỏ học càng khó tránh khỏi” - cô An Thị Tiến nói.
Cũng để giúp HS, đi đâu gặp người thân quen cô xin từ quyển sách, tập vở cây bút... Khi mua đồ dùng học tập cho HS cô chủ động nói thẳng mua tặng HS nghèo để được bán với giá thấp nhất; Quần áo của trẻ trên huyện, thị trấn còn mới, bền… cô xin về giặt sạch sẽ rồi gói ghém mang lên cho HS nghèo. Cô mua cho chúng từ gói kẹo cái bánh; chia từng viên thuốc khi chúng hắt hơi cảm cúm… Điều gì làm được cho học trò cô không nề hà, miễn sao chỉ mong chúng khỏe mạnh và đến lớp đầy đủ để việc học tập không gián đoạn, có kết quả.