12 trường phổ thông được phép đưa giáo viên bản ngữ vào giảng dạy tiếng Anh

GD&TĐ - Vừa qua UBND tỉnh Nghệ An đã thông qua đề nghị của Sở GD&ĐT Nghệ An, cho phép 12 trường phổ thông được đưa giáo viên nước ngoài vào tăng cường dạy học tiếng Anh.

Giáo viên nước ngoài tham gia dạy tiếng Anh trong trường học tại Nghệ An
Giáo viên nước ngoài tham gia dạy tiếng Anh trong trường học tại Nghệ An

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản về việc tiếp tục triển khai đề án “Tăng cường dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông giai đoạn 2017 – 2020” trong năm học 2018 – 2019.

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2018 – 2019, UBND tỉnh Nghệ An cho phép 12 trường gồm: Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT Hà Huy Tập, THPT Cửa Lò 2, THCS Đặng Thai Mai, THCS Hà Huy Tập, THCS Hưng Dũng, THCS Trung Đô, THCS Quang Trung, Tiểu học Lê Mao, Tiểu học Trung Đô, Tiểu học Hồng Sơn và Tiểu học Nguyễn Trãi được triển khai chương trình Tiếng Anh tăng cường.

Trước đó, từ năm học 2017 – 2018, chương trình này đã được triển khai thí điểm tại 5 trường bao gồm các trường: Tiểu học Trung Đô, Tiểu học Lê Mao, THCS Trung Đô, THCS Đặng Thai Mai và THPT Chuyên Phan Bội Châu dưới hình thức phối hợp với các trung tâm Anh ngữ để mời giáo viên các nước bản ngữ về dạy Tiếng Anh cho học sinh.

Việc tổ chức được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Mức học phí thỏa thuận được UBND tỉnh phê duyệt là 40.000 đồng/ tiết/ học sinh. Trong năm đầu tiên, có 04 trường thu học phí thỏa thuận ở mức cao nhất theo quy định (40.000 đồng/ tiết/ học sinh); 01 trường thu học phí thỏa thuận ở mức 32.000 đồng/tiết/học sinh.

Việc học tập của học sinh trên tinh thần tự nguyện, việc thu học phí phải được sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh; việc quản lý thu chi và quản lý nguồn thu theo đúng quy định hiện hành.

Đánh giá sau một năm triển khai thí điểm cũng cho thấy: Việc tăng cường giảng dạy tiếng Anh đã bước đầu nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong một trường phổ thông.

Trong đó, sự có mặt của các giáo viên bản ngữ nói tiếng Anh (tất cả đều có quốc tịch Mỹ hoặc Anh) đã tăng kỹ năng nghe – nói, giao tiếp cho học sinh cũng như bản thân giáo viên tiếng Anh các nhà trường.

Năm học trước, Sở GD&ĐT cũng xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm ở một số trường học tại huyện Thanh Chương và thị xã Cửa Lò nhưng không thực hiện được. Lý do các địa phương trên không chủ động được nguồn giáo viên bản ngữ.

Hiện, Sở cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Ngoại vụ và các ban, ngành liên quan vận động các chương trình, dự án quốc tế cử tình nguyện viên nước ngoài tham gia tình nguyện giảng dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ