Chủ tịch nước đánh giá tích cực về giáo dục, Quốc hội quan tâm đến chương trình, giáo viên

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt HSSV tiêu biểu ngành Giáo dục
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt HSSV tiêu biểu ngành Giáo dục

Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước đánh giá tích cực về giáo dục

Sau khi nghe những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các HSSV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện niềm vui mừng vì những thành quả giáo dục đạt được. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, mặc dù xã hội vẫn còn mong muốn nhiều, cũng chỉ ra nhiều hạn chế, nhưng nhìn tổng thể giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh, nguyên khí mà suy thì đất nước yếu. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, trong đó có những thành tựu, đóng góp của ngành GD&ĐT;

Đồng thời, bày tỏ xúc động trước tinh thần nỗ lực cố gắng rất cao trong học tập rèn luyện, tinh thần ham học, vượt khó học giỏi, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau của các cháu học sinh, sinh viên. Nhiều cháu mặc dù nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhặt được của rơi đem trả lại người mất; có cháu kiên trì vượt khó cõng bạn đi học, kết thành đôi bạn cùng tiến…

Không chỉ thủ đô, hay thành phố lớn bây giờ ở vùng cao, vùng khó khăn, cũng có nhiều học sinh rất giỏi, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng tinh thần nỗ lực, phấn đấu vươn lên rất tốt. Tôi đề nghị với niềm vui ấy, chúng ta cho một tràng pháo tay nhiệt liệt hoan nghênh đặc biệt là chào mừng các cháu đã về đây để có cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này.

Lưu ý ngành Giáo dục và đào tạo hết sức quan tâm giáo dục toàn diện cho các cháu, cả đức, trí, thể mỹ, trong đó đức là gốc; quan tâm phát triển thể lực học sinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; xây dựng nền giáo dục nước nhà ngày càng phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu; mong muốn các thầy giáo, cô giáo tiếp tục cống hiến tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, chăm lo vun trồng những thế hệ mầm non của đất nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và học sinh nhiều năm cõng bạn khuyết tật đến trường
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và học sinh nhiều năm cõng bạn khuyết tật đến trường 

Báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, mặc dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhưng về tổng thể GDĐT nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực.

Hệ thống cơ sở GDĐT phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Chất lượng giáo dục phổ được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh giáo dục đại trà, việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cũng đạt kết quả rất đáng khích lệ. Trong 5 năm qua, các đoàn học sinh Việt Nam tham gia các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế và cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế đạt kết quả tốt, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh kết quả trong học tập, nghiên cứu, nhiều học sinh, sinh viên là những tấm gương sáng trong rèn luyện và cuộc sống hàng ngày như: hình ảnh học sinh, sinh viên mưu trí, dũng cảm tham gia bắt giữ tội phạm, cứu giúp người bị nạn, nhiều năm cõng bạn bị khuyết tật đến trường...

 

“Nóng” nghị trường về biến chế giáo viên, chương trình mới, thi THPTQG

Giáo dục là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi trong 3 ngày chất vấn tuần qua. Nội dung được nói tới nhiều nhất là biên chế giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục; chương trình – SGK giáo dục phổ thông mới, thi THPT quốc gia…

Việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên nói riêng, viên chức ngành GD nói chung, theo phân cấp quản lý, các địa phương thực hiện theo các quy định của Luật Viên chức. Thẩm quyền tuyển dụng, quản lý viên chức ngành GD (giáo viên, nhân viên trong và ngoài biên chế) thuộc UBND các cấp và ngành Nội vụ.

Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Bộ Nội vụ cũng đã có 2 văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó có văn bản số 5068 ngày 11/10/2018, đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung biên chế cho mầm non với 17 tỉnh và 5 tỉnh Tây Nguyên. Cùng với đó, rà soát lại tất cả giáo viên hợp đồng trước năm 2015 để có cách xử lý phù hợp, trong điều kiện ưu tiên tuyển chọn giáo viên trong biên chế chưa tuyển đủ.

Liên quan đến giáo viên dạy học tích hợp trong Chương trình phổ thông mới, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại hội trường chiều 30/10, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT đã có tính toán. Theo đó, môn tích hợp các cấu phần, giáo viên chuyên sâu môn nào sẽ dạy môn đó và có phối hợp với nhau. Thời gian áp dụng chương trình THCS theo lộ trình cuốn chiếu còn khoảng 6 - 7 năm nữa, nên quỹ thời gian đủ để bồi dưỡng giáo viên. Chương trình bồi dưỡng đang được Bộ GD&ĐT triển khai.

Bên cạnh đó, các giáo viên có điều kiện, nhu cầu sẽ học thêm các chuyên đề, học phần các môn khác để dần từng bước có thể dạy 2 môn. Bộ đã giải pháp đào tạo giáo viên có thể dạy được cả 3 môn trong những năm dài hơn, đây là kinh nghiệm từ các nước và cũng là xu hướng quốc tế. “Về việc này, quỹ thời gian còn dài để chuẩn bị” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về thực trạng, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí SGK, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã có báo cáo tổng thể gửi các vị đại biểu quốc hội. Theo Bộ trưởng, với thực trạng sử dụng SGK như vừa qua thì việc lãng phí là có thật.

Nguyên nhân có nhiều, song trước hết là do việc thiết kế SGK hiện hành còn có các dạng bài tập khiến học sinh dễ viết, vẽ trực tiếp vào SGK, dẫn đến không sử dụng được nhiều lần. Mặc dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn được các tác giả tiếp thu kinh nghiệm quốc tế nhưng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo thì chưa thực sự phù hợp, gây ra sự lãng phí.

Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế sự lãng phí. Trong một số SGK đã có nội dung hướng dẫn giáo viên và học sinh ghi kết quả làm bài vào vở ghi.

Bộ cũng đã tổ chức các đợt tập huấn cho giáo viên việc hướng dẫn học sinh sử dụng sách theo hướng tiết kiệm, lâu bền. Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp này còn hạn chế. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm về việc này.

“Tới đây khi biên soạn SGK mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà xuất bản thiết kế các dạng bài tập trong SGK theo hướng hạn chế viết, vẽ trực tiếp vào SGK.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các trường phát động phong trào giữ gìn SGK, quyên góp xây dựng thư viện SGK để học sinh có thể sử dụng miễn phí hoặc hỗ trợ học sinh các vùng khó khăn” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Về giải pháp cho Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, có nhiều giải pháp, trong đó có 3 nhóm giải pháp căn cơ, đó là:

Xây dựng được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, theo hướng phong phú về số lượng và nâng cao về chất lượng; xây dựng bài thi chuẩn hóa theo hướng bám sát năng lực của học sinh tốt nghiệp THPT và phân hóa nhất định để làm căn cứ cho các trường ĐH, CĐ có thể tham khảo để xét tuyển;

Tiếp tục hoàn thiện, cập nhật phần mềm quản lý thi, đặc biệt là phần mềm chấm thi để đảm bảo không thể lợi dụng được.

Siết chặt các khâu tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt là công tác coi thi và chấm thi, đảm bảo minh bạch, công khai.

Đại biểu Quốc hội ghi nhận đổi mới giáo dục

Đại biểu Trần Anh Tuấn - đoàn TP Hồ Chí Minh nhận định: Những định hướng đổi mới giáo dục đã, đang được Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện và hiện thực hóa thành những việc làm, hành động cụ thể.

Chẳng hạn như: Giáo dục đại học đã có nhiều chuyển động tích cực, đào tạo đã gắn với thực hành và nhu cầu của xã hội.

Theo đó, các trường đã có những đổi mới sắc nét hơn cả về chương trình cũng như phương pháp giảng dạy, từng bước hội nhập quốc tế. Các trường cũng đã giảm dần những giờ học hàn lâm, tăng cường giờ thực hành và chủ động bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên, giúp các em bắt nhịp với yêu cầu của thực tiễn.

Đánh giá của đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, ngành Giáo dục đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, tầm quan trọng của đổi mới GD-ĐT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chất lượng giáo dục các cấp học, trình độ đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, được các nước trong khu vực và trên thế giới đánh giá cao.

Nhận định giáo dục Việt Nam hiện nay, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên, chất lượng đào tạo các cấp bậc học trong 5 năm trở lại đây có rất nhiều cải thiện, đại biểu Hồ Thị Minh lấy ví dụ tại địa phương mình: Quảng Trị hiện nay, tất cả các trường học từ trung tâm huyện lỵ về đến các xã, phường, thị trấn đều có đường, các trường đều được xây dựng kiên cố hóa; trường lớp học tạm dù vẫn còn nhưng rất ít. Đội ngũ giáo viên thì ngày càng được chuẩn hóa, đó là kết quả đáng ghi nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.