Tạo môi trường thân thiện để trẻ DTTS phát triển vốn tiếng Việt

GD&TĐ - Phú Thọ là tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, có đến 5 huyện có nhiều HS DTTS. Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt (TCTV) cho trẻ em mầm non, HS tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn, tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ phù hợp với thực tiễn của địa phương nhằm khắc phục những khó khăn đặc thù để công tác này đạt hiệu quả cao.  

Trường Mầm non Tân Lập (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) với những hoạt động giáo dục thân thiện, tạo dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ
Trường Mầm non Tân Lập (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) với những hoạt động giáo dục thân thiện, tạo dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ

Những giải pháp tăng cường tiếng Việt đồng bộ

Những năm trước đây, cơ sở vật chất các trường học vùng khó khăn có HS DTTS thiếu phòng học, thiếu đồ dùng đồ chơi, công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn cho trẻ bán trú chưa đảm bảo.

Do sinh kế còn nhiều khó khăn nên cha mẹ HS thiếu quan tâm, chưa hợp tác với giáo viên chủ nhiệm trong giáo dục HS, cũng như việc tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt tại nhà để giúp HS phát triển kĩ năng sử dụng tiếng Việt. Đồng thời, nhiều giáo viên tại các vùng này không biết tiếng mẹ đẻ của HS, dẫn đến bất đồng về ngôn ngữ là rào cản giao tiếp giữa giáo viên, HS và cha mẹ HS.

Để khắc phục những khó khăn đó, bà Tạ Thị Tuyết Lan - Phó trưởng Phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học (Sở GD&ĐT Phú Thọ) - cho biết: Trong kế hoạch thực hiện Đề án TCTV, Sở đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên.

Công tác truyền thông được thực hiện bài bản nhằm nâng cao nhận thức của các gia đình, cộng đồng đối với việc TCTV cho trẻ; Dưới hình thức các chuyên đề, chuyên mục trên sóng phát thanh, truyền hình; thông qua các buổi tuyên truyền kiến thức nuôi dạy con theo khoa học tại các thôn, bản; tuyên truyền thông qua hội thảo, hội thi để phối hợp với phụ huynh tạo môi trường tiếng Việt cho trẻ mọi lúc, mọi nơi; lồng ghép TCTV vào các hoạt động giáo dục trẻ ở trường cũng như tại gia đình.

Trong tập huấn giáo viên, Phú Thọ đã tập huấn cho gần 2.000 giáo viên nhằm nâng cao năng lực dạy TCTV cho trẻ mầm non, HS tiểu học. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn cụm giúp giáo viên biết cách xây dựng kế hoạch giáo dục TCTV phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; xây dựng môi trường học tiếng Việt thân thiện, hiệu quả; Khuyến khích trẻ giao tiếp tiếng Việt tích cực ở trường cũng như ở gia đình.

Khuyến khích động viên cán bộ quản lý, giáo viên tham gia lớp học tiếng Mường, tiếng Dao, tiếng Mông. Tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học về phương án dạy học tiếng Việt cho HS DTTS. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hội thảo chuyên đề trong quá trình triển khai các phương án dạy học tiếng Việt cho HS DTTS.

Cùng với đó là công tác xã hội hóa, tạo nguồn lực mua sắm trang thiết bị cho việc TCTV, xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.

Bà Tạ Thị Tuyết Lan
  • Bà Tạ Thị Tuyết Lan

Tạo môi trường tiếng Việt thân thiện với trẻ

Theo bà Tạ Thị Tuyết Lan: Thực tế trong hơn hai năm triển khai Đề án TCTV cho trẻ mầm non, các trường đã tập trung xây dựng môi trường tiếng Việt thân thiện; xây dựng góc tuyên truyền mang bản sắc văn hóa các DTTS, giúp trẻ có cảm giác an toàn, gần gũi với cuộc sống thực khi ở lớp. Phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xây dựng các CLB đọc sách, hướng dẫn cha mẹ tạo dựng môi trường tiếng Việt tại nhà... cung cấp đầy đủ tài liệu, tranh ảnh cho phụ huynh kết hợp dạy con ở gia đình.

Phát động phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi tại các đơn vị, khuyến khích các bậc cha mẹ trẻ và trong cộng đồng dân cư nơi có trẻ DTTS cùng sưu tầm nguyên vật liệu, làm đồ dùng, đồ chơi để bổ sung, tăng cường cho các nhóm, lớp.

Ở tiểu học, các trường tổ chức các lớp “Chuẩn bị tiếng Việt” cho trẻ DTTS trước tuổi đến trường; TCTV cho HS DTTS theo hướng tích hợp vào các môn học, các hoạt động giáo dục; điều chỉnh nội dung, thời lượng dạy học của các môn học khác để tập trung dạy học tiếng Việt; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tăng cường cơ sở vật chất cho các điểm trường vùng sâu, vùng đồng bào DTTS…

Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho HS qua các hoạt động dạy học tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục; Tăng cường dạy tiếng cho trẻ DTTS thông qua các hình thức vui chơi, học tập có chủ đích thông qua tiết học: Làm quen với tác phẩm văn học, làm quen với tiếng Việt; Tạo môi trường giao tiếp thuần tiếng Việt trong các hoạt động vui chơi, giáo dục ở trường.

Giờ ra chơi, để tránh tình trạng các em chơi theo nhóm dân tộc và nói tiếng mẹ đẻ, giáo viên tham gia hướng dẫn, yêu cầu các em nói với nhau bằng tiếng Việt và tổ chức vui chơi cho các em để các em tận dụng tối đa thời gian học và thực hành tiếng Việt.

Chỉ đạo các trường trong điều kiện không thể dạy học tăng buổi trong tuần, hoặc dạy học 2 buổi/ngày cho HS lớp 1, các trường có thể điều chỉnh giảm nội dung, thời lượng dạy học các môn học khác để tập trung dạy học tiếng Việt cho HS. Triển khai dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục - đây cũng là một giải pháp đạt hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho HS vùng DTTS.

Với những giải pháp đồng bộ trên, công tác TCTV cho trẻ được tỉnh thực hiện có hiệu quả. “Năm học 2017 - 2018 có 94,1% trẻ mẫu giáo DTTS của tỉnh được huy động ra lớp (mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020 là 98,1%); 100% trẻ 6 tuổi DTTS vào học lớp 1, được học hai buổi/ngày và đã hoàn thành chương trình giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ giáo viên trên lớp của các trường tiểu học vùng DTTS cao hơn tỷ lệ chung của tỉnh. Cơ sở vật chất của các trường cơ bản đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày” - bà Tạ Thị Tuyết Lan cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.