Bà giáo và giờ học “triệu view”, nhiều tỉnh ra quân đội tuyển HSG quốc gia

GD&TĐ - Bà giáo gần 90 tuổi làm nên hiện tượng với giờ học “triệu view”; trò vùng sâu “biến” rác thành tiền để giúp người nghèo; các địa phương chỉ đạo rà soát cơ sở vật chất trường học chuẩn bị chương trình mới; nhiều tỉnh ra quân đội tuyển học sinh giỏi quốc gia… là những thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Chân dung cô giáo Đàm Lê Đức
Chân dung cô giáo Đàm Lê Đức

Sức hút giờ học của bà giáo 87 tuổi

Clip dài hơn 7 phút của bà giáo 87 tuổi Đàm Lê Đức (TP.HCM) với tiết học Đạo đức thu hút hàng triệu lượt xem sau khi đưa lên mạng được nhiều báo chí đưa tin.

Đoạn clip là một phần tiết học đạo đức về đạo hiếu, công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái, được bà giáo giảng từ cách đây hơn 10 năm.

Không “đao to búa lớn”, cùng với giọng giảng bài sang sảng, rõ ràng và có tiết tấu, cô Đàm Lê Đức hoàn toàn “đốn tim” những học trò vốn dĩ chẳng mấy hào hứng với môn học về đạo đức, giáo dục công dân.

Bà giáo Đàm Lê Đức từng giảng dạy tại khoa Toán thống kê – Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh; sau nghỉ hưu về dạy Đạo đức ở hai trường: Cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng và Trường THCS - THPT Đức Trí. Hiện cô vẫn miệt mài trên bục giảng, không phải dạy kiến thức mà truyền đạt về đạo đức cho những thế hệ học sinh của mình.

Học sinh trường THPT Phú Tâm hào hứng với bảng bóng rổ tự chế của thầy Phong
Học sinh trường THPT Phú Tâm hào hứng với bảng bóng rổ tự chế của thầy Phong

Cũng trong tuần qua, báo Pháp luật Việt Nam online (PLO) chia sẻ câu chuyện về thầy Cao Hùng Phong, giáo viên dạy môn Thể dục (Trường THPT Phú Tâm, tỉnh Sóc Trăng). Từ những chiếc bàn học cũ kĩ không còn sử dụng, thầy Cao Hùng Phong đã “biến” thành một bảng bóng rổ lạ mắt, giúp học sinh của trường đạt nhiều giải thưởng cao.

Với nỗ lực của học sinh, sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Phong cùng đồng nghiệp đã giúp học sinh của trường đạt giải nhì khi tham gia hội khỏe phù đổng trong năm học 2016  -  2017  ở bộ môn bóng rổ và đạt giải nhất “Giải bóng rổ trẻ nam U15  -  U18” do tỉnh Sóc Trăng tổ chức giữa tháng 8/2017 vừa qua.

VTV.vn viết về GS.TS Lộc Phương Thủy – một trong số ít các nữ giáo sư Việt Nam là người dân tộc Tày. Vào thời điểm được phong hàm cách đây 12 năm, bà là một trong hai nữ giáo sư thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Câu chuyện giản dị của người phụ nữ làm khoa học cho thấy thành công sẽ đến với bất cứ ai nếu say mê và cố gắng hết mình.

GS Lộc Phương Thủy là một trong những trí thức tiêu biểu nhận bằng khen của Thủ tướng vừa qua tại Hà Nội trong lễ tuyên dương nhân sĩ, trí thức, người có uy tín, doanh nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Giáo viên cắm bản ở làng Pyầu
Giáo viên cắm bản ở làng Pyầu

Báo Giáo dục và Thời đại có bài viết về các thầy cô giáo cắm bản ở đến điểm trường làng Pyầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Gia Lai). Vì địa hình đồi cao dốc đứng nên các giáo viên dạy ở điểm trường này phải ở lại từ thứ Hai đến thứ Sáu, cuối tuần mới được về với gia đình. 

Cuộc sống vất vả, các thầy cô nơi đây ngoài giờ lên lớp vẫn phải vừa dạy vừa soạn cho mình những trang giáo án riêng; đặt mục tiêu đầu tiên trong công tác giảng dạy là cho học sinh phát âm rõ, tăng cường tiếng Việt và tự tin trong giao tiếp.

Nhờ sự tâm huyết của những giáo viên cắm bản nên nhiều năm nay, làng Pyầu không có học sinh nào bị thất học.

Cô Lan và những giây phút bên học trò thân yêu
Cô Lan và những giây phút bên học trò thân yêu 
Cùng với đó là chuyện giản dị nhưng xúc động về cô Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh -  một trong số 8 NGƯT của ngành GD&ĐT Hà Tĩnh trong đợt phong tặng lần thứ 14.

Từng không may bị tai nạn khiến tay phải bị tổn thương, việc cầm bút, cầm phấn phải “tập” lại từ đầu; chồng thường xuyên đau ốm nhưng cô Lan vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

27 năm gắn bó với nghề giáo, đúc kết, vận dụng kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, sáng kiến trong đổi mới giảng dạy của cô Lan luôn được đánh giá cao.

Ngôi trường mầm non Hoa Hồng nơi cô gắn bó hơn 10 năm qua, từ chỗ tỷ lệ huy động nhà trẻ thấp nhất toàn huyện, tỷ lệ ăn bán trú chỉ đạt 46%, cơ sở vật chất xuống cấp… nay, quy mô trường lớn nhất tỉnh, là trường trọng điểm của huyện Can Lộc.

Thầy giáo trẻ mang quân hàm xanh
Thầy giáo trẻ mang quân hàm xanh

Báo Lao Động chia sẻ câu chuyện về 2 “thầy giáo” trẻ mang quân hàm xanh ở vùng biên Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) với lớp học xóa mù chữ cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và người địa phương.

Để duy trì lớp học với đủ mọi lứa tuổi, 2 anh đã kiên trì, nhẫn nại, không quản vất vả, khó khăn, vừa tổ chức duy trì lớp học, vừa đến từng nhà học viên để tuyên truyền, vận động đến lớp, đồng thời cũng là người trực tiếp đứng lớp.

Từ năm 2012 đến nay, 2 “thầy giáo” đã tổ chức giảng dạy, xóa mù chữ được 2 lớp với 53 học viên ở xã Ia Rvê, hiện đang khảo sát để tiếp tục mở lớp mới. Sau thời gian kiên trì bám lớp, trên địa bàn xã đã cơ bản đảm bảo kế hoạch xóa mù chữ theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Những học trò làm nên câu chuyện đẹp

Câu chuyện nhỏ về một nhóm 37 học sinh lớp 12A1 Trường THPT Ngọc Tố (xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) với ý tưởng “biến” rác thành tiền để mua dụng cụ trong học tập và phần nào giúp đỡ cho người nghèo được đăng trên báo Pháp luật (PLO) tuần qua.

Hằng ngày, tranh thủ những giờ ra chơi, các bạn trong nhóm đi vòng quanh sân trường và các lớp học, thấy có chai, ly nhựa bỏ bừa bãi thì nhặt bỏ vào bao ni lông, sau đó đem về lớp học để phân loại; rồi vài tuần đem ra bán một lần.

Số tiền bán được cả lớp để dành một phần mua dụng cụ học tập cho tập thể như phấn, bông bảng hay những đồ dùng khác khi cần thiết, phần còn lại lớp dành tặng cho cô lao công có hoàn cảnh khó khăn trong trường.

Sản phẩm của tập thể lớp 12A1
Sản phẩm của tập thể lớp 12A1

Báo Hà tĩnh điểm danh những “anh tài” làm rạng danh đất học. Đó là những gương mặt đã vô địch Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, giành huy chương tại các Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, Tin học khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong 8 “gương mặt vàng” chỉ có 1 người học THPT Chuyên Đại học Vinh còn lại đều thuộc THPT Chuyên Hà Tĩnh.

Báo Giáo dục và Thời đại có bài viết về Mai Hải Yến, học sinh lớp 9/6, Trường THCS Đoàn Kết (quận 6, TPHCM) - gương mặt trẻ tuổi nhất được vinh danh tại Lễ tuyên dương Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2017.

Sinh ra trong một gia đình có ba mẹ là công nhân, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn khi cả nhà vẫn phải ở nhà thuê, nhưng Hải Yến không bao giờ lùi bước.

Em không những học giỏi, hoạt động Đội năng nổ mà còn rất đa tài; từng giành giải Ba môn Bóng chuyền cấp thành phố năm học 2013 – 2014; nhiều năm đạt giải Nhất chuyên hiệu Nhà sử học nhỏ tuổi; giải Ba hội thi vẽ tranh cấp quận lớp 4; Huy chương Vàng cầu mây cấp quận lứa tuổi lớp 6, 7 năm 2016…

Ứớc mơ cháy bỏng của cô học trò đa năng là trở thành một giáo viên Ngữ văn, đồng thời là một tổng phụ trách Đội giỏi.

Học sinh Mai Hải Yến
Học sinh Mai Hải Yến

Tổng rà soát thực trạng cơ sở vật chất trường học trên cả nước

Bộ GD&ĐT đề nghị các tỉnh, thành tổ chức rà soát và đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đến từng cơ sở giáo dục theo các cấp học nhằm chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Tại địa phương, nhiều Sở GD&ĐT cũng đã có văn bản triển khai công việc này.

Công tác rà soạt thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học lần này sẽ được tiến hành rất chi tiết bao gồm từ các thông tin chung như số học sinh, số lớp, số giáo viên cho tới nhu cầu về phòng học, công trình hệ thống nước sạch, sân chơi…Các thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cũng sẽ được thống kê một cách cụ thể theo từng khối lớp, theo tình trạng sử dụng của các thiết bị hiện có.

Công tác rà soát sẽ được các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn tất trước ngày 15/3/2018.

Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình trao giấy khen và phần thưởng cho các em học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2017-2018.
Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình trao giấy khen và phần thưởng cho các em học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2017-2018.

Nhiều tỉnh ra quân đội tuyển HSG quốc gia

Tuần qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức lễ ra quân đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.

Tại Hà Nội, sau hai vòng thi, Sở GD&ĐT đã chọn được 182 học sinh xuất sắc nhất tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2017-2018. Điểm đáng mừng là thành phần đội tuyển đã xuất hiện những học sinh đến từ các trường THPT thuộc khu vực còn nhiều khó khăn như Trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì), Trường THPT Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ), Trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng)...

Trải qua kỳ thi tuyển chọn khắt khe, 184 học sinh TP Hồ Chí Minh (11 đội tuyển) đến từ các trường Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Phổ thông Năng Khiếu – ĐHQG, Trung học Thực hành – ĐHSP chính thức đủ điều kiện bước vào kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2017-2018.

Lễ ra quân các đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2017-2018 được Sở GD&ĐT Quảng Bình tổ chức ngày 4/1. Năm nay, toàn tỉnh có 60 học sinh xuất sắc của 9 đội tuyển (gồm các môn: Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lý, Văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh và Tin học) đại diện cho gần 30 nghìn học sinh THPT Quảng Bình tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Tại Hà Nội, sau hai vòng thi, Sở GD&ĐT đã chọn được 182 học sinh xuất sắc nhất tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2017-2018. Điểm đáng mừng là thành phần đội tuyển đã xuất hiện những học sinh đến từ các trường THPT thuộc khu vực còn nhiều khó khăn như Trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì), Trường THPT Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ), Trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng)...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.