Giúp nhiều chị em thoát nghèo
Câu lạc bộ dạy nghề cho phụ nữ khuyết tật, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình (CLB) được chị Lê Thị Hồng Phương thành lập vào tháng 6/2016, nhằm tạo điều kiện giúp người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, có công ăn việc làm phù hợp với sức khỏe, ổn định cuộc sống.
Hiện tại, CLB có trên 50 thành viên, trong đó có 25 thành viên là phụ nữ khuyết tật, còn lại là thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, không có việc làm ở nông thôn.
Các nghề được dạy tại CLB gồm: kết cườm, thêu tranh, kết hoa, móc khóa, cắt dây trói cua. Đặc biệt với nghề đan lục bình học viên có thể làm tới 40 sản phẩm thủ công như: giỏ, túi xách, bình hoa, ấm trà, sọt rác, nón... Sau khi học nghề thuần thục, các thành viên CLB sẽ được giao hàng về nhà làm, số lượng tùy vào khả năng và thời gian nhàn rỗi của mỗi người.
Đan lục bình là công việc chính được phụ nữ trong CLB làm với hơn 40 sản phẩm. |
Bà Lê Thị Mười, ngụ ấp Tấn Công, xã Tân Bằng (Thới Bình), là người khuyết tật, cho biết trước đây cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng kể từ khi tham gia vào CLB, được học nghề đan, cuộc sống gia đình bà cải thiện hơn trước rất nhiều.
“Mới đầu làm do sức khỏe kém nên cũng khó khăn, tôi có hơi nản lòng. Nhờ được chị Phương, Chủ nhiệm CLB hướng dẫn, chỉ bảo nhiệt tình, rồi cố gắng học hỏi từ các chị đi trước, giờ tôi cũng đan thuần thục, làm đủ các sản phẩm. Mỗi ngày tôi kiếm được từ 70-100 ngàn đồng, tùy số lượng sản phẩm, đủ trang trải cuộc sống”, chị Mười chia sẻ.
Bà Võ Thị Hồng, ngụ ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng (huyện Thới Bình), thành viên CLB chia sẻ thêm: “Ở đây người vô trước giúp đỡ, chỉ dạy người vô sau. Người làm giỏi thì đan ngày 5-7 cái, yếu thì 2-3 cái. Khi có mẫu mới chị em được hướng dẫn tập trung, sau đó nhận hàng về nhà đan. Công việc không gò bó thời gian, đan nhiều sản phẩm thì được tiền nhiều, tháng cũng kiếm được 2,5 - 3 triệu đồng”.
“Gia đình tôi không đất sản xuất, cuộc sống trước đây khó khăn, là hộ nghèo. Nhờ được chị Lê Thị Hồng Phương hướng dẫn, tạo điều kiện tham gia CLB, truyền nghề đan lục bình, cuộc sống của tôi giờ đỡ hơn trước rất nhiều, thoát nghèo”, bà Nguyễn Thị Út, một thành viên CLB chia sẻ.
Trung bình 1 tháng chị em trong CLB thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người. |
Chị Lê Thị Hồng Phương, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng, Chủ nhiệm CLB cho biết ban đầu chị mở ra CLB là giúp phụ nữ khuyết tật trong ấp hòa nhập cộng đồng, có công việc, kiếm thêm thu nhập. Dần về sau do thấy hoạt động hiệu quả nên nhiều chị em trong xã tìm đến đăng ký tham gia và CLB mở rộng thêm nhiều đối tượng hội viên với đủ lứa tuổi.
“Một số chị em nhận hàng về cho gia đình 2-3 người làm, cả gia đình làm giỏi thu nhập một tháng cũng được khoảng 8 đến 10 triệu, khỏi đi Bình Dương lao động. Nhiều hộ nhờ tham gia CLB đã thoát được hộ nghèo, ổn định cuộc sống”, chị Phương nói.
Mở rộng thị trường
Để tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên, người đứng đầu CLB luôn tìm tòi, học hỏi thêm nhiều mẫu mã sản phẩm để truyền nghề lại cho chị em, nỗ lực kết nối các doanh nghiệp, tìm kiếm thêm đối tác khách hàng hoặc nhận gia công sản phẩm.
Từ cuối năm 2018, CLB đã liên kết được với một doanh nghiệp tại TPHCM có chi nhánh tại tỉnh Vĩnh Long nhận làm gia công các sản phẩm giỏ bằng lục bình và dây chuối với số lượng lớn.
“Ban đầu, CLB gặp khó khăn vì sức khỏe và tay nghề của chị em còn hạn chế, sản phẩm làm ra không đạt chất lượng, phải bồi thường hợp đồng. Tôi không nản chí, thường xuyên động viên chị em cố gắng, nỗ lực vượt khó để làm ra sản phẩm chất lượng hơn. Cuối cùng chị em cũng làm được các sản phẩm đảm bảo yêu cầu đối tác và được bao tiêu toàn bộ. Lô hàng đầu tiên được xuất đi chị em vui mừng lắm”, chị Lê Thị Hồng Phương chia sẻ.
Một trong những sản phẩm làm từ lục bình của CLB. |
Đến nay, sản phẩm của CLB đã được nhiều doanh nghiệp biết đến và chủ động tìm đến đặt hàng. “Doanh nghiệp yêu cầu làm mặt hàng gì, đưa ra mẫu mã, mình sẽ phổ biến triển khai, hướng dẫn chị em làm theo. Đa số chị em ở đây gắn bó với CLB vài năm trở lên nên khá rành tay nghề”, nữ chủ nhiệm CLB nói.
Hiện tại, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của CLB Phụ nữ khuyết tật xã Tân Bằng đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021.
Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới thông qua các công ty đối tác ở TPHCM và một số tỉnh, thành ĐBSCL. Doanh thu của CLB trong năm 2023 đạt hơn 700 triệu đồng.
Chị Lê Thị Hồng Phương hướng dẫn chị em mỗi khi nhận sản phẩm mới. |
“Chị Phương là người phụ nữ tiên phong trong huyện Thới Bình làm tình nguyện viên hỗ trợ người khuyết tật. Chị đã góp phần tạo công ăn việc làm để các chị em có thu nhập, tự tin hoà nhập với cộng đồng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững tại địa phương”, bà Nguyễn Việt Biên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thới Bình nhận xét.
Không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, chị Phương còn thường xuyên vận động xây dựng nhà ở, tặng quà, gạo, sách vở, kinh phí tiếp sức cho con em người khuyết tật đến trường.
Với những việc làm thiện nguyện, chị Lê Thị Hồng Phương vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành trong tỉnh. Hơn thế, chị Phương còn được cử đi dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 tại Thủ đô Hà Nội.