Chiều nay, theo tin từ Công an tỉnh Bình Dương, hiện Cơ quan CSĐT đang truy tìm thủ phạm gây ra vụ lừa đảo qua điện thoại để chiếm đoạt tài sản trên địa bàn.
Theo điều tra ban đầu, lúc 14 giờ 30 ngày 27/4, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của bà T.T.U (62 tuổi, ngụ phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), bọn lừa đảo gọi điện thoại giả danh công an rằng bà U “dính” vào đường dây tội phạm rửa tiền quốc tế. Hiện bà U đang bị điều tra vì liên quan đến tội phạm rửa tiền.
Ban đầu, bà U hoang mang và nói với người bên kia điện thoại là bà không dính dáng gì đến bọn tội phạm rửa tiền. Lúc này, bọn lừa đảo nói bà hãy chuyển 200 triệu đồng vào số tài khoản của cơ quan điều tra, nhằm để chứng minh bà không có liên quan đến tội phạm rửa tiền. Sau khi cơ quan điều tra kiểm tra số tiền này không dính đến rửa tiền, thì ngay tức khắc số tiền 200 triệu đồng sẽ được chuyển tra ngay cho bà.
Vì nhẹ dạ, tin lời bọn lừa đảo, bà U đã chuyển 200 triệu đồng vào số tài khoản do bọn chúng đưa là 050050873... nhằm để “điều tra, làm rõ về hành vi rửa tiền”. Sau khi chuyển tiền, ngồi chờ mãi vì tiền đi mà không... trở lại, bà U mới biết mình bị lừa và trình báo công an.
Loại tội phạm lừa đảo qua điện thoại sử dụng công nghệ cao, dựng kịch bản, gây tiếng động, âm thanh để nạn nhân nghe qua điện thoại cứ tưởng là đang nói chuyện với cán bộ điều tra thật. Thời gian qua, tại TPHCM và một số nơi trên cả nước, công an đã triệt phá nhiều đường dây tội phạm lừa đảo kiểu này.
Mới đây (ngày 14/4), TAND TPHCM đã mở phiên tòa sơ thẩm hình sự để xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt hàng tỉ đồng xảy ra tại TPHCM và các tỉnh lân cận cũng bằng chiêu thức lừa đảo tương tự với bà U nêu trên ở Bình Dương. 10 bị cáo trong vụ án này bị xét xử tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “không tố giác tội phạm”.
Cầm đầu đường dây lừa đảo này là Wu Tung I (còn được gọi là Ngô Đông Ích, SN 1973, người Trung Quốc), Võ Ngọc Bích Hiền (SN 1984, quê Vĩnh Long, là người chung sống như vợ chồng với Wu Tung I), Hồ Nhật Khánh (SN 1990, quê Vĩnh Long).
Wu Tung I từng là thợ cắt tóc tại TP Đài Bắc và bị cảnh sát Đài Loan truy nã về các tội mua bán trái phép chất ma túy, gây nguy hiểm nơi công cộng, xâm hại tình dục.
Trốn lệnh truy nã, Wu Tung I nhập cảnh vào Việt Nam rồi cấu kết với Hiền, Khánh và các bị cáo khác lập nên băng nhóm chuyên lừa đảo qua điện thoại.
Băng nhóm Wu Tung I, Hiền và Khánh dùng điện thoại gọi trực tiếp đến các số điện thoại cố định đăng ký tại TPHCM và các tỉnh lân cận thông báo về việc nợ cước điện thoại, rồi chúng hù dọa nạn nhân có liên quan đến khoản tiền của các đối tượng tội phạm ma túy, rửa tiền mà cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án đang điều tra. Tiếp theo, các đối tượng này yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà bọn chúng lập sẵn để chiếm đoạt.
Chúng thường điện thoại cho nạn nhân, xưng là người của nhân viên tổng đài và thông báo cho nạn nhân biết đang nợ cước điện thoại lên đến hàng chục triệu đồng.
Sau đó, chúng nối máy cho nạn nhân gặp một người tự xưng thiếu úy công an điều tra tội phạm rửa tiền, điều tra tội phạm quốc tế… Qua điện thoại, người này nói nạn nhân liên quan đến đường dây rửa tiền mà công an đang điều tra.
Theo yêu cầu, nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản để công an kiểm tra có phải tiền đó là “tiền sạch” hay không, nạn nhân do hoảng sợ đã chuyển tiền vào tài khoản của bọn lừa đảo.
Băng nhóm này đã lừa đảo hơn 30 nạn nhân ở TPHCM và các tỉnh lân cận, chiếm đoạt số tiền hơn 6,4 tỉ đồng thì sa lưới. TAND TPHCM đã tuyên phạt: Wu Tung I 20 năm tù, Võ Ngọc Bích Hiền 13 năm tù, Hồ Nhật Khánh 8 năm tù.
Bên cạnh đó, các bị cáo có vai trò giúp sức cho Wu Tung I bị xử phạt từ 1 năm đến 7 năm tù cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng bị cáo Lê Thị Thủy Tiên (21 tuổi, bạn gái của Khánh) bị xử phạt 1 năm tù treo về tội “không tố giác tội phạm”.