Thay vào đó, mọi thông tin về công dân sẽ được lưu trữ trên điện toán đám mây và công nghệ này sẽ được gọi là “hộ chiếu đám mây.”
Công bố sáng kiến “hộ chiếu đám mây” ngày 29/10 tại thủ đô Canberra, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết quyết định lựa chọn sáng kiến này được đưa ra sau nhiều cuộc thảo luận với một số nhà sáng chế hàng đầu nước này.
Bà bày tỏ tin tưởng sáng kiến này nếu được thử nghiệm thành công sẽ được nhân rộng khắp thế giới.
Đầu năm nay, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) đã kêu gọi toàn bộ nhân viên ở văn phòng tại Canberra cũng như trên khắp thế giới đề xuất và bỏ phiếu lựa chọn ý tưởng tốt nhất để hiện đại hóa các hồ sơ giấy tờ. Có tất cả 329 ý tưởng được đề xuất và cuối cùng ý tưởng đi lại không cần hộ chiếu đã được lựa chọn.
Với “hộ chiếu đám mây,” mọi dữ liệu về nhận dạng và sinh trắc học của công dân sẽ được số hóa, lưu giữ trong một hệ thống lưu trữ số liệu dựa trên đám mây, do vậy khi công dân ra nước ngoài không cần phải mang theo hộ chiếu và giảm được nguy cơ bị mất hoặc bị lấy cắp hộ chiếu khi ở nước ngoài.
DFAT cho biết năm ngoái có tới 38.718 hộ chiếu Australia được thông báo bị mất hoặc bị lấy trộm, tăng so với 38.689 trường hợp năm trước đó.
Theo Ngoại trưởng Bishop, hiện giới chức Australia và New Zealand đang thảo luận áp dụng thử nghiệm hệ thống “hộ chiếu đám mây” cho công dân đi lại giữa hai nước. Tuy nhiên, bà cho biết việc lưu trữ dữ liệu sinh trắc học bằng hệ thống đám mây đòi hỏi những yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh./.