Lo sợ con cái thụt lùi trong học tập, nhiều phụ huynh đã đăng ký học thêm cải thiện điểm số, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển sau dịch.
Chị Fiona, sống tại Sydney, Australia, bày tỏ căng thẳng trước tác động của đóng cửa trường học lên kết quả học tập của con trai 10 tuổi. Vì vậy, chị cho con tham gia lớp học thêm kéo dài 4 giờ mỗi tuần với chi phí 800 USD (khoảng 18 triệu đồng).
Là người nhập cư tại Australia, Fiona được mọi người xung quanh nhắc nhở trường của con trai chị, vốn là trường công lập kém chất lượng, nên tỷ lệ đỗ đại học của học sinh không cao. Cộng thêm việc học trực tuyến thiếu hiệu quả, Fiona quyết tâm thúc đẩy con trai tăng tốc trong học tập. Bà mẹ hy vọng việc học thêm giúp con trang bị lại kiến thức trong thời gian học trực tuyến, nâng cao thành tích học tập.
Tương tự Fiona, nhiều phụ huynh Australia đã đăng ký cho con cái vào các trung tâm dạy thêm. Ước tính, lĩnh vực này thu hút 1/7 trẻ em tại Australia, là ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, làn sóng học thêm đang đi kèm với nhiều nguy cơ đáng lo ngại như gia tăng bất bình đẳng trong học tập, ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất, tâm thần của trẻ.
GS Pasi Sahlberg, Viện Giáo dục Gonski, Trường Đại học New South Wales, Australia, đánh giá: “Dạy thêm giúp trẻ tiến bộ trong các bài kiểm tra nhưng không dạy chúng hiểu về thế giới, kích thích khả năng khám phá. Trong khi giảng dạy ngày nay hướng đến mục tiêu sâu rộng hơn như ứng dụng thực tiễn, xây dựng kỹ năng xã hội”.
Do vậy, cha mẹ cần phân biệt giữa học thêm để lấy điểm cao và học thêm để nâng cao năng lực, phẩm chất cho học sinh. Nhiều công ty dạy thêm chỉ tập trung vào lợi nhuận tài chính hơn là lợi ích của học sinh và trách nhiệm giáo dục.
Một vấn đề khác là công bằng trong giáo dục vì chi phí dạy thêm đắt đỏ không dành cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá bất bình đẳng là một trong những thách thức giáo dục lớn nhất tại Australia.
Ông Mohan Dhall, Giám đốc điều hành Hiệp hội Gia sư Australia, nhấn mạnh: “Dạy thêm sẽ kéo theo bất bình đẳng trong học tập. Ví dụ, học sinh trường tư đi học thêm không chỉ được trải nghiệm nền giáo dục phong phú hàng đầu mà còn có cơ hội nâng cao, trau dồi và mài giũa kiến thức”.
Bà Misty Adoniou, chuyên gia giáo dục tại Trường ĐH Canberra, cho rằng, việc học thêm giống như làn sóng. Khi thấy bạn bè của con đi học thêm, phụ huynh có điều kiện cũng sẽ làm theo để con cái không thua kém bạn bè, dẫn đến hàng loạt học sinh trong cùng một lớp đi học thêm. Nhưng bên cạnh đó, một bộ phận học sinh hoàn cảnh khó khăn không có cơ hội may mắn như vậy.
Để hạn chế việc dạy thêm tràn lan, kém chất lượng, ông Sahlberg đề nghị các nhà trường tổ chức dạy tăng cường cho học sinh để trang bị, củng cố kiến thức. Đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để tăng trải nghiệm giáo dục trong trường học.
Chuyên gia cũng khuyến nghị nhà trường chú trọng hoạt động vui chơi ngoài trời, hoạt động thể chất hoặc các môn học nghệ thuật như Âm nhạc, Mỹ thuật, nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện. Đồng thời, ông kêu gọi phụ huynh đăng ký học thêm cho con dựa trên năng lực, sở thích, nhu cầu.
“Hãy giúp trẻ khám phá những điều các em thực sự quan tâm, tò mò. Học tốt các môn học trong chương trình phổ thông là quan trọng nhưng tìm ra đam mê thực sự sẽ giúp trẻ khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần”, ông Sahlberg cho hay.