Sinh viên quốc tế không thể đến nước này học tập kéo theo các trường đại học phải cắt giảm nguồn nhân lực là giảng viên, nhân viên giàu kinh nghiệm.
Ông Gabrielle Rolan, Phó Hiệu trưởng phụ trách hoạt động quốc tế tại Trường Đại học South Australia cho biết, sự sụt giảm số lượng sinh viên quốc tế từ năm 2019 đã khiến trường đại học thất thu. Từ đó, các nhà trường phải cắt giảm chi phí hoạt động, cắt giảm nguồn nhân lực, bao gồm giảng viên, nhân viên.
Mô hình hoạt động của các trường đại học Australia chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí từ sinh viên quốc tế. Ước tính, năm 2020, nguồn doanh thu của các trường giảm 2 tỷ USD, hơn 40.000 lao động mất việc làm do thiếu hụt du học sinh.
Ông Rishen Shekhar, Phó Giám đốc Phát triển kinh doanh quốc tế, Trường ĐH South Australia, cho biết: “Khắp các trường đại học, từ giảng viên đến nhân viên, quản lý đều bị cắt giảm. Những vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất có liên quan đến giáo dục quốc tế như tuyển sinh quốc tế, quản lý du học sinh…”.
Không chỉ thế, số lượng nhân viên có trình độ cao trong lĩnh vực giáo dục đại học xin nghỉ việc tăng cao. Điều này gây nên 2 ảnh hưởng lớn với các trường đại học. Đầu tiên, nhà trường sẽ mất đi nguồn lao động chuyên môn cao và khó có thể tuyển dụng trở lại.
Tiếp đó, những người ở lại sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng quá mức do khối lượng công việc lớn. Dần dần, đầu tư cho giáo dục quốc tế sẽ bị cắt giảm, thậm chí, chính quyền sẽ gạt bỏ lĩnh vực này ra khỏi các gói hỗ trợ.
Ông Ian Watt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sydney đánh giá: “Thật thất vọng khi các trường đại học không được nhận gói hỗ trợ việc làm JobKeeper của chính phủ. Vì lẽ đó, chúng tôi phải cắt giảm nguồn nhân lực và đang mất đi những nhân viên rất có năng lực”.
Ông Catriona Jackson, Giám đốc Điều hành Trường Đại học Australia nhấn mạnh tình trạng cắt giảm việc làm trong các trường đại học sẽ tạo nên những thách thức trong nhiều năm tới. Trường ĐH Australia đã phải cho hơn 300 nhân viên nghỉ việc trong khi Trường ĐH South Australia cho nhiều lao động nghỉ hưu sớm.
Đối với các nhà trường, phải cắt giảm nguồn nhân lực là việc làm hết sức khó khăn. Do đó, hiện nay, ưu tiên của các trường là giữ gìn và bảo vệ nguồn nhân lực ngày càng ít ỏi.
Thay vì đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, các trường sẽ sử dụng nguồn tài chính đang dần cạn kiệt để chăm lo cho cuộc sống, việc làm của giảng viên, nhân viên. Giữ chân nguồn lao động chất lượng cao này cũng góp phần duy trì vị thế, chất lượng giáo dục của các trường và thu hút sinh viên quốc tế.
Ông Bronwyn Gilson, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục quốc tế ISANA kiến nghị chính phủ, chính quyền liên bang cần xây dựng cách tiếp cận phối hợp để giúp phục hồi lĩnh vực giáo dục đại học.
“Trong tương lai, cần có chiến lược thúc đẩy sinh viên quốc tế lấy lại niềm tin vào giáo dục đại học của Australia. Điều này rất cần sự vào cuộc của tất cả các cấp như chính phủ, doanh nghiệp, các trường đại học và xã hội”, ông Gilson bày tỏ.