ASEAN+3: Nâng tầm quan hệ khu vực

ASEAN+3: Nâng tầm quan hệ khu vực

(GD&TĐ) – Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 13 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ảnh:chinhphu.vn)

Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ảnh:chinhphu.vn)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định kể từ năm 1997, tiến trình hợp tác ASEAN+3 đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, hỗ trợ đắc lực cho nỗ lực chung của các nước ASEAN+3 trong việc xử lý hiệu quả nhiều thách thức chung, nhất là vượt qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính.

Thủ tướng khẳng định tiến trình ASEAN+3 ngày càng chứng tỏ là một trong những cơ chế năng động và hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy hợp tác Đông Á; khẳng định được vai trò là khuôn khổ chính hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng một cộng đồng ở Đông Á.

Các nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những tiến triển quan trọng của hợp tác ASEAN+3 năm qua, thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác triển khai Tuyên bố chung về Hợp tác Đông Á, với các hoạt động hợp tác tới nay đã trải khắp 24 lĩnh vực.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2010, việc lập Văn phòng nghiên cứu giám sát kinh tế vĩ mô (AMRO) và Cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF); các nỗ lực tích cực trong việc nghiên cứu khả thi xây dựng Khu vực mậu dịch tự do Đông Á (EAFTA) song song với việc xem xét Kế hoạch Đối tác toàn diện Đông Á (CEPEA), việc thí điểm lập Quỹ Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 nhằm bảo đảm an ninh lương thực…

Về định hướng tương lai của tiến trình hợp tác ASEAN+3, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả các thỏa thuận nhất là Kế hoạch công tác Hợp tác ASEAN+3.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác để thiết thực đối phó với những thách thức toàn cầu như an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, sự suy thoái về môi trường, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm…, đồng thời đẩy mạnh trao đổi văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân nhằm củng cố và thúc đẩy sự tin cậy, hiểu biết và gắn bó giữa những người dân trong khu vực và tạo nên một bản sắc và ý thức khu vực.

Các nhà lãnh đạo cũng đã tiến hành trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có việc phối hợp chuẩn bị cho sự tham dự của Chủ tịch ASEAN tại Cấp cao G-20 ở Hàn Quốc, Hội nghị COP-16 về Biến đổi khí hậu tại Mexico, tình hình bán đảo Triều Tiên…

Kết thúc, Chủ tịch Hội nghị đã ra Tuyên bố Chủ tịch về các kết quả cũng như quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 13.

Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị liên quan, ngày 30/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng New Zealand và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Thúc đẩy quan hệ chiến lược Việt Nam - Ấn Độ

Tiếp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ và Cấp cao Đông Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội to lớn của nhân dân Ấn Độ trong thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận quan hệ song phương tiếp tục có những bước phát triển thực chất hơn trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam luôn mong muốn hai nước tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược.

Đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ấn Độ tham gia tích cực hơn nữa vào các cơ chế hợp tác của khu vực, tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với các nước ASEAN.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đánh giá tiềm năng quan hệ giữa hai nước còn rất lớn. Ấn Độ đã và đang giúp Việt Nam nâng cao năng lực phát triển kinh tế thông qua những trung tâm về công nghệ thông tin, đào tạo tiếng Anh ở Việt Nam.

Hiện có nhiều doanh nghiệp Ấn Độ tìm thấy môi trường kinh doanh thân thiện ở Việt Nam trong đó có Tập đoàn Thép Tata, Thủ tướng Ấn Độ cho biết. Quan hệ thương mại Việt Nam-Ấn Độ đạt dự kiến trên 3 tỷ USD năm 2010.

Theo Thủ tướng Ấn Độ, thời gian tới, quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng, văn hóa, và giao lưu nhân dân giữa hai bên sẽ tiếp tục được tăng cường và mở rộng.

Tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại Việt Nam - New Zealand

Tiếp Thủ tướng New Zealand John Key dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN-New Zealand và Cấp cao Đông Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai nước tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và sớm ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tích cực triển khai thỏa thuận về hợp tác cảnh sát và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia vừa được ký kết.

Thủ tướng mong muốn New Zealand tiếp tục duy trì và tăng viện trợ ODA cho Việt Nam, sớm thực hiện cam kết tiếp nhận đầu bếp và kỹ sư có tay nghề cao sang làm việc tại New Zealand.

Chúc mừng New Zealand vừa chính thức gia nhập ASEM tại Hội nghị cấp cao ASEM 8 vừa qua tại Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn New Zealand đã hỗ trợ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN.

Thủ tướng New Zealand John Key cho biết, tiềm năng hợp tác của hai nước còn rất lớn, đặc biệt là các lĩnh vực như hàng không dân dụng hay giáo dục. New Zealand sẽ tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ thương mại với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Trước khi dự Hội nghị, Thủ tướng John Key đã thăm một số doanh nghiệp của New Zealand tại TP. Hồ Chí Minh. Theo Thủ tướng New Zealand,

ADB cần mở rộng lĩnh vực hợp tác với Việt Nam

Tiếp Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda, Thủ tướng cảm ơn ADB đã hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam và mong muốn hai bên sẽ hợp tác một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda chia sẻ những thách thức đối với Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế, cho rằng một trong những thách thức lớn nhất là hạn chế về cơ sở hạ tầng như giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin.

Bên cạnh những hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, Thủ tướng đề nghị ADB quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và hạn chế tác động của biến khí hậu, cải cách hành chính, đổi mới phát triển doanh nghiệp.

Chủ tịch Haruhiko Kuroda cũng cam kết ADB sẽ tiếp tục cung cấp vốn cho các dự án quan trọng của Việt Nam, trong đó tập trung ưu tiên vào phát triển hạ tầng giao thông, điện và nâng cao chất lượng giáo dục.

Thủ tướng cũng hoan nghênh việc ADB tổ chức hội nghị thường niên lần thứ 44 năm 2011 tại Việt Nam. Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này của ADB.

 Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.