Còn chú trọng kiểm tra trên hồ sơ, giấy tờ, còn nặng nề sổ sách
Từng là giáo viên đứng lớp trên 20 năm, cô Phạm Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Quý 1, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp – thấm thía được áp lực khi thực hiện các loại hồ sơ sổ sách trong năm học.
“Trước đây, giáo viên thực hiện rất nhiều loại hồ sơ như: Giáo án, sổ điểm, sổ chủ nhiệm, liên lạc, dự giờ, họp Hội đồng sư phạm, họp chuyên môn, họp công đoàn, chi đoàn, họp tổ, sổ bồi dưỡng học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, đầu bài, mượn đồ dùng dạy học, tích lũy kinh nghiệm...
Mặc dù, Điều lệ Trường tiểu học đã quy định cụ thể các loại hồ sơ cho từng nhiệm vụ, nhưng không ít trường vẫn yêu cầu giáo viên phải cụ thể hóa bằng nhiều loại sổ khác như trên. Điều này làm cho giáo viên ngoài giờ dạy trên lớp là dành toàn bộ thời gian để làm sổ sách. Hàng đêm soạn bài cho ngày hôm sau cùng với làm sổ đến 12 giờ là bình thường” – cô Phạm Thanh Hải chia sẻ.
Từng nhiều năm làm quản lý trường THPT công lập, nay là Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT ICOSchool (Bắc Giang), ông Hà Đình Sơn - thẳng thắn nêu quan điểm: Chính “bệnh” hành chính quan liêu đẻ ra sổ sách. Theo ông Sơn, nếu các đoàn kiểm tra không chú trọng nhiều đánh giá trên thực tế, khảo sát chất lượng cụ thể mà chỉ quan tâm kiểm tra trên hồ sơ, giấy tờ, minh chứng thì còn hồ sơ, sổ sách nặng nề.
“Có nhiều việc nhà trường làm rất tốt, nhưng thiếu kế hoạch hay văn bản triển khai, có khi quy kết luôn trường không làm hoặc triển khai không đến nơi đến chốn. Nên mới sinh chuyện các nhà trường phải xây dựng hệ thống hồ sơ, minh chứng để phục vụ các đợt kiểm tra. Nên muốn giảm thiểu hồ sơ, sổ sách, giấy tờ phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá nhà trường; thay đổi cách quản lí hình thức của bộ phận lãnh đạo, quản lí giáo dục” – ông Hà Đình Sơn nêu quan điểm.
Đặt mình vào vị trí giáo viên
Từ năm học 2011 - 2012 đến nay, Sở GD&ĐT Đồng Tháp chỉ đạo quyết liệt việc tinh giản hồ sơ sổ sách cho giáo viên. Theo chia sẻ của cô Phạm Thanh Hải, Trường Tiểu học Mỹ Quý 1 đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, quy định hồ sơ sổ sách hàng năm cụ thể đối với từng nhiệm vụ được giao. Giáo viên chỉ thực hiện 3 loại hồ sơ cá nhân là giáo án, sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn và dự giờ, sổ chủ nhiệm.
Riêng giáo án, giáo viên dạy có kinh nghiệm 3 năm liên tục một khối lớp, bộ phận chuyên môn kiểm tra, nếu thấy nội dung giáo án đã thể hiện rõ mục tiêu của bài học, các hoạt động trên giáo án đã hướng tới lấy người học làm trung tâm và phù hợp với năng lực của học sinh không yêu cầu phải soạn lại. Nhưng hàng năm phải có điều chỉnh, bổ sung về phương pháp, các hình thức tổ chức hoạt động học tập cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
“Khi không tạo áp lực về hồ sơ sổ sách cho giáo viên, nhà trường quan tâm đặc biệt đến hiệu quả giảng dạy, sản phẩm của người thầy. Nhà trường cũng không chú trọng quá nhiều đến dự giờ, hội giảng mà tăng cường xuống lớp để quan sát các hoạt động học tập của học sinh: Hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm; giao tiếp giữa thầy với trò, trò với trò...; xem cách trình bày bài trên vở, chữ viết.
Đồng thời, kiểm tra xác suất về chuẩn kiến thức kĩ năng, nhất là những học sinh chưa hoàn thành hay còn hạn chế (mức độ tiến bộ hay không qua từng giai đoạn); xem thầy và trò cùng trang trí lớp học, xây dựng nội quy... Qua các hoạt động trên, Ban giám hiệu nhà trường đánh giá được tinh thần trách nhiệm của giáo viên, năng lực sở trường của mỗi cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao” – cô Phạm Thanh Hải cho hay.
Để làm tốt hơn việc này, cô Phạm Thanh Hải cho rằng, cán bộ quản lí phải đặt mình là giáo viên để tránh phát sinh thêm các loại hồ sơ ngoài quy định. Trong điều hành các hoạt động giảng dạy của giáo viên nên tránh thủ tục hành chính mà cần chú trọng đến sản phẩm của người thầy tức là kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; lấy hiệu quả để đánh giá việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được phân công.
Thầy Nguyễn Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy, Phú Thọ lại đề nghị các cấp quản lí tiếp tục nghiên cứu, tạo cơ chế hơn nữa về việc sử dụng hồ sơ điện tử như: Đồng bộ hóa sổ liên lạc điện tử thay cho sổ liên lạc bản in trong hồ sơ trường chuẩn, ban hành các quy định cụ thể hơn nữa và tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên về việc sử dụng hồ sơ sổ sách điện tử… trong nhà trường.
Còn ông Hà Đình Sơn, với ICOSchool – một ngôi trường chuẩn bị đi vào hoạt động - việc bắt đầu của nhà trường là xây dựng hệ thống công cụ vận hành, quy trình chi tiết cho các bộ phận. Bộ công cụ ấy sẽ điều chỉnh tất cả các hoạt động của cán bộ, giáo viên trong trường. Có nhiều bộ phận mới để quản lí và điều hành hoạt động của nhà trường nên hồ sơ, sổ sách của giáo viên sẽ ít đi.
“Nhà trường sẽ xây dựng hệ thống kế hoạch, báo cáo và hồ sơ hướng theo thực chất, phục vụ các hoạt động thiết thực. Kiên quyết không làm hồ sơ chỉ để đối phó, làm hồ sơ sổ sách xong, kiểm tra xong rồi vứt vào tủ khóa lại, có kiểm tra lại bỏ ra” – ông Hà Đình Sơn chia sẻ.