Năm học 2020 - 2021: Giảm áp lực từ hồ sơ, sổ sách

GD&TĐ - Quy định về hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường là một trong những nội dung được quan tâm, trao đổi nhiều nhất tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 đối với giáo dục trung học diễn ra sáng 18/9, tại Vĩnh Phúc.

Ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thế Đại
Ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thế Đại

Hồ sơ điện tử áp dụng chính thống trong nhà trường

Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực từ ngày 1/11/2020 sẽ thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ban hành năm 2011.

Ông Nguyễn Xuân Trường, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm Thông tư số 32 gồm 7 chương, 45 điều. Hầu hết, 45 điều có sửa chữa và đổi mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong đó có một số điểm mới quan trọng liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của trường trung học; phân cấp quản lý; cơ cấu tổ chức trường trung học; hội đồng trường; hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; tổ chuyên môn; lớp học; chương trình giáo dục và kế hoạch giáo dục; hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục…

Liên quan đến hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục (Điều 21), số đầu hồ sơ quy định đối với nhà trường giảm (14 hồ sơ so với 17 hồ sơ như quy định tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm Thông tư số 12). 

Đối với tổ chuyên môn, hồ sơ quy định gồm: Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học); sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn. Hồ sơ quy định với giáo viên gồm: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); kế hoạch bài dạy (giáo án); sổ theo dõi và đánh giá học sinh; sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Đặc biệt, quy định về hồ sơ điện tử được đưa vào Điều lệ. Theo ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, trong bối cảnh chuyển đổi số, hồ sơ điện tử là tất yếu, mang đến nhiều thuận lợi cho nhà trường nói riêng, ngành Giáo dục nói chung. Trong lúc, triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, kiểm tra đánh giá, mà giáo án, hồ sơ giáo viên vẫn phải “viết tay”. Chưa kể đến hệ thống dữ liệu ngành đã  kết nối, việc ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện ở nhiều nội dung trong giáo dục, hồ sơ điện tử của giáo viên sẽ được tích hợp trong hệ thống ứng dụng này một cách thuận lợi. Chẳng hạn: Sổ điểm điện tử kết nối với học bạ điện tử; giáo án, chuyên đề dạy học điện tử dùng để dạy học trực tuyến.... Vấn đề quan trọng là tiết kiệm được nhiều thời gian cho giáo viên để tập trung vào chuyên môn sâu cũng như công tác quản lý dạy học vô cùng thuận lợi và hiệu quả.

Các đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị.
Các đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị.

Thống nhất mẫu hồ sơ, sổ sách 

Theo quy định về đánh giá, xếp loại học sinh trung học tại Thông tư 26 Bộ GD&ĐT mới ban hành, tất cả môn học đều có đánh giá bằng nhận xét, thay vì chỉ đánh giá bằng nhận xét ở một số môn học như trước đây. Tuy nhiên, trong mẫu học bạ hiện hành không có mục dành cho đánh giá bằng nhận xét. Ông Đỗ Tường Hiệp cho rằng: Học sinh lớp 11, 12 đang sử dụng mẫu học bạ cũ thì tiếp tục sử dụng và kèm thêm một phiếu nhận xét. Tuy  nhiên, với lứa học sinh lớp 10 có thể sử dụng mẫu học bạ mới, trong đó có thêm phần nhận xét để liên thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới sau này. “Vụ Giáo dục Trung học nên ban hành mẫu thống nhất chung cho toàn quốc; điều này cũng giúp học sinh thuận lợi khi chuyển trường từ địa phương này sang địa phương khác” – ông Hiệp kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cũng bày tỏ mong muốn có một mẫu chung trên toàn quốc với một số loại hồ sơ, sổ sách, ví dụ như sổ đăng bộ, học bạ học sinh… Đại diện Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng, theo quy định mới, nhà trường phải làm sổ theo dõi và đánh giá học sinh thay cho sổ gọi tên ghi điểm, đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành mẫu sổ này để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho các thầy cô, nhà trường dành thời gian cho hoạt động chuyên môn. Với quy định về hồ sơ điện tử, ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý: Hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử. Việc quản lý hồ sơ điện tử do sở GD&ĐT quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ GD&ĐT. Việc bảo quản hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục của nhà trường được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tại hội nghị, đại diện các sở GD&ĐT đều đánh giá cao Vụ Giáo dục Trung học trong năm học vừa qua đã ban hành kịp thời các văn bản, thông tư, đáp ứng được mong muốn của địa phương; thuận lợi cho địa phương trong chỉ đạo, triển khai. Nhiều vấn đề quan trọng của giáo dục trung học cũng được trao đổi, thảo luận và đại diện Vụ Giáo dục Trung học giải đáp tại hội nghị, như: Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh; xây dựng tài liệu giáo dục địa phương; quy định lựa chọn sách giáo khoa…  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ