Café chủ nhật

Ao làng in dấu tuổi thơ

GD&TĐ - Có lẽ với nhiều làng quê, nhất là đồng bằng Bắc Bộ, ao làng là không gian hết sức gần gũi và thân thuộc.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Ao làng tôi không rộng nhưng đó là cả tuổi thơ của chúng tôi, không biết từ khi nào. Từ thuở cụ và ông tôi sinh ra ao làng đã hiện hữu, gắn liền với mái đình thâm rêu, cây đa trùm tán cả khoảng không xanh biếc.

Làng tôi mới có từ thời hậu Lê. Xưa kia, mảnh đất này còn là bãi bồi lau sậy, một vị quan đã đưa mấy chục trai tráng từ trấn Thanh Hoa về đây khai khẩn. Cụ tổ các dòng họ Nguyễn, Phạm, Đỗ, Bùi… đã chọn mảnh đất cao ráo này để xây dựng đình làng và cho đào ao chừng một mẫu ngay trước cửa đình với quan niệm tụ thủy.

Trải qua mấy trăm năm, cảnh vật có nhiều thay đổi nhưng ao làng dường như vẫn lặng lẽ, khiêm nhường cùng năm tháng. Tuổi thơ tôi lớn lên gắn liền với ao làng, khi còn chưa học vỡ lòng, tôi đã theo mẹ ra ao giặt chiếu.

Vốn ao rất sâu và nước rất trong, với một búi rơm chà kĩ hai mặt chiếu sau đó gấp gọn rồi đưa lên qua đầu đập mạnh xuống mặt ao, nước bắn tung tóe. Những vòng sóng lan ra xa, tiếng đập chiếu vang xa tận trong làng làm mấy chú bói cá trên cây sung giật mình bay đi. Thế rồi mẹ tắm cho tôi luôn thể, nước ao trong vắt, mát rượi.

Cầu ao là tảng đá dài hai mét, rộng khoảng gần một mét, nghe nói đó là đá được chuyển từ núi Nhồi ra khi dựng đình. Dưới mặt nước còn kê hai bậc nữa. Tôi bám vào mép cầu ao cứ thế đập chân tập bơi.

Lớn hơn, vào cỡ tháng Ba nhà hết rơm rạ đun, chúng tôi lại ra cây đa và hàng sà cừ ngay bờ ao để quét lá về thổi. Lá khô cháy tỏa ra mùi thơm rất lạ.

Bờ ao còn có mấy cây sung ngả hẳn ra mặt nước. Những chiều hè, lũ chúng tôi lại trèo lên tìm tổ chim sâu, có khi bắt được tổ chim mới mở mắt mươi ngày, tôi đem về nuôi được mấy hôm nhưng không được. Sung xanh chấm muối hột là thứ rất quen thuộc, có khi chán tôi lại cho vào luộc. Sung luộc màu vàng, ăn đỡ chát. Bà tôi còn muối chua hoặc kho cá mắm.

Bờ ao và sân đình là cả một thiên đường của lũ trẻ quê. Xung quanh bờ cây cối um tùm, lũ chúng tôi chơi trốn tìm, chơi đánh trận giả suốt cả buổi. Gặp được buồng chuối chín cây mà ông từ chưa biết chúng tôi trèo lên chén no. Chuối chín vàng, thơm lừng. Lũ chim tinh hơn, thường biết trước chúng tôi và chén những quả chín nhất.

Vào dịp đầu Xuân làng mở hội. Làng tôi xưa kia là cửa biển Đại Nha nên thờ Đức Triệu Việt Vương làm thành hoàng và thờ cả các cụ tổ, dòng họ đến đây khai khẩn. Kiệu của các đền miếu xung quanh được rước về, có khi kiệu lội cả xuống ao làng xoay hàng giờ dưới đó. Đám trai đinh được phen xoay tròn giữa ao nước mấp mé đỉnh đầu. Còn các cụ lầm rầm khấn kêu đức Ngài lên.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Vào dịp tháng Bảy ổi và nhãn là thứ chúng tôi được thưởng thức đầu tiên. Hương ổi thơm tỏa khắp bờ ao. Những quả ổi găng mỡ màng, cắn ngập chân răng, bên trong màu hồng hồng bày ra để chúng tôi cứ việc ngồi trên cây ăn thỏa thích.

Có khi, chị tôi mang mấy chiếc vó ra thả để kiếm tép ăn. Chị cho ít cám rang vào vó và thả xuống gần bờ. Tép rất thích mùi cám rang. Chỉ mấy phút sau cất lên đã có mớ tép trong đó.

Tép đổ ra cái rổ đậy ít cành tre nhỏ lên trên cho khỏi nhảy ra ngoài. Thi thoảng cất được cả cá cờ, niềng niễng, cà cuống… Cá cờ tôi đem thả vào chiếc lọ thủy tinh, đuôi cá lượn lờ sắc đỏ pha tía trông thật vui mắt. Niềng niễng màu đen, vỏ cứng thả vào nồi canh ăn vừa ngậy vừa bùi. Còn cà cuống đem nướng lên rồi dằm nước mắm vị cay và thơm, nếu có bánh ướt (bánh cuốn) chấm thì không gì hợp bằng.

Thế mà đã mấy chục năm qua tôi không còn thấy một con cà cuống hay niềng niễng, chúng chỉ còn trong kí ức tuổi thơ chúng tôi.

Rồi vào dịp tháng Bảy, tháng Tám âm lịch, trời thường mưa to, nước lớn, lúc đó cũng vào vụ đánh lờ bóng, lờ rô. Lờ bóng đan mắt cáo hình trụ, đường kính khoảng 40,5 cm, có hom ở hai đầu, thường thả ở máng ao chỗ nước chảy ra vào, có khi đón được cá chuối (cá quả), cá chép, cá diếc… Lờ cá rô hình tháp, dưới đáy có hom, đầu trên buộc lại. Mồi để đơm lờ cá rô thường là thóc ngâm nước gạo để mấy ngày có mùi thum thủm. Đơm lờ cá rô khó hơn, phải chọn nơi đất cứng, nước cạn ở ria ao, khoét một hốc bằng bát con lại để ngách nhỏ cho cá vào ăn rồi thả mồi, đặt lờ lên hốc đó và dùng que giữ cho chặt. Mỗi ngày đổ lờ một lần rồi lại cho mồi mới đơm tiếp.

Khoảng hai chục năm lại đây, do nhu cầu xây dựng nhà ở tăng cao nên nhiều ao gia đình phải lấp đi, nhiều ao làng khác bị xâm lấn, thu hẹp diện tích, nhất là nơi đô thị hóa mạnh, nhiều nhà cao tầng, hàng quán xung quanh ao đã phá vỡ cảnh quan truyền thống của ao làng.

May thay, ao làng tôi vẫn giữ được dạng nguyên sơ của nó. Đó là không gian tuổi thơ của chúng tôi. Mỗi lần về quê gặp lại ao làng, tôi lại được trở về với những gì thân thuộc, bình yên nhất của lòng mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ