Đến với bài thơ hay:

'Làng xưa giờ nơi nao?'

GD&TĐ - Làng quê, hồn quê, tình quê trở thành nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn các thi sĩ.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Vương Trọng

Làng trong chiêm bao

Vườn rậm rạp tiếng chim

Mái nhà gianh lấp ló

Khói thơm mùi rạ, rơm.

Đường cau, tràn vệ cỏ

Một lối mòn nho nhỏ

Người đi, bàn chân sương.

Bước xa, đầu ngoái lại

Tán cây đa ngàn tuổi

Ấm lòng kẻ ly hương...

Về quê, hồn thảng thốt

Làng xưa giờ nơi nao?

Nhớ thương, chỉ còn cách

Lần tìm trong chiêm bao.

Nhưng cùng với thời gian và sự phát triển chóng mặt của quá trình đô thị hóa, nét quê và hồn quê cũng dần phai nhòa để lại những nhớ thương, tiếc nuối. Trong mạch cảm xúc ấy, nhà thơ Vương Trọng viết bài thơ “Làng trong chiêm bao” như đưa người đọc trở về với vẻ đẹp thuần hậu, giản dị, mộc mạc của làng quê Việt Nam bao đời nay.

Người Việt phần nhiều được sinh ra và lớn lên, gắn bó máu thịt với làng quê nên trong tâm thức mỗi người, làng là hồn quê, tình quê. Làng là cội nguồn, là gốc rễ nên khi ta lớn lên, đi khắp chân trời góc bể cũng chẳng thể nào quên cây đa, giếng nước, sân đình, triền đê, ngõ xóm, mảnh vườn thân quen... và cả lời ăn tiếng nói, phong tục, lề lối của người làng mình. Bài thơ “Làng trong chiêm bao” của nhà thơ Vương Trọng đã đánh thức trong tâm hồn nhiều người những kí ức khó phai về quê hương mình. Bài thơ có bốn khổ thì ba khổ đầu, mỗi khổ chỉ có ba câu thơ, cô đọng, hàm súc mà ngân vang:

“Vườn rậm rạp tiếng chim

Mái nhà gianh lấp ló

Khói thơm mùi rạ, rơm”.

Mở đầu là những hình ảnh bình dị, thân thương biết bao: Khu vườn rậm rạp tràn ngập âm thanh của tiếng chim, mái nhà gianh lấp ló trong làn khói tỏa: “Khói thơm mùi rạ, rơm”. Câu thơ đánh thức những kỷ niệm tuổi thơ, gợi nhớ nơi nhiều người đã từng được sinh ra, gắn bó và lớn lên bên vườn tược, cây cối và mái nhà nhỏ bé, đơn sơ với căn bếp ngập khói, đọng mùi rơm rạ đến tận sau này. Làng quê xưa mộc mạc nhưng đẹp lắm, đáng yêu lắm:

“Đường cau, tràn vệ cỏ

Một lối mòn nho nhỏ

Người đi, bàn chân sương”.

Hình ảnh đường cau với những thân cây thẳng tắp là hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam bao đời nay. Nhà thơ nhắc đến đường cau, vệ cỏ, lối mòn nhỏ... là nhắc đến những gì gắn bó với người quê một thuở, gần gũi như máu thịt, bàn chân đi đi, về về. Nhưng rồi, con người trưởng thành, đi xa, bước ra khỏi lũy tre làng, dù lòng có nuối tiếc, có lưu luyến thì đó cũng là quy luật tất yếu trong hành trình đi lên của cuộc sống.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Làng nhỏ bé quá, bình yên quá chẳng thể chứa nổi ước mơ và hoài bão cao đẹp của bao người. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thế hệ sau lớn khôn và ước vọng lớn lao hơn thế hệ trước. Người quê rời xa làng để vươn tới những chân trời mới, đặt chân đến những “miền đất hứa”, bỏ lại sau lưng “Tán cây đa ngàn tuổi” mãi thủy chung, vững vàng đứng đợi người trở về:

“Bước xa, đầu ngoái lại

Tán cây đa ngàn tuổi

Ấm lòng kẻ ly hương...”

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh thật tinh tế khi cho rằng: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Vì lẽ đó, tấm lòng, tình cảm gắn bó máu thịt của Vương Trọng với quê hương luôn hiện hữu trong những câu thơ đầy ắp hình ảnh gần gũi, thân quen về cuộc sống nơi thôn dã: Từ mảnh vườn đến mái gianh nghèo, mùi rơm rạ, ngõ nhỏ... đến “cây đa ngàn tuổi”. Tất cả đều mộc mạc, nên thơ qua những hồi tưởng của nhà thơ.

Thế nhưng, đọc đến khổ cuối, người đọc mới giật mình: Hóa ra, tất cả chỉ là chiêm bao, hồn quê xưa chỉ còn trong nỗi nhớ, trong niềm thảng thốt khôn nguôi của “kẻ ly hương”, nay trở về, giật mình mà thốt lên rằng:

“Về quê, hồn thảng thốt

Làng xưa giờ nơi nao?

Nhớ thương, chỉ còn cách

Lần tìm trong chiêm bao”.

Hồn người đi xa trở về quê cũ, thảng thốt tìm hồn làng với câu hỏi tu từ đau đáu, trở trăn: “Làng xưa giờ nơi nao?”. “Làng xưa” phải chăng là những gì vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa nhỏ bé vừa lớn lao, vừa rất riêng vừa hòa vào tất cả. Còn đâu nữa mái gianh tỏa khói rạ rơm. Còn đâu nữa hàng cau cao vút hay lối mòn nhỏ thân quen... Vương Trọng không hề nhắc đến sự đổi thay của làng nhưng ai cũng tự hình dung được sự thay da đổi thịt của quá trình đô thị hóa. Làng xưa giờ lên phố, nhà tầng kín cổng cao tường, ngõ nhỏ đổ bê tông... Hụt hẫng, buồn hay tiếc nuối?

Hai câu thơ cuối “Nhớ thương chỉ còn cách/Lần tìm trong chiêm bao” không chỉ gợi được cảnh quê xưa mà còn diễn tả chân thành và xúc động hồn quê bình dị mà thiêng liêng, sâu nặng trong tâm hồn nhà thơ, cũng là nỗi niềm sâu kín của bao người sinh ra từ làng rồi ly hương để mưu sinh. Càng xa cách, nỗi nhớ và tình yêu quê hương càng đau đáu, khắc khoải.

Bài thơ “Làng trong chiêm bao” của nhà thơ Vương Trọng đã gửi đến người đọc một thông điệp sâu sắc, đầy tính nhân văn: Dù có đi đâu thì hãy luôn nhớ về làng quê của mình và luôn đặt quê hương thân thương ở vị trí trung tâm của trái tim, của kí ức, bởi “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người” (Đỗ Trung Quân). Bài thơ đã bồi đắp cho mỗi chúng ta lòng yêu quê hương, gợi nhắc chúng ta mãi nhớ về nguồn cội. Dù cuộc đời có “vạn biến” thì tình quê là bất biến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.