Thằng An nhảy chân sáo, vừa về đến cổng đã rối rít gọi:
- Ông ơi! Ông có nhà không ạ?
Ông Vũ mắt rời trang sách, buông bút, gỡ kính nhìn ra:
- Ông đây! Ông đây! Có gì mà mướt mát mồ hôi, nói không cả ra tiếng thế cháu! Vào đây, vào đây với ông nào!
An, và theo sau nó là lũ trẻ cùng xấp 5, 6 tuổi như nó, đứa cháu ông, đứa hàng xóm, kéo vào. Ông ngạc nhiên, đứng dậy thu xếp chỗ ngồi cho các cháu.
- Nào! Có gì vui nào, các cô cậu kể cho lão nghe với! Hay là đánh đấm, kiện tụng nhau cần ông phân giải?
Vẫn tiếng láu táu của cu An:
- Không! Không đánh, cãi nhau ạ. Chúng con vừa ở ngoài miếu làng về! Lạ lắm, gai gai hết cả người nữa cơ!
Ông Vũ tò mò nhìn lũ trẻ, khích lệ:
- Thế à! Kể ông nghe!
Vẫn tiếng thằng An:
- Chúng cháu thấy một đoàn đông lắm, chắc phải ba bốn chục người vào miếu làng. Toàn người già! Có người đi bộ, đi xe đạp, đi xe máy, lại có người đi bằng xe con đến. Mặc đẹp và sang trọng lắm!
Có ông bà tóc bạc như mây trắng. Có bà lưng còng. Có ông đầu đội mũ tây, tay chống gậy, à cái gậy ông bảo cháu các cụ gọi là ba toong ấy. Nhưng có ông tóc vẫn đen, cổ thắt khăn, chân lộp cộp giày da.
Ông nhìn các cháu, mắt nheo nheo:
- Thì có gì lạ! Miếu làng ta luôn có người đến viếng thăm. Từ ngày phục dựng, lòng miếu rộng nên bốn năm chục người có thể cùng đứng bên nhau hành lễ.
Con bé Bích nhỏ nhẹ:
- Dạ! Chúng con cũng đã để ý biết thế! Nhưng hôm nay thì lạ lắm ạ!
Lũ trẻ rào rào:
- Lạ lắm ạ!
Ông Vũ ngạc nhiên:
- Là sao?
Bích nói mà như thầm thì:
- Dạ! Thưa ông! Các ông bà ấy đem lễ vào miếu, đứng nghiêm trang lắm! Một ông tóc bạc, hình như là cụ giáo Tuất làng ta, lên thắp hương rồi tất cả mọi người chắp tay, cúi đầu vái lạy.
Với mọi đoàn, thế là xong, là ra về nhưng đoàn này lại ở lại. Họ ngồi vòng quanh cụ giáo và đồng thanh hát. Có bài hát xa lắc xa lơ của chúng cháu. Có cả các bài cháu nghe trầm hùng lắm, cháu nhớ có tiếng Điện Biên, rồi Tây Bắc...
Ông Vũ ngắt lời bé Bích:
- Có phải có câu “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về” và “ Qua miền Tây Bắc núi ngút ngàn trùng xa”, không cháu?
Lũ trẻ lao xao:
- Có! Có ạ! Ông tài thế, ở nhà mà cũng biết!
Thằng cu An nhà ông lại làm điệu bộ:
- Ông ơi! Lại có mấy ông đứng lúc cúi đằng trước, lúc ngửa ra sau, hai tay như cầm giây, miệng hô: Hò dô ta nào!
Ông gật gật:
- À! Các ông ấy đang diễn ca bài “Hò kéo pháo” đấy! Thế là ông biết họ là ai rồi!
Lũ trẻ lại nhao nhao:
- Họ là ai hả ông? Chúng con có nhận ra mấy ông bà thôi!
Nét mặt ông Vũ rạng rỡ:
- Họ là người làng mình cả đấy! Các cụ gọi họ là thế hệ vàng, là tinh hoa của làng. Trong đoàn người ấy, đa số đều là trí thức, là công nhân, nông dân có tài, có đức, danh tiếng cả đấy! Có người là tướng, là tá.
Có người nguyên là cán bộ to ở Thủ đô, ở tỉnh, ở huyện. Họ rất có tâm với làng! Này các cháu, cái cổng làng mình bề thế là thế là do họ bảo nhau đóng góp xây dựng.
Miếu thành hoàng làng, các cháu vừa ra xem về ý, một thời hoang phế lắm, chính là do họ khởi tâm, khởi của, xin phép chính quyền và cùng cả làng phục dựng, cũng tốn nhiều tiền bạc và công sức lắm mới được đẹp, được lớn như bây giờ! Miếu làng ta là di tích lịch sử văn hóa, có cả tấm lòng của một vị giáo sư, anh hùng chưa có điều kiện về làng mà đã gửi đôi câu đối tặng.
Trong Nam, ngoài Bắc nhiều người dân thường, nhiều người nổi tiếng đã đến thắp hương. Làng ta, nhờ đó cũng đã trở thành điểm du lịch tâm linh để nhiều người tìm đến!
Lũ trẻ vỗ tay rào rào:
- Tự hào quá, làng ta! Tự hào quá người làng ta!
Ông Vũ lấy bánh kẹo ra “khao” lũ trẻ. Đợi lũ trẻ bớt ồn ào, ông mới thủ thỉ:
- Ông nói tiếp về đoàn người các cháu vừa gặp nhé! Dịp khác, ông sẽ kể về thành tích của từng ông bà. Ông chỉ nói gọn thế này: Các ông bà ấy, người đã hy sinh ở chiến trường, người còn sống, sống ở làng hay Thủ đô, tỉnh bạn, thành phố tỉnh ta đều là những người đẹp, đều là gương sáng. Ông chỉ nói về cái ngày xửa, ngày xưa của họ.
Không gian như lắng lại. Yên lặng. Lũ trẻ chăm chú lắng nghe.
- Nghe các cháu kể, miêu tả đoàn người, ông biết ngay đây là lứa học sinh lớp 1 đầu tiên của làng ta ngay sau kháng chiến chống Pháp, hòa bình được lập lại.
Lớp do cụ giáo Tuất dạy đấy! May mắn thế, cụ Tuất vẫn còn khoẻ, minh mẫn để quây quần bên trò, người ít cũng 75 tuổi rồi! Có lẽ được vào cấp 1 trong năm có dấu mốc lịch sử ấy, và cũng do học sinh lớp ấy sau này đều nên người, nên lớp này, mà đến vài chục năm nay, họ thành lập và duy trì hoạt động hội lớp! Họ về họp lớp đấy, hàng năm mà! Bao giờ cũng vậy, họ họp ở miếu, thắp hương thành hoàng và hát vang các bài ca họ hát hồi lớp 1, cấp 1.
Hội lớp 1 của những người sắp 80 tuổi, kỳ lạ không nào các bạn lớp 1 đang ngồi đây?
Lũ trẻ lại ồn ào, có đứa reo thật to, vỗ tay thật to, thán phục.
- Làng ta ngày ấy nghèo lắm. Ăn còn đói, mặc còn rách. Nhưng hiếu học thì cũng nổi tiếng không kém làng nào! Xã xin mở trường cấp 1, học sinh thì có - có cả học sinh học trong “bóng tối” nghĩa là học lén lút kẻ địch, cả học sinh được bố mẹ gửi học nơi xa, có vài chục học sinh đủ điều kiện vào lớp 1 nhưng lớp học không có! Xã, làng dành ngôi miếu để cho lớp 1 học!
May mắn là miếu xập xệ, ẩm thấp, nhưng rộng, đủ độ sáng, nếu mở toang cửa ra vào và cửa sổ. Hậu cung thờ thành hoàng, bên ngoài là lớp học. Bàn học bố mẹ tự đóng cho con mình, không có thì lấy thúng úp xuống làm bàn hoặc hai, ba người chung nhau cái chõng tre.
À! Không hiểu thúng với chõng tre à? Nôm na thế này, đó là đồ làm từ tre. Thúng để đựng thóc, gạo to hơn cái rổ nhựa bây giờ. Chõng để làm bàn ngồi uống nước, cũng có khi để ngả lưng. Lại nói chuyện ngồi học thời ấy. Ngồi bệt xuống nền miếu mà viết, mà kẻ!
Các cụ và các thầy chỉ nhắc học sinh: Không được làm ô uế chốn linh thiêng, nghĩa là cấm văng tục, chửi bậy, cấm đánh, cãi chửi nhau, cấm đi vệ sinh gần miếu (có đánh dấu vạch giới hạn). Về nhà, bố mẹ, ông bà còn đe: Nếu làm trái điều nhắc nhở, thành hoàng sẽ vặt cổ! Hãi không, khiếp không các bạn?
Bầy trẻ xích gần nhau, mắt chớp chớp. Tiếng ông Vũ vẫn trầm ấm:
- Đấy! Ở ngôi miếu ấy, lũ trẻ (à, các ông bà bây giờ) được học những bài đầu tiên, được chào đón vào lớp 1 và được hát, múa những bài của kháng chiến, của hòa bình! Vừa rồi, các ông bà ấy hát “Giải phóng Điện Biên”, “Qua miền Tây Bắc” và cả bài hát ca ngợi sản xuất: “Sáng hôm nay, anh tôi vác cuốc; vác cuốc ra thăm đồng. Anh cuốc như thế này rồi cuốc như thế kia. Như thế này là như thế kia...”.
Như thường lệ, họp lớp là các ông bà họp ở miếu, nơi xưa họ học; họ thắp hương thành hoàng và ca vang các bài ca năm xửa, năm xưa. Họ gom góp xây dựng quỹ khuyến học hoặc công trình của làng. Ít nhiều tùy tâm, tùy điều kiện.
Ông Vũ vừa làm động tác vừa hát khiến lũ trẻ nghiêng ngả cười.
Đợi lũ trẻ lắng tiếng cười, ông Vũ hỏi:
- Các cháu đã được nghe ông bà, bố mẹ kể về sự tích và những câu chuyện xung quanh miếu làng mình chưa?
Lũ trẻ nhìn nhau rồi nhìn ông; đứa gật, đứa lắc đầu. Ông chăm chú theo dõi rồi thủ thỉ:
- Ừ! Ông biết có cháu đã được nghe, có cháu chưa. Rồi các cháu sẽ được nghe. Các cháu may mắn hơn các ông là được học ở trường đẹp, lớp đẹp, sách vở, bút giấy đủ đầy nhưng có thể các cháu chưa được ai kể chuyện làng đến nơi đến chốn. Ờ! Muốn lớn thì phải lớn lên từ làng, phải thấm huyền thoại làng.
Nói xong câu ấy, ông ngừng. Chà! Mình triết lý rồi! Nói thế này, tụi nhỏ hiểu sao được. Ông mỉm cười:
- Các ông bà học lớp 1 ở miếu ấy may mắn là được học sử làng, sử nước ở ngay miếu, ở chính người làng. Cứ ngày rằm mồng một, các cụ trong làng ra thắp hương, dâng lễ là các học trò được thụ lộc và nghe chuyện miếu thần.
Thầy nhờ các cụ kể khi hết giờ học. Chả đứa nào thấy đói dù trưa trật; chả đứa nào sợ ma dù xâm xẩm tối. Câu chuyện cuốn hút và đem theo bao trí tưởng tượng diệu kỳ đến với chúng. Ôi! Thì ra miếu này thờ người thật! Này nhé, ngay sau lưng miếu là mộ thật to, rêu phong cổ kính; mộ các ngài đấy!
Và đây, tờ sắc phong (bấy giờ lũ trẻ có hiểu nghĩa của chữ này đâu!) của vua ban cho làng dựng miếu làm nơi thờ các ngài! Vài nghìn năm trước, các ngài, đầu tiên là người cha, sau là vợ và các con từ ở phương xa, được nhà vua cử đến đất này, sinh sống và giữ gìn đất nước cùng dân làng! Ngài dạy dân học chữ, canh tác.
Khi giặc phương Bắc xâm lấn nước ta, ngài và bốn người con trai xung trận. Ngài được vua phong là Đại vương, bốn người con cũng là bốn tướng quân. Phu nhân ngài lo cung ứng lương thảo. Họ đánh giặc cả trên bộ lẫn dưới nước. Cưỡi ngựa hoặc đi thuyền chiến.
Cha con ngài liên tiếp lập công. Trận quyết chiến, ngài và các con đã anh dũng ngã xuống sau khi giặc xâm lăng đã bỏ chạy. Phu nhân tuẫn tiết theo ngài. Bà con làng ta đã đón họ về làng để an táng. Làng dành hẳn một khu đất cao, thoáng, rộng, đắc địa để làm nơi ngài và gia đình an nghỉ và lập miếu thờ.
Cả làng, già, trẻ thắt khăn xô, khóc không cầm nước mắt, góp gà, lợn, gạo dâng cúng. Ngày hạ huyệt, trên trời vần vụ mây đen, tiếng sấm rền vang, mưa ào ào trút xuống. Chỉ một thoáng thôi, ánh sáng lại chan hòa, trời xanh ngăn ngắt, bỗng đâu một quầng mây trắng tụ lại, yên trên bầu trời.
Dân làng ngẩng đầu chắp tay, người sụp xuống cúng vái: Đám mây tía mồn một rõ hình Đại vương, phu nhân và các tiểu tướng, các con ngài - uy nghi lẫm liệt mà hiền từ.
Các nấm mồ đắp xong xuôi, đẹp đẽ, đám mây trên trời cũng nhẹ nhàng, thong thả bay đi. Từ ấy, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ, gia đình ngài lại về, trên bầu trời xanh trong ấy. Các ngài là thần hoàng làng ta ngay từ năm ấy!
Ông yên lặng. Bọn trẻ như chợt tỉnh:
- Ông ơi! Hay quá! Ly kỳ quá, ông ơi!
Ông chiêu ngụm nước, cân nhắc: Có nên kể cho lũ trẻ mấy chuyện này không? Đó là những chuyện thật đã khoác áo kỳ bí. Thật ra, là người làm khoa học, với người lớn, ông có thể vừa kể vừa cắt nghĩa, nhưng với lũ trẻ, đưa cho chúng cách nhìn tâm linh là không đúng nhưng rành rẽ khoa học thì chúng khó tiếp nhận.
Thôi cứ kể, để màu huyền thoại lung linh với chúng như Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, Sọ Dừa sinh ra bởi bà mẹ uống nước trong chiếc sọ khô..., lớn lên chúng tự hiểu. Biết đâu từ những câu chuyện này, chúng cũng lớn lên như các thế hệ ông, cha.
- Như ông đã nói, có thời kỳ miếu Đại vương hoang tàn lắm. Rồi người ta còn phá dỡ gần hết. Các ông bà lớp 1 năm đầu hòa bình ấy, xin phép làng xã và chạy cả tỉnh huyện gióng dựng và hô hào mọi người, lớp các ông và các lớp sau, cả dân làng đang ở đây hay ở nơi xa, xây mộ gia đình Đại vương, làm lại miếu thờ.
Hôm khánh thành lăng mộ và miếu thờ, làng mở hội. Cắt băng khánh thành xong, một đoàn ăn mặc thật đẹp, như quan quân xưa, khênh thuyền mã từ miếu, cứ chiếu đường thẳng rước ra sông Trà, lúc đi trên đường, trên vườn, trên ruộng, lúc lội dưới ao. Dân làng và khách thập phương nô nức diễu theo sau.
Thật diệu kỳ là lúc đoàn rước sắp đến ao thì cá dưới ao nổi lên, bơi từng vòng tròn, lội xuống ao thì từng đợt, từng đợt cá tung mình khỏi mặt nước, hết lớp này đến lớp khác, lấp lóa vảy bạc, vảy vàng. Thuyền đi qua, mặt nước ao bằng lặng trở lại, cá cũng không còn nổi.
Đến bờ sông Trà, thủ tục hóa thuyền chiến diễn ra. Thật lạ nữa là từ đâu hai con cá heo bơi đến gần bờ, nhô hẳn đầu lên như chào đón hay cảm ơn. Ông nói lạ là loài cá này vốn sống ở biển, ở vùng nước mặn mà sông Trà là con sông nước ngọt, từ nơi cá bơi ra đến cửa biển chừng bốn, năm mươi cây số! Thế là, cùng với người làng ta, người dân tỉnh nhà từ khắp nơi kéo đến đứng dọc hai bên bờ sông hò reo, chiêm bái.
Hai con cá heo lúc ở bên này, khi ở bên kia bờ sông, suốt một ngày trời, hôm sau xuôi vào sâu nữa, dừng lại vùng phát tích nhà Trần, sau đó mới thong dong ngược về với biển.
Lũ trẻ rối rít:
- Ông ơi! Chuyện vui và hồi hộp như ở trong phim, ông nhỉ?
Ông trầm ngâm:
- Ừ! Chuyện làng ta đấy! Chuyện của các ông lớp 1 khóa đầu đấy. Mỗi lần về họp lớp, hoặc hội làng, các ông bà ấy còn nhắc nhau nhớ lời thầy Tuất dạy xưa: Làng ta nghèo, làng ta yêu người và khí phách, các con phải thoát nghèo, phải giàu! Giàu cho các con, giàu cho làng! Các con phải lớn và giúp làng rạng danh!
Lại thằng An láu táu:
- Ông ơi! Thế thì con hiểu vì sao các ông bà lớp 1 vừa lễ ở miếu đều là người tài, người oai rồi!
Ông xoa đầu An rồi âu yếm nhìn lũ trẻ:
- Mà này các cháu! Không phải chỉ các ông bà lớp 1 đầu tiên hiểu chuyện miếu thần và trưởng thành đâu nhé! Các lớp sau, rất nhiều người giỏi giang, nhân hậu đấy!
Thằng cu Nghĩa vốn từ đầu chỉ ngồi lắng nghe, bỗng lên tiếng:
- Như ông, ông nhỉ? Bố cháu bảo ông siêu lắm! Ông viết bao nhiêu là sách!
Ông ngại ngần:
- Cái thằng! Thật hóm! Ông chưa là gì đâu nhé!
Ông cười, lũ trẻ cùng rộ lên tiếng cười. Tiếng cười của ông và các cháu hòa vào nhau, như một bản giao hưởng trữ tình, hào sảng, lan xa, thật xa...