Áo dài Việt - Cầu nối trong quảng bá du lịch

GD&TĐ - Áo dài đã đi sâu vào lòng người dân Việt và là một biểu tượng văn hóa dân tộc của người Việt Nam. Trải qua thời gian, bộ trang phục truyền thống áo dài vẫn tồn tại và phát huy được thế mạnh của mình trong đời sống văn hóa. 

Áo dài Việt - Cầu nối trong quảng bá du lịch

Những năm gần đây, những cách tân, “cải cách” vô độ trên tà áo dài khiến công chúng lên án mạnh mẽ. Làm thế nào để áo dài tránh khỏi “thảm họa thời trang” và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo là băn khoăn được chia sẻ tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của Áo dài trong du lịch” vừa diễn ra tại di tích Hoàng thành Thăng Long.

Vẻ đẹp của cội nguồn

Tại Hội thảo, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết, mỗi một mẫu thiết kế, mỗi một bộ sưu tập, mỗi một hình ảnh… trong Festival Áo dài là một câu chuyện sinh động về áo dài. Hội thảo này với mong muốn được làm sáng tỏ lịch sử hình thành và phát triển của tà áo dài. Qua đó để thấy rõ, tà áo dài không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ, là di sản văn hóa cốt lõi mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo. Và cũng thông qua đó để cho người dân cả nước và bạn bè thấy được Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng không chỉ là một đất nước thanh bình và giàu đẹp; Thủ đô không chỉ thanh lịch qua lời ăn tiếng nói, cách ứng xử mà còn thanh lịch qua trang phục.

NSND Hoàng Cúc cũng chia sẻ rằng, tà áo dài gắn liền với những kỷ niệm đi suốt cuộc đời nghệ sỹ. Lần mang bộ phim Kiếp phù du đi trình chiếu tại một liên hoan phim ở Pháp, chị đóng vai chính, khán giả ồ lên thích thú, reo “Việt Nam” khi tà áo dài xuất hiện trong khán phòng khiến chị vô cùng tự hào. Ở một liên hoan phim khác tại Tiệp Khắc cũ, những người chấm giải nói nếu diễn viên chính Hồi chuông màu da cam có mặt tại liên hoan sẽ trao giải nữ diễn viên xinh đẹp nhất. “Có lẽ chỉ vì tà áo dài trong phim!”. “Với tôi áo dài là một biểu tượng khẳng định chủ quyền Việt Nam và là vẻ đẹp cội nguồn của dân tộc” - Hoàng Cúc nói.

Tại Hội thảo, NSND Trà Giang cũng kể câu chuyện, có lần bà được cử theo đoàn Điện ảnh Việt Nam đi dự liên hoan phim ở Moskva. Trong buổi khai mạc, khi vừa diện áo dài bước lên thảm đỏ thì bao ống kính máy quay chĩa hết vào mình. Lúc đó, dù nhiều người chưa biết Việt Nam cũng có tham gia liên hoan phim nhưng nhìn thấy tôi mặc áo dài họ đã kêu tên “Việt Nam”. Trong giây phút đó tôi cảm thấy tự hào vô cùng.

Sản phẩm du lịch độc đáo

Những cách tân, “cải cách” vô độ trên tà áo dài những năm gần đây khiến công chúng không ít lần “nhức mắt”. Sắc màu lòe loẹt, kiểu dáng quái lạ, kết hợp không giống ai… đã biến nhiều áo dài trở thành tâm điểm chú ý giữa nhiều đám đông hiếu kỳ. Nhiều người đẹp diện áo dài “cách tân” theo xu hướng “quái lạ” đã nhận “gạch đá” không thương tiếc từ công chúng. Làm thế nào gắn kết chặt chẽ với người làm du lịch nhằm tạo ra những bộ áo dài thật sự là sản phẩm du lịch độc đáo, tránh thảm họa thời trang là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo.

Nhà thiết kế Lan Hương cho rằng, muốn khắc phục được “thảm họa áo dài” trước hết nhà thiết kế phải thực sự xem việc thiết kế áo dài là sáng tạo nghệ thuật. Và tuyệt đối không được thỏa hiệp hoặc dễ dãi với khách hàng.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch Transviet, muốn quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài bên cạnh danh thắng, chúng tôi đều gắn với hình ảnh phụ nữ mặc áo dài. Bạn bè quốc tế rất thích, nhưng ngoài đồng phục tiếp viên hãng hàng không quốc gia, còn lại trên đường, tại các cửa hiệu không nhiều áo dài.

Ông Đạt đề xuất, nên biến không gian phố đi bộ cuối tuần thành điểm quảng bá áo dài, với lời kêu gọi và khuyến khích người dân, học sinh sinh viên, du khách mặc áo dài. Chẳng hạn dựng cảnh chụp ảnh miễn phí cho người dân, tạo điểm thuê áo dài cho du khách chụp ảnh, thậm chí có nơi bán cho du khách làm quà, tổ chức trình diễn áo dài gần bờ hồ.

Theo ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, trang phục truyền thống của mỗi quốc gia đều ẩn chứa những tinh hoa văn hóa đặc sắc, có khả năng khơi gợi cảm xúc, mong muốn khám phá của khách du lịch khi đặt chân đến một đất nước. Nếu như Hàn Quốc có Hanbok, Nhật Bản có Kimono, Scotland có váy Kilt... thì Việt Nam được biết đến với tà áo dài duyên dáng.

Áo dài đại diện cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, e lệ nhưng lại ẩn chứa nét đẹp yêu kiều, căng tràn sức sống. Để chuyển tải được câu chuyện hấp dẫn này, nhà du lịch đóng vai trò tổng hợp, chuyển tải thông tin, là cầu nối giữa những sản phẩm du lịch đặc sắc của Hà Nội, của đất nước với du khách bốn phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ