Nước thải đô thị ở Việt Nam: Tại sao 87% chưa được xử lý?

GD&TĐ - Bộ Xây dựng cho biết với gần 1.000 đô thị nhưng hiện chỉ có khoảng 13% nước thải đô thị ở nước ta được xử lý. Như vậy, gần 90% nước thải đang xả ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe dân thành thị. Tại sao nước thải đô thị ở Việt Nam lại được xử lý ít như vậy?

Cống xả thải trực tiếp xuống đoạn sông Tô Lịch nơi Cầu Giấy làm ô nhiễm dòng nước. Ảnh: TG
Cống xả thải trực tiếp xuống đoạn sông Tô Lịch nơi Cầu Giấy làm ô nhiễm dòng nước. Ảnh: TG

Cả nước mới xử lý được 13% nước thải đô thị

Tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã khiến cho Việt Nam phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có xử lý nước thải. Điều đáng nói là hệ thống xử lý nước thải đô thị chưa hiệu quả, số lượng ít, chủ yếu vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh như hồ, ao, sông...

Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: “Hiện nay, cả nước mới chỉ có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt ở mức thấp, chiếm khoảng 13%”.

Thực tế, ở Thủ đô Hà Nội tuy đã có 6 nhà máy xử lý nước thải hoạt động với công suất từ 2.300 m3/ngày đêm 200.000 m3/ngày đêm, nhưng cũng mới chỉ xử lý được khoảng 22% tổng số lượng nước thải của toàn thành phố mỗi ngày.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, lượng nước cấp khoảng 1.850.000 m3/ngày, ước tính nước thải phát sinh mỗi ngày có 1.579.000 m3. Vậy mà địa phương này cũng chỉ xử lý được có 370.624 m3, đạt tỷ lệ 21,2%, tức còn thấp hơn cả Hà Nội. Như vậy, cả hai thành phố lớn nhất cả nước gần 80% nước thải không qua xử lý đã xả thẳng ra môi trường.

Ngoài ra, hiện Thành phố Hồ Chí Minh còn có hơn 4.200/4.335 cơ sở sản xuất công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, chiếm 96%. Với 121 bệnh viện nhưng 100% bệnh viện đều có hệ thống xử lý nước thải với tỉ lệ nước thải được thu gom đạt 98,94%.

Nước thải từ các hộ dân cũng như các nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất bấy lâu nay vốn xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch, biến nó thành dòng sông chết, mặc dù cách đây khoảng 30 năm, người dân còn tắm sông. Đây là nguyên nhân chính lý giải tại sao 70 - 80% sông, hồ, ao ngày càng ô nhiễm nặng. Sau gần nửa năm thử nghiệm đưa công nghệ Nhật Bản vào xử lý 300 m ô nhiễm sông Tô Lịch và một phần Hồ Tây vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi.

Đâu là giải pháp?

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC), Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: “Muốn làm sạch sông Tô lịch thì phải chặn được nguồn xả thải vào sông. Việc giải quyết vấn đề ô nhiễm trên mặt sông mới chỉ là phần ngọn.

Do vậy, sau khi giải quyết xong, nước bẩn lại xả vào sông thì sông lại ô nhiễm. Chính vì thế, người ta đưa ra công nghệ vào mới chỉ xử lý phần ngọn, còn lâu dài chúng ta phải khắc phục, phải chặn từ nguồn. Cụ thể, phải thu gom nước thải, sau đó mới xử lý chứ không nên xả thẳng vào sông Tô Lịch như hiện nay”.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh bấy lâu nay chống ô nhiễm cho sông Sài Gòn bước đầu đem lại kết quả khả quan . Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng hai đường ống thu gom nước thải từ trong khu dân cư chảy ra, chạy dọc hai bờ sông chứ không cho xả thải trực tiếp xuống dòng sông.

Vì thế, nước thải từ dân cư đã qua xử lý. Thành phố Hồ Chí Minh dùng biện pháp thau rửa, dùng nước sạch cho chảy vào dòng. Hơn nữa, hàng năm nước thủy triêu lên xuống, góp phần thay đổi dòng nước của thành phố”.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng thừa nhận tiến độ thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải còn chậm và kéo dài. Vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước rất lớn, trong khi huy động từ nguồn xã hội hóa khó khăn. Hiện còn 12 dự án cần được triển khai thực hiện.

Xử lý nước thải đô thị đang là bài toán khó đối với Việt Nam hiện nay. Trong khoảng 15 năm qua, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, với sự hiện diện của hơn 800 đô thị đã thực sự trở thành gánh nặng môi trường cho người dân, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội khi hạt bụi mịn vượt quy chuẩn cho phép và mới chỉ khoảng 22% nước thải qua xử lý.

Rõ ràng, nếu không có những giải pháp khả thi thì ô nhiễm môi trường từ nước thải tại đô thị Việt Nam ngày càng trầm trọng, gia tăng bệnh tật và giảm chất lượng cuộc sống của người dân. Đây là đòi hỏi cấp bách với các cấp, ngành liên quan và cần sớm có câu trả lời để người dân yên tâm lao động và sinh sống.

Theo kế hoạch, đến năm 2020 nếu thành phố Hồ Chí Minh khánh thành thêm 3 nhà máy thì 80% lượng nước thải sinh hoạt đô thị của thành phố sẽ được thu gom, xử lý. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank): Việt Nam cần tới 8,3 tỷ USD để cung cấp dịch vụ thoát nước cho khoảng 36 triệu dân đô thị vào năm 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.