Anh kêu gọi hỗ trợ học sinh bị đuổi học

GD&TĐ - Cha mẹ và giáo viên tại Anh đã kêu gọi sự hỗ trợ khi số liệu cho thấy, ngày càng nhiều trẻ nhỏ bị đuổi học. Đặc biệt, không ít trẻ trong số đó có nhu cầu giáo dục đặc biệt.

Các giáo viên cũng cần được hỗ trợ để phát hiện đâu là trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt.
Các giáo viên cũng cần được hỗ trợ để phát hiện đâu là trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt.

Chờ đợi sự hỗ trợ

Sam Bates lần đầu tiên bị đuổi khỏi trường khi lên 5 tuổi. Sau khi lên lớp 1, cậu phải vật lộn để ngồi yên, thường xuyên tỏ thái độ bực tức với nhân viên nhà trường và thậm chí đẩy đổ ghế. Sam bị đuổi khỏi trường trong một ngày.

Sau đó, cậu chỉ được phép trở lại trường hai giờ mỗi ngày, tách biệt khỏi các bạn cùng lớp, với sự hỗ trợ của một trợ giảng. Bà Amanda Bates - mẹ của Sam, hiện sống ở miền Đông nước Anh, cho biết: “Điều đó đã diễn ra trong bảy tháng, hai giờ mỗi ngày. Phương pháp đó thực sự không hiệu quả”.

Nữ phụ huynh từng tự hỏi, liệu Sam có thể quay lại lớp bình thường như bao bạn cùng lứa không. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn lặp lại trong một năm. Bà Amanda Bates hy vọng, Sam sẽ được học lại một năm cùng các bạn.

Tuy nhiên, đề nghị này đã bị từ chối. Thay vào đó, nhà trường đã đăng ký cho cậu bé tham gia “tài nguyên chuyên môn” của chính quyền địa phương - một giải pháp thay thế cho trường học chính thống. Song, theo bà Bates, danh sách chờ rất dài. Do đó, Sam không thể tiếp tục việc học.

Trước tình hình này, bà Bates quyết định chuyển con đến một trường học mới. “Mọi người nói với tôi rằng, cần để thằng bé tới trường”, nữ phụ huynh chia sẻ. Để đạt được mục tiêu này, bà Bates đã liên hệ với các dịch vụ xã hội và được giúp đỡ.

Tuy nhiên, Sam vô cùng lo lắng khi phải tới trường. Bà Bates cho biết, hiệu trưởng ở ngôi trường mới cũng khẳng định, cách duy nhất có thể giúp Sam là loại cậu khỏi danh sách lớp.

Thiếu chuyên gia tâm lý trong trường

Nữ phụ huynh Jane Harvey chia sẻ, đã quá muộn để con trai bà trở lại giáo dục chính thống.
Nữ phụ huynh Jane Harvey chia sẻ, đã quá muộn để con trai bà trở lại giáo dục chính thống.

Số trường hợp bị đuổi vĩnh viễn khỏi các trường tiểu học ở Anh đang tăng đều, từ 610 trẻ một năm vào năm 2010 lên 1.067 vào năm 2018 - 2019. Trong học kỳ mùa thu năm 2019 - thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát, dữ liệu được công bố cho thấy, số học sinh bị loại vĩnh viễn khỏi trường tiểu học đã tăng 20% lên 455 so với cùng kỳ năm trước.

Trong cùng kỳ, tỷ lệ này ở các trường trung học Anh cũng tăng 3%. Lý do phổ biến nhất mà các trường tiểu học đưa ra để loại học sinh khỏi lớp là “hành hung người lớn”, chiếm 41%. Tiếp theo là “hành vi gây rối thường xuyên” (30%) và hành hung một học sinh khác (10%).

Hiện tại, Sam đã bắt đầu năm học mới tại một tổ chức dành cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt - nơi bà Bates tin rằng sẽ phù hợp với cậu bé. “Nhiều trường học chính thống thực sự không biết cách hỗ trợ những đứa trẻ này và không có kinh phí. Trong thời gian chờ đợi nhiều tháng để gặp chuyên gia tâm lý giáo dục, chúng tôi không có sự hỗ trợ nào. Điều đó khiến tôi cảm thấy thực sự khủng khiếp. Tôi đã khóc nhiều đến mất ngủ”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Tình trạng không có đội ngũ chuyên gia tâm lý học giáo dục và thiếu ngân quỹ nhà trường có thể góp phần gây ra vấn đề. Nghiên cứu do Bộ Giáo dục Anh thực hiện vào năm 2019 cho thấy, có hơn 2/3 hội đồng nhà trường tại nước này không thể lấp đầy các vị trí tuyển dụng của nhà tâm lý học giáo dục (EP). Hai năm trôi qua, nhiều vấn đề vẫn tồn tại.

David Collingwood - Chủ tịch của Hiệp hội các nhà tâm lý học giáo dục, cho biết: “Ngày càng có nhiều phụ huynh cố gắng tiếp cận các kế hoạch chăm sóc và sức khỏe giáo dục. Vì vậy, càng dành nhiều thời gian để đánh giá những điều đó, chúng ta càng có ít thời gian để can thiệp sớm. Không phải tổ chức giáo dục nào cũng có đủ khả năng chi trả cho các chuyên gia tâm lý giáo dục”.

Cũng theo ông Collingwood, trước khi phải “thắt lưng buộc bụng”, chính quyền địa phương sẽ cung cấp cho các trường học một nhà tâm lý giáo dục. Tuy nhiên, sau đó, các mô hình tài trợ khác nhau xuất hiện. Do vậy, một số trường không có thời gian dành cho việc hỗ trợ tâm lý.

Không phải tất cả các phụ huynh đều nghĩ rằng, con họ có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Soraya Murphy sống ở West Midlands cho biết, nhà trường nơi con gái 8 tuổi của bà theo học đã thông báo rằng, cô bé sẽ bị đuổi học nếu vi phạm kỷ luật thêm một lần nữa.

Nhà trường cũng cho biết, con của bà Murphy nên theo học tại một tổ chức giáo dục đặc biệt. “Làm thế nào họ có thể nói điều đó khi con bé không có chẩn đoán cho bất cứ bệnh gì?”, bà Murphy chia sẻ.

Con gái của bà Murphy đã bị đình chỉ học lần đầu khi đá vào tường và đẩy một giáo viên. Nữ phụ huynh này chia sẻ, tất cả những gì hiệu trưởng nhà trường muốn nói là: “Chúng tôi chưa bao giờ dạy một đứa trẻ như thế này và chúng tôi không biết phải làm gì”.

Thời điểm đó, nhà trường đã yêu cầu bà Murphy tham gia một khóa học về nuôi dạy con. Song, thực tế, nữ phụ huynh này đã tham gia một khóa học tương tự trước đó. Bà Murphy cho rằng, vấn đề này không liên quan đến việc nuôi dạy con. Bởi, người con còn lại của bà Murphy không có vấn đề gì về hành vi.

Giáo viên cũng cần được giúp

Nhiều trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt cảm thấy tuyệt vọng khi đến trường.
Nhiều trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt cảm thấy tuyệt vọng khi đến trường. 
Không phải tôi cần giúp đỡ, mà là con tôi. Có cảm giác như trường học đang đổ lỗi. Con gái tôi đã chịu ảnh hưởng không tốt. Con bé thường xuyên thất vọng và nói rằng: “Con không đủ tốt để đi học, mọi người cười nhạo con”. Con bé đã từ một đứa trẻ hạnh phúc và sôi nổi thành tuyệt vọng. Nữ phụ huynh SORAYA MURPHY

Trong bối cảnh ngày càng nhiều học sinh tiểu học Anh bị đuổi khỏi trường, một số nhà cung cấp đã lập kế hoạch để thành lập tổ chức giáo dục thay thế mới cho trẻ. Caron Johnson - Hiệu trưởng Trường trung học The Rowans AP ở Medway, Kent, đã được chính phủ đề nghị mở một trung tâm tiểu học vào năm 2023 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Kể từ tháng 3, bà Johnson cho biết, đã có “sự gia tăng lớn các trường hợp bị đuổi khỏi trường từ tiểu học”.

Bà Johnson đã thành lập nhóm hỗ trợ các trường học địa phương. Hội đồng gồm các chuyên gia giúp đỡ các tổ chức giáo dục, với mục đích hạn chế đuổi học trẻ. Song, theo nữ hiệu trưởng này, câu trả lời là không nên đổ lỗi cho các trường tiểu học. Trong khi đó, những gì chính phủ cần làm là thu hút những chuyên gia thực sự vào làm việc tại trường học để cung cấp hỗ trợ.

Astrid Schon - Hiệu trưởng tại London East Alternative Provision cho biết, các giáo viên tiểu học cần được giúp đỡ nhiều hơn. Nhờ đó, có thể phát hiện sớm những trẻ có nhu cầu đặc biệt.

Hiệu trưởng Schon hiện hợp tác với The Difference - một doanh nghiệp xã hội đào tạo giáo viên chuyên giúp đỡ trẻ em dễ bị tổn thương. Bà Schon cho biết, những năm gần đây, các trường học có xu hướng đưa ra những chính sách nghiêm khắc hơn về hành vi.

“Những vi phạm nhỏ không phải là vấn đề ở 10 năm trước, nay đã trở thành lỗi lớn. Chúng tôi đang nhìn thấy những đứa trẻ tự hỏi, tại sao chúng lại ở đây?”, bà Schon chia sẻ.

Emma Balchin - Giám đốc Hiệp hội Quản trị Quốc gia (Nga), cho biết, giải pháp có thể đưa ra là hội đồng độc lập tại địa phương sẽ giám sát các trường hợp bị đuổi học. Năm 2018, Nga cảnh báo, người đứng đầu các tổ chức giáo dục có thể cảm thấy áp lực khi phải đưa ra quyết định loại trừ một đứa trẻ. Tuy nhiên, một hội đồng độc lập có thể cung cấp kiến thức chuyên môn và cách giải quyết thách thức đó.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo tại Anh tiếp tục trì hoãn việc công bố bản đánh giá nhu cầu giáo dục đặc biệt. Quốc gia này hiện triển khai chương trình “hành vi”, do cố vấn hành vi của Bộ Giáo dục Tom Bennett dẫn đầu. Năm 2020, ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu của nhóm có nhiệm vụ giải quyết các hành vi ngỗ ngược trong trường học.

Đối với Jane Harvey ở Essex, người có con trai hai lần bị loại khỏi các trường tiểu học, đã quá muộn để cậu bé có thể trở lại giáo dục chính thống.  “Nếu bạn không thể giải quyết một vấn đề ở cấp một, thì ở cấp hai sẽ khó hơn nhiều”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Harvey cho biết, con trai bà đã được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ vào năm lớp 6. Tuy nhiên, khi mới đi học, cậu bé chỉ đơn giản là học sinh nghịch ngợm. Cậu bé liên tục bị phạt, không được ra chơi trong mọi giờ giải lao.

Thậm chí, tên của cậu xuất hiện trên danh sách học sinh có hành vi xấu mỗi ngày. Bà Harvey chia sẻ, ba năm học đối với cậu bé đã trở thành địa ngục. Cậu bé bật khóc, tức giận và khó chịu khoảng ba hoặc bốn lần một tuần.

“Phải đến khi một chuyên gia chỉ ra rằng, có thể cậu bé cần được đánh giá, chúng tôi mới nhận được sự trợ giúp. Tuy nhiên, con trai chúng tôi sẽ không trở lại môi trường giáo dục bây giờ. Chúng tôi đã mất quá nhiều thời gian để nhận được sự hỗ trợ. Những gia đình như chúng tôi đang bị đẩy đến bờ vực”, nữ phụ huynh nhận định.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.