Anh em sinh đôi thành á, thủ khoa nhờ tự học

GD&TĐ - Anh em sinh đôi Bùi Hữu Bảo và Bùi Quốc Bảo, học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang – Khánh Hòa) đã trở thành thủ khoa và á khoa khối C với số điểm 29 và 29,25 tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Anh em Bùi Hữu Bảo và Bùi Quốc Bảo bên cô giáo và các bạn - Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19.
Anh em Bùi Hữu Bảo và Bùi Quốc Bảo bên cô giáo và các bạn - Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19.

Đáng nói, kết quả tự hào này nhờ vượt khó tự lập và tự học suốt chặng đường dài khi bố mẹ thường xuyên công tác xa nhà.

Vượt lên hoàn cảnh

Bùi Hữu Bảo và Bùi Quốc Bảo sinh ra trong gia đình có bố là Đại úy Bùi Phú Nghĩa - quân y đồn biên phòng Vĩnh Lương (Bộ đội biên phòng (BĐBP) Khánh Hòa), mẹ làm nhân viên y tế tại khu du lịch Six Senses Ninh Van Bay.

Do đặc thù công việc nên thời gian của người cha gắn liền với đơn vị nhiều hơn gia đình. Còn mẹ làm việc ngoài đảo nên 2 - 3 ngày và thậm chí vào mùa du lịch đông khách hay dịch giã thì 1 tuần mới về nhà một lần.

Từ năm 2 tuổi, 2 cậu bé đã được bố mẹ gửi gắm người thân chăm sóc lúc vắng nhà. Các em cũng được rèn luyện tính tự lập trong sinh hoạt lẫn học tập. Không lấy đó làm thiệt thòi hay muộn phiền, 2 anh em sớm thích nghi và chăm chỉ, tự giác để bố mẹ yên tâm công tác.

Trong niềm vui, tự hào về 2 con, Đại úy Bùi Phú Nghĩa chia sẻ: Nghề nghiệp đặc thù, nên ít có thời gian ở nhà, việc kèm cặp dạy con hạn chế. Song may mắn, từ nhỏ 2 cháu đều ham học và tự giác cao. Các cháu tự vào bàn học đúng giờ, không ai phải nhắc nhở. Đặc biệt, khi đã đề ra kế hoạch, mục tiêu học tập, các cháu sẽ tập trung tối đa để đạt bằng được.

Trong sinh hoạt hàng ngày, 2 em cũng được bố mẹ “huấn luyện” kĩ năng tự phục vụ khá sớm. Mẹ đi chợ, mua thức ăn, để tủ lạnh; Đi học về các con tự nấu ăn, dọn dẹp chén bát, giặt quần áo...

Lúc 2 con còn bé, bố mẹ nhờ người đưa đi học, vào THPT các em tự dậy sớm (5 giờ 30 phút sáng) chuẩn bị quần áo, ăn uống, ra bến xe buýt (7 giờ) để tới trường. Bố mẹ xa nhà chỉ theo dõi 2 con qua camera nhưng gần như không phải nhắc nhở việc học tập, sinh hoạt. Có chăng chỉ nhắc các con dành thời gian thư giãn nghỉ ngơi.

Theo Đại úy Bùi Phú Nghĩa, gia đình đã mua máy tính và kết nối Internet để con học tập khi bước vào tiểu học. Qua kiểm tra cho thấy 2 con không bao giờ chơi game mà chỉ lên mạng tìm các bài văn hay, tư liệu học tập để đọc và nghiên cứu. Kiến thức nào cần, các con chép lưu lại trong cuốn vở riêng để ghi nhớ. Từ nhỏ 2 em không phải đi học thêm. Máy tính trở thành thư viện, kho báu kiến thức mà các em nghiên cứu và tự học hàng ngày.

Cũng theo anh Bùi Phú Nghĩa, các con được phát triển tự nhiên, học tập và chọn trường, chọn nghề theo sở thích, năng lực. Bố mẹ chỉ chấn chỉnh để con tốt hơn chứ không định hướng hay ép buộc. Đặc biệt, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, bố mẹ đều thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan nên 2 con hoàn toàn tự lên lịch, đặt thời gian học ôn và nhờ người đưa đi thi.

Bùi Hữu Bảo và Bùi Quốc Bảo chụp cùng bố mẹ. Ảnh: NVCC
Bùi Hữu Bảo và Bùi Quốc Bảo chụp cùng bố mẹ. Ảnh: NVCC

Thành công từ tự học

Chia sẻ về lý do chọn khối C cho chặng đường đại học tiếp theo, 2 anh em Bùi Hữu Bảo và Bùi Quốc Bảo đều khẳng định có đam mê đặc biệt với môn Lịch sử. Cả 2 là thành viên đội tuyển học sinh giỏi Lịch sử của Trường THPT Lý Tự Trọng. Bùi Hữu Bảo thích ngành luật nên đã chọn Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh để học. Bùi Quốc Bảo thích nghề thẩm phán nên đăng ký Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Nói về bí quyết học ôn và thi đạt kết quả cao, Bùi Quốc Bảo cho rằng: Trước hết do cả 2 anh em đều đam mê Lịch sử và các môn khối C nên không ngại và sợ học môn xã hội. Đặc biệt, với môn Lịch sử phải nắm thật kĩ các mốc thời gian của sự kiện, biết sử dụng phương pháp loại trừ khi làm bài. Vào phòng thi, dành thời gian đọc hết đề thật kĩ, sau đó làm từng bước, không hấp tấp, tránh sai sót…

Mặt khác, Quốc Bảo cũng cho rằng, học tập phải là quá trình, học từ khi bắt đầu năm học, bài mới, bài nào học ngay bài đó. Tuyệt đối không dồn bài và để tới khi ôn tập mới bắt đầu học. Thời gian ôn tập gần ngày thi chỉ để củng cố kiến thức.

Bùi Hữu Bảo cho biết: “Em thường hỏi và trao đổi những kiến thức còn chưa chắc, chưa hiểu với thầy cô ngay trên lớp. Không để kiến thức trôi qua mà bản thân chưa nắm chắc. Mặt khác, về nhà 2 anh em thường xuyên trao đổi với nhau, điều gì anh chưa rõ thì trao đổi, tranh luận với em và ngược lại. Trao đổi, phản biện… giúp 2 anh em được củng cố và vững vàng hơn về kiến thức”.

Cô Hồ Thị Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm của các em, đồng thời dạy môn Địa lý (Trường THPT Lý Tự Trọng) nhận xét: 2 em chăm chỉ và chủ động trong học tập. Các em cũng tích cực trao đổi, hỏi thêm thầy cô… Không chỉ giỏi các môn khối C, các môn học khác đều học giỏi, tích cực tham gia vào hoạt động và cuộc thi cấp trường, thành phố, tỉnh Khánh Hòa.

“Có thể nói, thành công của Bùi Hữu Bảo và Bùi Quốc Bảo là kết quả của hành trình tự học, thầy cô chỉ là người hỗ trợ, định hướng. Hai em đạt thủ khoa và á khoa khối C toàn quốc là thành tích cao nhất từ trước tới nay mà nhà trường và giáo viên đã dạy các em có được. Quốc Bảo, Hữu Bảo là niềm tự hào không chỉ của gia đình, thầy cô, nhà trường mà của ngành Giáo dục Khánh Hòa…” – cô Hồ Thị Thu Thủy bày tỏ.

“Với công việc đặc thù nên bố mẹ thường xuyên vắng nhà. Nếu các con không nỗ lực, tự giác vượt khó trong cả sinh hoạt và học tập, bố mẹ chẳng thể yên tâm làm việc. Bản thân các con cũng thiệt thòi, khó trưởng thành đúng hướng. Do đó, tôi và vợ luôn cảm nhận may mắn khi các con có được kết quả hôm nay…” – Đại úy Bùi Phú Nghĩa nói. 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.