Anh có thể ngừng cấp thị thực cho sinh viên quốc tế

GD&TĐ - Thông tin này được cho là nằm trong một số biện pháp của Chính phủ Anh nhằm giảm bớt số lượng người di cư, bao gồm sinh viên quốc tế.

Nguồn cung học phí từ sinh viên quốc tế giúp nhiều trường đại học Anh duy trì hoạt động.
Nguồn cung học phí từ sinh viên quốc tế giúp nhiều trường đại học Anh duy trì hoạt động.

Cuối tháng 11, tờ The Times (Anh) đưa tin sinh viên quốc tế có thể không được cấp thị thực học tập tại Vương quốc Anh nếu họ không được nhận vào một trường đại học hàng đầu.

Chính phủ Anh dự kiến cấm sinh viên nước ngoài đến học tập tại quốc gia này nếu chỉ “nhận bằng cấp chất lượng thấp”, chỉ cho phép du học sinh theo học trường hàng đầu. Ngoài ra, du học sinh không được phép mang theo gia đình đến sống và làm việc tại Vương quốc Anh.

Thông tin này được cho là nằm trong một số biện pháp của Chính phủ Anh nhằm giảm bớt số lượng người di cư, bao gồm sinh viên quốc tế. Vì hiện nay, nhiều sinh viên quốc tế đến Anh vì mục tiêu nhập cư hoặc làm việc kiếm tiền nên chỉ đăng ký vào những cơ sở đào tạo chất lượng thấp.

Thảo luận về vấn đề trên diễn ra sau khi ngày 24/11, Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh công bố số liệu cho thấy mức di dân ròng tại Anh đã đạt kỷ lục 504.000 người. “Di dân ròng” là khái niệm chỉ sự chênh lệch giữa quy mô người chuyển đến và quy mô người chuyển đi.

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, trong giai đoạn từ tháng 6/2021 – 6/2022, gần 1,1 triệu người đến Anh nhưng khoảng 560.000 người di cư khỏi nước này. Do đó, mức di dân ròng là khoảng 504.000 người, cao gấp 3 lần so với 12 tháng trước đó.

Mức tăng được thúc đẩy bởi các chương trình thị thực dành cho công dân Ukraine, Hồng Kông. Ngoài ra, những người đến Vương quốc Anh theo thị thực du học chiếm tỷ lệ nhập cư dài hạn lớn nhất khi nhóm này chiếm 277.000 người, tương đương 39% trong tổng mức tăng.

Ông Steve West, người đứng đầu tổ chức Universities UK (đại diện cho các trường đại học tại Anh), cảnh báo đề xuất hạn chế sinh viên quốc tế có thể gây tổn hại cho nền kinh tế và danh tiếng của Vương quốc Anh. Điều này cũng mâu thuẫn với Chiến lược Giáo dục Quốc gia khi buộc một số trường đại học phải đóng cửa.

Hiện nay, không ít trường đại học ở Anh đang phụ thuộc vào nguồn thu học phí từ sinh viên quốc tế thay vì sinh viên nội địa. Trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều trường đại học đã thua lỗ vì thiếu nguồn tài chính từ sinh viên quốc tế.

Bước sang trạng thái bình thường mới, trong quá trình phục hồi, các trường tiếp tục đối mặt với lạm phát tăng cao nên việc cắt đứt nguồn du học sinh hiện nay có thể đẩy các trường đến bên bờ vực phá sản.

Còn GS Brian Bell, Trường King’s College, đặt câu hỏi: “Các trường đại học danh tiếng như Cambridge, Oxford sẽ tiếp tục phát triển với nguồn sinh viên quốc tế dồi dào nhưng còn các trường ở Newcatsle hay vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Scotland sẽ xoay xở ra sao?”.

Theo chuyên gia kinh tế này dự đoán, đề xuất trên không chỉ là chính sách nhập cư mà nó đang ảnh hưởng đến các chính sách giáo dục của Anh. Việc giới hạn số lượng sinh viên quốc tế có thể dẫn đến tình trạng gia tăng ồ ạt học phí của sinh viên trong nước để bù đắp khoản lỗ từ việc thiếu hụt sinh viên quốc tế.

Người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan đến đề xuất trên.

Tuy nhiên, khi được hỏi về những lo ngại rằng đề xuất này ảnh hưởng tiêu cực đến các trường đại học và nền kinh tế Anh, người phát ngôn khẳng định: “Chính phủ sẽ hỗ trợ các trường đại học Anh. Họ là một trong những trường tốt nhất thế giới. Tất nhiên, chúng tôi sẽ luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của Vương quốc Anh”.

Theo Times, TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.