Anh cấm sinh viên quốc tế mang theo người thân

GD&TĐ - Từ năm 2024, Chính phủ Anh cấm sinh viên quốc tế bậc cử nhân đưa người thân đến nước này. Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh lệnh cấm này.

Anh cấm sinh viên quốc tế mang theo người thân đến nước này trong thời gian du học.
Anh cấm sinh viên quốc tế mang theo người thân đến nước này trong thời gian du học.

Chính phủ Anh hôm 23/5 thông báo cấm sinh viên quốc tế ở bậc cử nhân đưa người thân đến Vương quốc Anh. Chỉ du học sinh theo học các chương trình nghiên cứu như thạc sĩ, tiến sĩ mới được phép mang theo người thân sang cùng.

Ngoài ra, sinh viên quốc tế không được chuyển đổi thị thực du học sang thị thực việc làm cho đến khi tốt nghiệp. Thay đổi sẽ được áp dụng từ tháng 1/2024.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Vương quốc Anh muốn hạn chế người nhập cư. Trước đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cam kết giảm tình trạng di cư bất hợp pháp và cân nhắc một số chính sách để giảm dòng người nhập cư vào Anh ngày một cao. Điều này góp phần thực hiện lời hứa của ông trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm 2024.

Thống kê cho thấy số người di cư ròng (chênh lệch giữa số người đến và đi) tại Vương quốc Anh tăng từ hơn 500.000 vào tháng 6/2022 lên hơn 700.000 vào cuối năm ngoái. Cùng năm, 486.000 thị thực sinh viên được cấp. Còn số thị thực cấp cho người thân của những du học sinh này là 136.000, tăng gấp 8 lần so với năm 2019.

Theo thống kê của Vương quốc Anh, Nigeria là nước có số lượng người phụ thuộc vào thị thực sinh viên cao nhất với gần 61.000 người. Theo sau là Ấn Độ với mức tăng từ 3.135 người vào năm 2019 lên 38.990 người vào năm 2022. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka.

Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Suella Braverman, cho biết việc cấm sinh viên quốc tế đưa người thân đến Anh sẽ giúp cắt giảm đáng kể dòng người nhập cư vào nước này và ngăn cản việc sử dụng thị thực sinh viên để tìm việc làm ở Anh. Điều này cũng góp phần đảm bảo những người đến Vương quốc Anh là những người có tay nghề cao, mang lại nhiều lợi ích.

“Đây là điều công bằng để bảo vệ tốt hơn cho các dịch vụ công cộng, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế bằng cách cho phép những sinh viên đóng góp nhiều nhất đến Anh”, bà Suella chia sẻ.

Trước thông báo trên, nhiều giảng viên bày tỏ “vô cùng xấu hổ” và phản đối việc chống người di cư của chính phủ. Trong khi nhiều trường đại học cảnh báo lệnh cấm sẽ gây bất bình đẳng và gây khó khăn cho các trường đại học vì nhiều trường phụ thuộc vào nguồn thu học phí từ sinh viên quốc tế.

Ông Jamie Arrowsmith, Giám đốc tổ chức Các trường đại học quốc tế Vương quốc Anh, nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ hợp tác với ngành giáo dục để hạn chế và giám sát tác động của lệnh cấm đối với các nhóm sinh viên cụ thể và với các trường đại học vốn đang chịu áp lực tài chính nghiêm trọng”.

Tương tự, bà Madeleine Sumption, Giám đốc Trung tâm quan sát di cư, Đại học Oxford, nhìn nhận: “Tác động của lệnh cấm có thể tương đối nhỏ với toàn bộ Vương quốc Anh nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh viên. Một số buộc phải cách xa gia đình trong thời gian du học trong khi số khác quyết định không đến Anh. Kết quả Vương quốc Anh sẽ trở nên kém hấp dẫn trong mắt sinh viên quốc tế”.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục ủng hộ lệnh cấm. Ông Chris Skidmore, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Đại học quốc tế, phân tích: “Lệnh cấm là đúng đắn, nhằm xây dựng hệ thống giáo dục đại học quốc tế bền vững hơn”.

Hiện, khoảng 600.000 sinh viên quốc tế theo học tại Anh, một nửa theo học các chương trình cử nhân. Trong đó, du học sinh Việt khoảng hơn 12.000.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ