Ấn tượng toán học Việt Nam

GD&TĐ - Trong 10 năm, toán học Việt Nam từ vị trí 50 - 55 đã bứt phá và được xác định ở vị trí trong khoảng 35 - 40 trên thế giới và đứng đầu trong khối ASEAN.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tháng 8/2007, trong một cuộc gặp mặt giữa các nhà toán học Việt Nam trong và ngoài nước tham gia chọn đề và chấm thi cho IMO 48 (Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 48 do Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức), GS Nguyễn Thiện Nhân (khi đó là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) đã chỉ đạo tiến hành một nghiên cứu, đánh giá về thực trạng toán học Việt Nam; trên cơ sở đó xây dựng chiến lược, đề xuất giải pháp phát triển trong giai đoạn tới.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của GS Nguyễn Thiện Nhân, GS Trần Văn Nhung (khi đó là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) đã trực tiếp chủ trì xây dựng một chiến lược phát triển cho toán học Việt Nam. Hơn 2 năm sau, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020 được Chính phủ phê duyệt.

Đây là Chương trình trọng điểm quốc gia đầu tiên được ban hành riêng cho một lĩnh vực khoa học cơ bản với mục tiêu bao trùm là nâng cao trình độ, vị thế của toán học Việt Nam trên trường quốc tế, đưa thứ hạng toán học Việt Nam từ vị trí 50 - 55 lên hàng thứ 40.

Theo các chuyên gia ngành Toán, đánh giá, xếp hạng một nền toán học là công việc phức tạp với nhiều tham số, như số lượng và chất lượng các công bố khoa học; số lượng, chất lượng các tài liệu, giáo trình, sách chuyên khảo; tạp chí, số các chuyên gia trong từng lĩnh vực hẹp, số công bố trên các tạp chí đỉnh cao, các giải thưởng uy tín…

Một phương pháp đánh giá vừa khả thi, vừa có độ chính xác tương đối thể hiện được trình độ phát triển toán học của một quốc gia là dựa trên thống kê về số lượng công bố khoa học của các nhà khoa học đang làm việc trong nước trên các tạp chí thuộc một danh mục tạp chí phổ biến quốc tế. 

Trong khuôn khổ tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020, nhóm nghiên cứu của GS.TSKH Lê Tuấn Hoa (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) đã thực hiện thống kê các công bố của Việt Nam và một số nước châu Á trên hệ thống Mathscinet - hệ thống bình duyệt bài báo ngành Toán do Hội Toán học Mỹ xây dựng, được cộng đồng toán học thế giới sử dụng.

Kết quả cho thấy: Vào thời điểm 2010, Việt Nam có khoảng 300 bài báo được công bố trên các tạp chí trong danh sách Mathscinet; năm 2019, tổng số công bố đã là 767, tăng gấp 2,5 lần. Cả về số lượng lẫn mức độ tăng trưởng, công bố trên các tạp chí thuộc danh mục Mathscinet của Việt Nam nhiều hơn các quốc gia hàng đầu khác trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Trong khi đó, số liệu công bố khoa học dựa trên Scopus của Scimago - một bảng xếp hạng các đơn vị nghiên cứu khoa học của nhóm nghiên cứu SCImago (Tây Ban Nha) - cho thấy: Năm 2010, toán học Việt Nam ở vị trí thứ 53, đến năm 2018 đã vươn lên vị trí thứ 38.  

Đầu năm 2019, nhóm nghiên cứu độc lập “Trắc lượng khoa học Việt Nam” đã công bố một loạt các kết quả khảo sát về công bố quốc tế ISI của Việt Nam, các nước ASEAN giai đoạn 2013 - 2018. Theo đó, số lượng công bố ISI của ngành Toán học Việt Nam năm 2018 (tính đến 28/10/2018) xếp thứ 32 trên thế giới, dẫn đầu các nước ASEAN. Đáng chú ý, Việt Nam liên tục giữ vị trí dẫn đầu các nước ASEAN về chỉ số này từ năm 2014 đến nay, dù trước đó vị trí này liên tục thuộc về Singapore. 

Những kết quả đạt được ở trên là thành tựu ấn tượng, có đóng góp quan trọng của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020. 

Toán học luôn có vai trò đặc biệt, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Duy trì, phát huy năng lực trí tuệ toán học của người Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước. Vì thế, tiếp tục hoàn thiện hệ thống phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tài năng toán học là một nhiệm vụ trọng tâm của cả cộng đồng toán học trong giai đoạn tiếp theo.

Tin rằng, việc Chính phủ tiếp tục phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021 - 2030 sẽ góp phần giúp chúng ta khai thác tối đa năng lực toán học; phát triển bền vững nguồn nhân lực các khoa học về toán; đáp ứng nhu cầu phát triển ứng dụng toán học ngày càng cao trong thời kỳ mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ