Từng bước nâng cao vị thế Toán học Việt Nam

Từng bước nâng cao vị thế Toán học Việt Nam

(GD&TĐ) - Nền toán học Việt Nam đang từng bước khẳng định được vị thế của mình với khu vực và quốc tế. Một trong những động lực nòng cốt để kích thích sự phát triển chính là các kỳ đại hội toán học.

Đó là lý do khai mạc  Đại hội Toán học Việt Nam lần thứ 8 diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa) sáng 10/8 do Hội Toán học Việt Nam, Trường Sĩ quan Thông tin, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Viện Toán học Việt Nam phối hợp tổ chức. Đại hội kéo dài đến hết ngày 14/8.

Thứ trưởng Bộ Trần Quang Quý phát biểu khai mạc đại hội.
Thứ trưởng Bộ Trần Quang Quý phát biểu khai mạc đại hội.

Từng bước hội nhập quốc tế

Đây là Hội nghị Toán học lớn nhất tại Việt Nam được tổ chức 5 năm một lần.  Hội nghị có trên 800 đại biểu là các nhà nghiên cứu toán học đăng ký tham dự được chia thành 8 tiểu ban bao gồm: Đại số – Hình học – Tôpô; Giải tích toán học; Phương trình vi phân và Phương trình đạo hàm riêng; Toán học rời rạc và Cơ sở Toán trong tin học; Tối ưu và tính toán khoa học; Xác suất và thống kê toán học; Ứng dụng toán học; Giảng dạy và Lịch sử toán học- Phương pháp dạy và nghiên cứu toán.

Hội nghị có 5 báo cáo toàn thể, 45 báo cáo tiểu ban và trên 250 báo cáo ngắn tại 8 Tiểu ban của Hội nghị. Dự Đại hội có: Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý; Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp toán Việt Nam, Giảng viên ĐH Chicago GS Ngô Bảo Châu…

Đây là dịp để các nhà nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy toán cả nước trình bày những kết quả khoa học của mình trong vòng 5 năm gần đây. Đây cũng là dịp để cộng đồng toán học trao đổi, thảo luận về những vấn đề thời sự cấp thiết trong phát triển Toán học của đất nước.

Theo các đại biểu về dự đại hội lần này thì nền toán học Việt Nam có nhiều bước đột phá mạnh mẽ nhất vào hai thập niên trở lại đây. Mỗi năm có hàng chục giải thưởng toán học quốc tế đã được các nhà toán học Việt Nam chinh phục.

Đặc biệt dù công tác ở trong hay ngoài nước thì các nhà nghiên cứu toán học vẫn đau đáu niềm mong muốn được góp công sức làm dạng danh nền toán học nước nhà. Tiêu biểu như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn (ĐH Rutgers, Mỹ) là chuyên gia hàng đầu về lý thuyết tổ hợp vẫn đang cống hiến không mệt mỏi trong việc quảng bá nền toán học Việt Nam với bạn bè quốc tế.

GS Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Paul Sabatier, Toulouse, Pháp), GS Đinh Tiến Cường (ĐH Paris 6, Pháp), GS Phạm Hữu Tiệp (ĐH Arizona, Mỹ)…cũng là những cái tên đã khẳng định được trí tuệ và sự sáng tạo của người Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu toán học.

Theo GS Phạm Hữu Tiệp, nền toán học Việt Nam hiện nay không thua gì các nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt trong lĩnh vực khoa học cơ bản chúng ta đã vươn lên vị trị tầm cao của khu vực châu Á. Qua đại hội này nhiều tinh hoa toán học sẽ được tích lũy lại.

Đảm bảo sự phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc đại hội, Thứ trưởng Trần Quang Quý khẳng định: Trên nền tảng những kết quả đạt được cùng với những chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước cho toán học thì từ nay đến năm 2020 nền toán học của chúng ta sẽ tự tin hòa nhập được với quốc tế.

Nền toán học Việt Nam sẽ phát triển bền vững và từng bước nâng cao không ngừng. Mỗi năm, Ngành GD&ĐT vẫn liên tục tăng cường bồi dưỡng hàng loạt các nhân tố là hạt nhân tài năng của lĩnh vực toán học.

Trên cơ sở đó lượng học sinh cũng như các sinh viên đạt các giải thưởng toán học cả trong nước lẫn quốc tế ngày càng tăng cao. Bộ GD&ĐT còn có rất nhiều biện pháp thiết thực đẩy mạnh việc đưa vào ứng dụng các nghiên cứu toán học trong cuộc sống.

Đại diện cho Viện Toán học Việt Nam, GS.TSKH Lê Tuấn Hoa cũng khẳng định rằng: Đại hội Toán học toàn quốc lần thứ 8 này là kỳ đại hội quy tụ nhiều báo cáo khoa học chất lượng nhất, lượng đại biểu là các nhà toán học hàng đầu trong nước.

Thực tế đã cho thấy, nền toán học của chúng ta đang trên đường đi vào quỹ đạo phát triển bền vững. Thực chất mới được hình thành từ những năm 1950 của thế kỷ trước nhưng đã có nhiều công bố gây ấn tượng với cộng đồng toán học quốc tế, đóng góp quan trọng để xây dựng đất nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Song song với sự phát triển của toán học chuyên nghiệp (theo nghĩa phát triển lý thuyết và ứng dụng) thì mấy chục năm qua Toán Việt Nam luôn đạt nhiều giải Olimpic quốc tế. Đặc biệt đã có nhiều điểm nhấn quan trọng để lại dấu ấn sâu sắc trong bạn bè quốc tế như: Việt Nam đăng cai giải toán học Olimpic năm 2007 với sự tham gia của gần 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kết quả Việt Nam xếp tốp cao nhất.

Ngay sau đó Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo soạn thảo “Chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020”. Chương trình này được xem là một bước đẩy mạnh thêm sự phát triển toán học Việt Nam.

GS Ngô Bảo Châu và GS Lê Tuấn Hoa (hàng trên) cho rằng đây là Đại hội quan trọng của Toán học Việt Nam.
GS Ngô Bảo Châu và GS Lê Tuấn Hoa (hàng trên) cho rằng đây là Đại hội quan trọng của Toán học Việt Nam.

Cần tăng ưu đãi cho các nhà toán học

Hầu hết các đại biểu về tham dự Đại hội lần này đều khẳng định: Nghiên cứu Toán học mất rất nhiều thời gian lẫn trí tuệ. Tuy nhiên việc hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu Toán học cấp quốc gia cũng như quốc tế vẫn còn nhiều eo hẹp. Nhà nghiên cứu Hoàng Đông cho biết: Để làm nên một công trình Toán học có thể mang đi dự thi các giải thưởng quốc tế có khi phải mất hàng chục năm nghiên cứu liên tục.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ KH&CN - cũng cho rằng: Rõ ràng các nhà nghiên cứu toán học của Việt Nam hiện nay ngoài tiền lương và tiền hỗ trợ công trình rất khiếm tốn ra thì chưa có thêm nguồn hỗ trợ khuyến khích nào đáng kể khác.

Nắm được điều này, Bộ KH&CN đang xây dựng một số đề án trình lên Chính phủ để xin hỗ trợ thêm cho các nhà nghiên cứu toán học. Hiện Chính phủ đã có hướng chỉ đạo Bộ KH&CN kết hợp với nhiều bộ ngành khác tăng cường phát triển nền khoa học cơ bản.

Đặc biệt, sự ra đời của Luật Khoa học công nghệ năm 2013 sẽ đổi mới phương thức đầu tư khoa học, đặc biệt là Toán học. Đổi mới cơ chế tài chính. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã thành lập Quỹ Phát triển Công nghệ quốc gia.

Quỹ này đã hỗ trợ rất nhiều kinh phí cho các nhà nghiên cứu Toán học. Trong thời gian tới Bộ KH&CN sẽ tăng cường kết hợp với nhiều Bộ ngành khác như Bộ GD&ĐT để xây dựng thêm nhiều chính sách hợp lý, khả thi kích thích sự phát triển của nền Toán học Việt Nam.

Hà Văn Đạo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.