Năm 2014, Bộ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng các Bộ, ngành liên quan đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chăm lo, bảo vệ sức khoẻ người lao động, bảo đảm An toàn vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) và thu được một số kết quả tích cực, như: Dự án Luật ATVSLĐ đã được xây dựng theo đúng tiến độ; Dự thảo Luật ATVSLĐ đã được Chính phủ thẩm định và trình Quốc hội…
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vi phạm và bất cập cần có những chế tài mạnh mẽ để xử lý, răn đe.
Giảm 3% tầm suất tai nạn nghiêm trọng
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động - Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Theo báo cáo của 51 phương đã có gần 10.900 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ.
Qua đó đã phát hiện 563 doanh nghiệp vi phạm. Năm 2014, trực tiếp huấn luyện và hỗ trợ huấn luyện trên 52.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; gần 30.000 cán bộ làm công tác ATVSLĐ và hàng triệu lao động tại doanh nghiệp; đào tạo cho gần 5.000 giảng viên ATVSLĐ cho các bộ, ngành, địa phương và tổ chức dịch vụ.
Chương trình quốc gia về ATVSLĐ triển khai trên phạm vi cả nước đã góp phần ngăn chặn và giảm trên 3% tần suất tai nạn lao động chết người trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao; Tăng 3% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; 3% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp;
Tăng thêm mới 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả các mô hình quản lý công tác ATVSLĐ; Hỗ trợ huấn luyện cho trên 20.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và 20.000 cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp;
Thông tin về công tác ATVSLĐ được triển khai thường xuyên, liên tục tại 63 tỉnh/thành phố; trên 200 làng nghề, 1.000 hợp tác xã, 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ được phổ biến thông tin về ATVSLĐ;…
Nguyên nhân có tính chất lặp lại
Mặc dù có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng tình hình tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp năm 2014 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2014 cả nước đã xảy ra hơn 6.000 vụ TNLĐ và gần 2.400 vụ cháy, nổ; có 592 vụ TNLĐ chết người; tổng số người bị nạn là 6.941 người, trong đó có 630 người chết, 1544 người bị thương nặng. Tổng thiệt hại về vật chất là 98,54 tỷ đồng.
Tình hình điều tra tai nạn lao động (TNLÐ) và việc thực hiện báo cáo TNLÐ của các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương đang bộc lộ nhiều bất cập. Ông Hà Tất Thắng thừa nhận, mặc dù cả nước đã có gần 600 vụ TNLĐ nhưng đến đầu tháng 2/2015 Bộ LĐTB&XH mới nhận được 202 biên bản điều tra (liên quan 224 nạn nhân bị chết).
Như vậy, số biên bản TNLÐ chết người “nằm trong sổ sách” mà Bộ LÐ-TB&XH nhận chỉ chiếm 34% tổng số vụ TNLĐ chết người. Tỷ lệ báo cáo tình hình TNLÐ của doanh nghiệp về các Sở LÐ-TB&XH địa phương cũng rất thấp.
Trong năm 2014, cả nước chỉ có 6,9% (19.780/269.554 doanh nghiệp) doanh nghiệp có báo cáo về tình hình TNLĐ. Về việc này, Cục An toàn lao động đã có đề nghị thanh tra sở LĐTB&XH các địa phương kiên quyết xử phạt các DN không báo cáo định kỳ về TNLĐ theo quy định của Chính phủ.
Thực tế bức tranh về TNLÐ mới chỉ phản ánh được dưới 10%. Nhưng chỉ 10% ấy thôi thì cũng đã thấy các nguyên nhân xảy ra tai nạn không được khắc phục, tính chất của các vụ tai nạn là lặp đi lặp lại.
Khi xảy ra TNLÐ, đã thanh tra, kiểm tra, rút ra các nguyên nhân, chỉ đạo khắc phục, đồng thời phổ biến rộng rãi, ngăn ngừa ở các nơi, xong những tai nạn kiểu như thế vẫn cứ tiếp tục xảy ra.
Đã đến lúc các ngành chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt, phải đưa ra những chế tài mạnh để răn đe, xử lý tận gốc các hành vi vi phạm pháp luật về ATLÐ, nhất là các hành vi vi phạm dẫn đến TNLÐ chết người, hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ khai báo, thống kê, báo cáo TNLÐ. Đồng thời tăng cường phối hợp trong việc điều tra, xử lý nhanh, dứt điểm các vụ TNLÐ.