Ăn là chuyện xưa như lịch sử loài người. Nếu không ăn, tất cả các loài động vật, kể cả con người sẽ biến mất.
Về khả năng ăn, có người ăn nhiều, có người ăn vừa và cũng có người ăn ít. Tuy nhiên, những vấn đề về sức khỏe liên quan đến ăn uống thì không phải người nào cũng biết.
Ăn mặn luôn bất lợi cho sức khỏe
Ăn mặn luôn bất lợi cho sức khỏe. Nhất là những người đang mắc các bệnh thận, tăng huyết áp, bệnh tim… Về lâu dài, lượng muối dư thừa làm cho nhiều người có cảm giác… đã thèm ngày hôm nay sẽ là tai họa cho ngày mai. Nghiên cứu khoa học ở nhiều nước đã chứng minh điều đó.
Muối ăn có thành phần chính là Natri. Natri tuy rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa của cơ thể, nhưng khi ăn quá mặn, Natri sẽ dư thừa. Để duy trì sự sống ổn định, cơ thể luôn luôn phải ở thế cân bằng trong đó có cân bằng nội môi (homeostasis).
Sự hiện diện quá mức của Natri trong máu khiến cho thận phải tăng công suất hoạt động để thải bớt ra ngoài. Sự làm việc quá mức làm cho thận bị thương tổn. Bên cạnh đó sự dư thừa Natri trong máu làm tăng áp lực thẩm thấu “hút” nước vào lòng mạch gây tăng thể tích máu.
Điều này kéo theo sự tăng gánh nặng cho tim và áp lực lên thành mạch máu khiến cho huyết áp cũng tăng theo. Về lâu dài sẽ dẫn đến các bệnh tăng huyết áp, suy tim và đột quỵ...
Để tránh được nguy cơ mắc các bệnh như đã nói trên, không gì khác hơn là chấm dứt thói quen ăn mặn càng sớm càng tốt. Nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học California (Hoa Kỳ) cho biết, nếu giảm lượng muối ăn trong độ tuổi vị thành niên đến khi 50 tuổi sẽ giảm đến 14% nguy cơ mắc bệnh tim, 12% nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, và 8% nguy cơ bị đột quỵ. Nếu khi còn trẻ giảm khoảng 3.000mg muối ăn/ngày, khi về già giảm đến 43% nguy cơ tăng huyết áp.
Theo lời khuyên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/ OMS), mỗi ngày một người không nên đưa vào cơ thể quá 6 gram muối, tức khoảng 1 muỗng cà phê muối. Tất nhiên lượng muối này tính luôn cả muối gia vị trong các thức ăn nhanh được chế biến sẵn (fast food).
Lưu ý khi ăn đồ nguội
Đồ ăn nguội có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là đồ ăn nấu chín để nguội hoặc đồ ăn đã được chế biến sẵn mua ngoài siêu thị (fast food), “nguội” ở đây có nghĩa là... không “nóng giòn”, nhưng hợp vệ sinh, không bị nhiễm khuẩn. Nghĩa thứ hai là đồ ăn nguội... lạnh, thức ăn bắt đầu ôi thiu, nhiễm khuẩn. Nếu đánh chén với thức ăn nguội mang nghĩa thứ hai thì “Tào Tháo” sẽ… đuổi chạy đến bệnh viện.
Ở một số người bụng “yếu”, khi ăn thức ăn nguội nghĩa thứ nhất, “Tào Tháo” vẫn đuổi chạy như thường. Đó là vì cái “tạng” của người này không hợp với thức ăn nguội, khi ăn vào niêm mạc ruột không tiêu hoá và hấp thu đồ đã ăn mà lại “kéo” nước từ thành ruột vào lòng ruột gây ra tiêu chảy... bốn mùa!
Ăn chay hay ăn mặn tùy người
Nhiều người khi còn trẻ thì ăn mặn, về già lại thích ăn chay. Hoặc trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời, bỗng dưng “đổi tánh”, đang ăn mặn chuyển sang hệ chay trường và ngược lại. Đôi khi điều thay đổi này có một mối quan hệ nào đó mang tính sự cố hoặc tâm linh.
Việc ăn mặn hay ăn chay đều tuỳ thuộc sở thích hay “hoàn cảnh” của mỗi người. Nếu lên chùa đi tu thì chắc chắn là phải ăn chay rồi. Một số người sẽ phải ăn chay để chữa một số bệnh lý nào đó theo hướng dẫn của các thầy thuốc Đông hoặc Tây y.
Một nghiên cứu kéo dài trong 20 năm tại Mỹ, với mẫu 63.000 người đã chứng minh ảnh hưởng của chế độ ăn chay hoặc mặn đến sự phát triển của các khối ác tính trong cơ thể con người. Nghiên cứu kết luận, những người ăn chay nguy cơ mắc ung thư giảm 11%. Điều này có nghĩa là ứng với 100 người ăn mặn mắc ung thư thì chỉ có 89 người ăn chay mắc ung thư mà thôi.
Thực tế cho thấy, người ăn chay thường có cuộc sống được cho là lành mạnh hơn như là ít uống bia rượu, cà phê, thuốc lá và siêng rèn luyện thân thể. Phải chăng nhờ vậy mà nguy cơ mắc ung thư giảm hơn so với người ăn mặn?
Ăn mấy bữa trong ngày là tốt nhất?
Dưới góc nhìn y học, việc ăn không phải chỉ để “tồn tại” mà ăn sao cho khoa học, phù hợp với tình trạng sức khỏe, tránh viễn cảnh béo phì, hạn chế các bệnh phát sinh từ ăn. Đôi lúc, “chuyện ăn” trở thành đề tài thú vị khi đột nhiên có người hỏi ăn chay tốt hơn hay ăn mặn tốt hơn, ăn thức ăn nguội thì thế nào và ăn ngày mấy bữa là tốt nhất?...
Tục ngữ có câu: “Cơm ngày 3 bữa”. Thông thường, hầu hết chúng ta hiểu 3 bữa ăn trong ngày như sau: Bữa ăn sáng là bữa ăn phụ. Còn các bữa ăn trưa và tối là các bữa ăn chính.
Trong 2 bữa ăn này, có người bữa trưa ăn nhiều hơn bữa tối. Ngược lại, cũng có người bữa tối ăn nhiều hơn bữa trưa. Riêng những người dễ tính thì không để cho bữa nào phải thua thiệt bữa nào!
Ba bữa ăn trong ngày theo cách hiểu trên xuất phát từ tập quán sống, từ những lý do chủ quan và khách quan trong hoạt động đời thường mang lại. Chúng ta thường vui vẻ sống với những gì chúng ta vốn có.
Thế nhưng dưới con mắt của các nhà khoa học, số bữa ăn trong ngày và lượng thức ăn mỗi bữa lại có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người. Số bữa ăn trong ngày càng ít thì càng dễ mắc một số chứng bệnh như thiếu máu, cholesterone máu cao. Ở những người ăn 3 bữa trong ngày có lớp mỡ dưới da bụng dày hơn những người ăn 5 bữa trong ngày!
Lời khuyên cùng với các số liệu nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học khiến cho chúng ta giật mình xem xét lại quan niệm cũ kỹ.
Việc ăn no vào bữa sáng có lợi nhiều hơn là chúng ta tưởng. Bởi các chất khoáng, các chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein ở bữa ăn sáng được cơ thể hấp thu và chuyển hoá tốt hơn so với các bữa ăn trưa và tối.
Riêng ban đêm, hầu hết các hoạt động trong cơ thể đều giảm, nếu ăn no quá, sẽ có cảm giác khó chịu, ậm ịch bụng do thức ăn tiêu hoá và hấp thu khó, dễ sinh bệnh.
Tóm lại, nếu có thể, các nhà khoa học khuyên nên ăn 5 đến 6 bữa rải đều trong ngày. Tất nhiên, mỗi bữa như vậy không nên ăn quá… tích cực. Còn nếu “Cơm ngày 3 bữa”, thì bữa sáng ăn no, bữa trưa ăn vừa và bữa tối ăn ít hơn bữa trưa.
Nghe nói thì dễ, nhưng việc thực hiện xem ra gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực chăm chút sức khoẻ của mỗi người. Bởi chúng ta vốn có quán tính dễ dãi với cái dạ dày mỗi khi thiếu hoặc thừa cơ hội.