Truyền thông địa phương đưa tin Lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ (BSF) đã đặt các tổ ong dọc theo biên giới dài 4.096km của đất nước với Bangladesh để ngăn chặn buôn lậu gia súc và các tội phạm khác, đồng thời cung cấp sinh kế cho người dân nông thôn.
Một quan chức nói với hãng tin PTI rằng các hộp ong đang được đặt đều đặn trên hàng rào biên giới bằng hợp kim ở các khu vực có xu hướng buôn lậu ở Tây Bengal.
Sáng kiến này đến từ tiểu đoàn 32 của BSF.
Chính phủ Ấn Độ coi tội phạm xuyên biên giới và nhập cư bất hợp pháp dọc biên giới với Bangladesh là một vấn đề lớn.
Các quan chức tại quận Nadia của Tây Bengal, nơi các tổ ong đang được lắp đặt, cho biết hoạt động buôn lậu gia súc, vàng, bạc và ma túy đang tràn lan. Họ nói thêm rằng trước đó bọn tội phạm đã xâm phạm bằng cách “cắt hoặc cố gắng cắt” hàng rào.
Các quan chức BSF đã cảnh báo các cuộc tấn công từ đàn ong có thể “gây thương tích nghiêm trọng” cho bất kỳ ai cố gắng vượt biên trái phép.
Ý tưởng trên do Sujeet Kumar, chỉ huy tiểu đoàn 32 của BSF nghĩ ra. Ông nói với PTI rằng ông được truyền cảm hứng từ “Chương trình Làng sống động” của chính phủ Ấn Độ, trong đó tập trung vào các ý tưởng đổi mới để tạo sinh kế ở cấp làng.
BSF đã hợp tác với Bộ Y học Cổ truyền Ayush, nơi thúc đẩy giáo dục và nghiên cứu về ayurveda (y học cổ truyền Ấn Độ), yoga, liệu pháp thiên nhiên và các hệ thống y học cổ xưa khác.
Bộ đã cung cấp các tổ ong và cung cấp cho nhân viên BSF kiến thức chuyên môn về cách thiết lập chúng dọc biên giới.
Bộ cũng đang cung cấp cho nhân viên an ninh những cây thuốc có hoa được đặt xung quanh các hộp ong, “để những con ong có thể thụ phấn dồi dào”.
Lực lượng an ninh sẽ đảm bảo những người nuôi ong địa phương có thể tiếp cận các tổ ong.