Em có những bữa cơm no, đủ chất và ngon giấc trong căn phòng ấm tình thầy cô, bạn bè…
Từ mô hình điểm bán trú dân nuôi
Được thành lập từ năm 2001, Trường PTDTBT THCS Mường Nhà (tiền thân là Trường THCS) là ngôi trường đầu tiên ở tỉnh miền núi Điện Biên thí điểm về công tác bán trú dân nuôi.
Trong ký ức của nhiều thầy cô giáo gắn bó với ngôi trường này, những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ giáo dục ở vùng biên giới Mường Nhà vô vùng gian khó. Rào cản lớn nhất là về giao thông, khiến “con đường” theo đuổi tri thức của bọn trẻ thêm nhiều cách trở.
“Học sinh ở đây sống rải rác tại nhiều thôn, bản xa xôi. Có địa bàn cách trường tới 35km. Trong khi đa phần là đường đất, xuyên rừng, vắt núi. Chính vì thế, để con em đồng bào kiên trì về trường học chữ là vô cùng vất vả. Mỗi học sinh theo đuổi được hết chương trình phổ thông đều rất đáng quý”, thầy giáo Bùi Tiến Phong, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự.
Thời gian đầu, các gia đình tự nguyện đóng góp công sức, lên rừng lấy gỗ, tre nứa, cắt cỏ tranh, lá cọ, bạt làm những căn nhà tạm cho con, em mình “trọ học” trong khuôn viên và xung quanh trường. Ngày nghỉ cuối tuần, các em lại tranh thủ “ngược núi” về nhà lấy lương thực. Thậm chí, nhiều em phải lên rừng hái rau, măng để nấu ăn.
Thầy Phong kể, năm học 2008 – 2009 đánh dấu “bước ngoặt” trong công tác giáo dục ở đây khi bắt đầu triển khai mô hình bán trú. 14 phòng ở, 1 gian bếp cho học sinh bán trú đầu tiên được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa, song cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu.
Hàng ngày sau mỗi giờ học, các em phải về tự nấu nướng, chế độ không đảm bảo. Ăn xong không kịp nghỉ trưa lại phải lên lớp. Nhà trường đã quyết định tổ chức nấu ăn tập thể. Mỗi gia đình góp 0,3kg gạo/bữa, 1.800 đồng/ngày. Rồi giáo viên luân phiên thay ca nhau vào bếp.
Ăn, ngủ tại trường, dưới bàn tay chăm sóc của thầy cô, những đứa trẻ vùng cao “thiếu trước hụt sau” dần “có da, có thịt”. Mỗi ngày được ăn no, ngủ ấm, bọn trẻ yên tâm dành toàn bộ thời gian cho việc học. “Nếu ở nhà thì các em sẽ không có điều kiện học tập như vậy, vì cha mẹ còn phải lo miếng cơm manh áo không thể quan tâm đầy đủ cho con em mình”, thầy Phong nói.
Số lượng học sinh cứ thế gia tăng qua từng năm, còn nhiệm vụ duy trì sĩ số cũng trở nên “nhẹ nhàng” hơn với giáo viên nhà trường. Vừa tổ chức triển khai vừa thay đổi, hoàn thiện, đến năm học 2011 - 2012, Trường chính thức được đổi tên thành Trường PTDTBT. Từ đó học sinh bán trú có chế độ, quá trình tổ chức quản lý đời sống, sinh hoạt, học tập cho các em cũng trở nên thuận lợi, bài bản hơn.
Đến những “ngôi nhà chung” ấm áp
Không dừng lại ở những mô hình điểm, giờ đây, không chỉ ở Điện Biên mà các tỉnh miền núi, trường bán trú đã trở thành “ngôi nhà chung”. Mô hình đã giúp nuôi dưỡng và nối gần hơn ước mơ theo đuổi con chữ của bọn trẻ vốn nhiều thiệt thòi.
Đã gần 10 năm nay, căn phòng nhỏ ấm áp tại Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã trở thành “ngôi nhà” ấm áp của Chang Thị Thảo và 8 chị em khác. Vào học tại trường từ năm lớp 3, đến nay Thảo đã trở thành người chị cả gương mẫu, chỉ dẫn các em mọi sinh hoạt, nền nếp trong căn phòng kí túc.
“Vào trường em không chỉ được thầy, cô dạy chữ mà còn học nhiều thứ. Thầy cô dạy chúng em ăn xong phải rửa bát, gấp chăn màn gọn gàng khi ngủ dậy, mỗi bạn tự biết vệ sinh cá nhân... Em tự tin hơn, biết cách ứng xử với mọi người và yêu thương thầy cô, bạn bè. Em biết ơn vì được sống trong mái nhà này”, Thảo bộc bạch.
Hơn thế, điều tuyệt vời nhất trong suy nghĩ còn non nớt của cô bé vùng cao này, đó là sau mỗi buổi học, em không phải “ngược sơn” về nhà trên con đường vắt vẻo qua sườn núi như các thế hệ học sinh trong bản nhiều năm trước. Thay vào đó, giờ đây em đã được ở lại trường, với những bữa cơm no, đủ chất và ngon giấc trong căn phòng ấm tình thầy cô, bạn bè…
Cô giáo Hoàng Thị Oánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, trường có 708 học sinh, học ở 8 điểm trường. Trong đó, có 290 em được ăn, ở bán trú. Nhờ có chế độ cho học sinh bán trú mà công tác huy động học sinh đến trường của thầy cô đã đỡ vất vả. Tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đảm bảo.
“Nhiều năm trước, học sinh ở Tả Ngảo thường xuyên nghỉ học. Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, nhưng lớn nhất vẫn là ở cha mẹ các em. Họ thường bận rộn tối ngày với cuộc sống mưu sinh trên nương rẫy, không quan tâm đến việc ăn học của các con. Thế nhưng tất cả đã đổi thay từ khi các em về trường ở bán trú”, cô Oánh cho hay.
Với nhiều thế hệ học sinh ở xã biên giới Chiềng Tương, huyện Yên Châu (Sơn La), Trường PTDTBT THCS Chiềng Tương từ lâu cũng đã trở thành “ngôi nhà chung” tràn ngập yêu thương. Theo thầy Hiệu trưởng Lê Xuân Hiền, năm học này trường có 359 học sinh theo học, trong đó có 283 em nhà xa được bố trí ăn, nghỉ bán trú.
“Ở đây, có những học sinh nhà cách trường đến 12 cây số, hoàn toàn là đường đất. Nếu mỗi ngày hai lượt đi – về như thế không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến việc học mà còn khiến các em dễ dàng nhụt trí. Từ khi trường tổ chức bán trú, học sinh đi học đầy đủ hơn. Trường còn nhận được sự hỗ trợ của Bộ đội biên phòng Chiềng Tương, đặc biệt là đảm bảo an ninh. Phụ huynh thấy con được Nhà nước hỗ trợ ăn, ở như vậy thì cũng mừng nên ủng hộ cao”, thầy Hiền chia sẻ.
Cũng theo thầy Hiền, việc học sinh ở lại trường tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Mỗi tối nhà trường phân công 3 thầy, cô thay phiên trực bán trú. Bên cạnh đảm bảo trật tự, nền nếp thì thầy cô nhận thêm nhiệm vụ kèm cho học sinh yếu và giải đáp vướng mắc, củng cố kiến thức học ban ngày cho các em.
Những đứa trẻ ở khắp các rẻo cao khi về trường bán trú đều được xem là may mắn. Bởi bên cạnh kiến thức, ở đây các em được thầy, cô chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, rèn ý thức tự lập, sắp xếp đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập gọn gàng, ngăn nắp và tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích.
Từ những đứa trẻ vùng cao nhút nhát, sợ người lạ, chỉ sau thời gian ngắn sinh hoạt trong môi trường bán trú đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống chung, tự lập và tự tin trong giao tiếp.
Ông Lường Văn Chơ, bản Xa Công, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (Điện Biên) cho biết: “Các con, cháu tôi đều thích đi học, vì ở trường được ăn ngon hơn, ngủ ấm hơn. Bọn trẻ còn được xem tivi, chơi nhiều môn thể thao mới. Không chỉ là niềm vui của học sinh, mà con được học bán trú còn giúp chúng tôi yên tâm lao động, sản xuất. Riêng bản này giờ có hơn 40 cháu trong độ tuổi tiểu học và THCS đều được đi học ở bán trú tại trường”.
Yêu thương lan tỏa mây ngàn
Mùa đông là thời điểm vất vả nhất với nhiều thầy cô trường bán trú, đặc biệt là địa bàn vùng cao. Tại huyện Sìn Hồ (Lai Châu) – nơi nằm ở độ cao trên 1.600m so với mực nước biển, mùa đông càng khắc nghiệt hơn. Bởi vậy, song song với nhiệm vụ giáo dục, thầy cô còn phải lo tìm đủ cách để phòng tránh rét cho học sinh.
Ông Phạm Văn Phôi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ cho biết: Trước mỗi mùa đông, Phòng đều có văn bản chỉ đạo hiệu trưởng các trường theo dõi bản tin dự báo thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng. Rồi căn cứ tình hình thực tế để bố trí các hoạt động giáo dục, điều chỉnh thời gian bắt đầu và kết thúc mỗi buổi học phù hợp. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng phương án giữ ấm cho học sinh.
Với hơn 300 học sinh ở bán trú, nhiệm vụ này đối với các thầy cô giáo Trường PTDTBT THCS Tả Ngảo càng không đơn giản. Ngay từ những ngày đầu đông, nhà trường đã phải tổ chức rà soát, kiểm tra để chủ động tu sửa phòng học đảm bảo kín đáo, tránh gió lùa; Đồng thời tăng cường chăn ấm, quần áo, giày dép và khẩu phần ăn cho học sinh bán trú.
“Bên cạnh việc hướng dẫn học sinh tự phòng, chống rét cho bản thân, mỗi giáo viên nhà trường đều cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các em. Mặc dù được cấp theo chế độ, song do số lượng học sinh ở nội trú đông, nên chúng tôi phải tranh thủ nguồn xã hội hóa để bổ sung vật dụng, đồ dùng cho các em. Nhất là quần áo ấm, mũ, tất, khăn, giày dép… em nào cũng thiếu. Đây không phải trách nhiệm, song nhìn trò của mình co ro trong giá rét vùng cao thì không thầy cô nào đành lòng”, cô Nguyễn Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng nhà trường giãi bày.
Còn tại xã vùng cao Huổi Mí (Mường Chà, Điện Biên), chuyện tưởng chừng đơn giản là mang sách vở lên cho học sinh cũng là cả quá trình gian khó với đầy nỗ lực của giáo viên. Cô giáo Lò Thị Quỳnh tâm sự, con đường lên Huổi Mí từng là nỗi ám ảnh không của riêng cô, đặc biệt là 4 năm về trước.
Thời điểm mang sách lên trường lại đúng vào mùa mưa, lo ngại lớn nhất chính là con đường mòn, với những dốc nhỏ dài trơn trượt. Đi xe không chở gì đã khó, chở sách lại càng cực hơn. Bởi đi đường ấy rất khó để không ngã, mà đã ngã thì cả người, xe, đồ dùng đều nhúng bùn. Ấy thế mà riêng sách thì thầy cô vẫn giữ gìn sạch đẹp.
“Lần đầu chở sách, thầy cô nào cũng luống cuống và thấy cực. Chở lần 2, lần 3 rút dần kinh nghiệm rồi cũng thuần thục hơn. Chúng tôi vẫn động viên nhau, mỗi quyển vở, cuốn sách là ánh sáng mang lên bản, không thể để ánh sáng ấy bị vấy bẩn. Và mong muốn các em sẽ yêu con chữ mà thầy cô mang đến, để tình yêu ấy được lan tỏa giữa mây ngàn”, cô Quỳnh trải lòng.