Nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Vào mùa lễ hội, một lượng lớn người dân tập trung tại một nơi dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng đột biến. Hàng ăn, quán cóc ven đường mọc ra như nấm để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Qua tìm hiểu phóng viên được biết, không giống với các cửa hàng lớn có chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan quản lý cấp, nhiều cơ sở bán thực phẩm nhỏ lẻ mọc ra tại Yên Tử, Chùa Hương, Ngọa Vân, Bái Đính... có tính chất “tự phát” nên nguồn gốc thực phẩm thường không đảm bảo chất lượng...
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2017, các đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của TP Hà Nội đã thực hiện kiểm tra đối với 6.880 cơ sở kinh doanh ngành hàng ăn uống, phát hiện gần 2.000 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính hơn 1.400 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 6,5 tỷ đồng. Kết quả kiểm tra còn cho thấy có 484 mẫu được xét nghiệm nhanh trên xe xét nghiệm chuyên dụng, trong hơn 50 mẫu kiểm nghiệm không đạt độ an toàn có gần 40 mẫu bát, đĩa chưa được rửa sạch.
Chưa kể, tại các lễ hội còn tiềm ẩn tình trạng hàng giả, hàng nhái lộng hành. Hiện dư luận đang khá bất bình trước một số hình ảnh tố cáo người dân thuộc khu di tích Tây Thiên, Vĩnh Phúc “hô biến” lợn chết thối thành thịt lợn mán. Theo một số hình ảnh do người dân ghi lại được, có những con lợn đã chết từ lâu, toàn thân chuyển sang màu tím tái, bốc mùi hôi, nhưng vẫn được lôi ra làm thịt, ướp đá để tươi trở lại, được thui vàng để che giấu hết những dấu vết bệnh tật, phân hủy. Và cuối cùng lên sạp bán cho khách với mác... lợn mán với giá vài trăm nghìn đồng/kg. Hay gần đây nhất tại Phù Ninh, Phú Thọ diễn ra Lễ hội Chọi trâu, song khi trâu còn đang trọi, ở ngoài trâu thường đã được giết thịt và bán với giá hơn 1 triệu đồng/kg, đánh lừa du khách với lời quảng cáo là… trâu chọi.
Tự bảo vệ sức khỏe
Về nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các lễ hội, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng thừa nhận, hiện đang là thời điểm sôi động của mùa lễ hội, nguy cơ mất an toàn thực phẩm và xảy ra sự cố an toàn thực phẩm được dự báo sẽ diễn biến phức tạp ở tất cả các khâu của chuỗi thực phẩm, dịch vụ ăn uống và ở tất cả các địa phương.
Cụ thể, ông Phong cho rằng, việc gia tăng tình trạng ô nhiễm thực phẩm do kinh doanh thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không có nguồn gốc, nhập lậu, không an toàn, không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm trong chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây mất an toàn thực phẩm tại mùa lễ hội.
Bên cạnh đó, một phần cũng do ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm cộng đồng của nhiều hộ kinh doanh chưa cao, đặc biệt là việc chấp hành các quy định, hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm chưa nghiêm, chưa tự giác và còn gian dối trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; dễ dãi trong lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.
Do vậy để đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân mùa lễ hội, ông Phong yêu cầu, các cơ quan liên quan thường xuyên thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm; giám sát phát hiện sớm ca ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng; điều tra, xử lý khắc phục vụ ngộ độc. Các địa phương cần quy hoạch địa điểm, bố trí nguồn nước sạch, hệ thống nước sạch, thu gom, xử lý rác thải, nước thải bảo đảm an toàn phục vụ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực lễ hội. Chú trọng các biện pháp vệ sinh ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm; chỉ sử dụng nước sạch và nguyên liệu thực phẩm an toàn để chế biến; bảo quản thực phẩm an toàn; chỉ ăn thực phẩm đã được nấu chín, uống nước đã sôi; tuyệt đối không ăn tiết canh, thức ăn sống, thức ăn tái; bảo đảm vệ sinh cá nhân…