Ám ảnh cưỡng hiếp ở Afghanistan

Người dân Afghanistan đang sợ hãi mọi lực lượng do Mỹ lập nên và huấn luyện nhằm bảo vệ họ và coi đó là kẻ thù của các cô gái trẻ

Ám ảnh cưỡng hiếp ở Afghanistan

Jumadin - 45 tuổi, người Afghanistan - cho biết gia đình ông phải rời bỏ tỉnh Kunduz sang Peshawar - Pakistan xin tị nạn sau khi con gái Monizha của ông, 19 tuổi, bị cưỡng hiếp bởi 3 thành viên cảnh sát địa phương Afghanistan (ALP) - lực lượng được Mỹ huấn luyện và kiểm soát.

Sống trong sợ hãi

Người cha nông dân này kể con gái ông hiện sống dở chết dở vì sốc sau khi đã toan treo cổ tự tử. Ông nói rằng ở xã hội Afghanistan, một khi bị cưỡng hiếp, cả gia đình và bản thân nạn nhân sẽ coi như mất hết, kể cả tương lai. 

Theo ông, người dân xứ này có thể đương đầu với nghèo khó, với động đất và bệnh tật nhưng với nạn cưỡng hiếp thì vô phương. 

“Tôi không thể bảo vệ con gái. Tôi cảm thấy muốn gia nhập Taliban, mặc lấy chiếc áo đeo bom để tấn công Tổng thống Afghanistan, người Mỹ và tất cả cảnh sát địa phương được Mỹ hậu thuẫn” - ông Jumadin bộc bạch.

Phụ nữ khắp Afghanistan đang chịu đựng nạn cưỡng hiếp và bạo lực Ảnh: THE TYPEWRITER
Phụ nữ khắp Afghanistan đang chịu đựng nạn cưỡng hiếp và bạo lực Ảnh: THE TYPEWRITER

Thế nhưng, cô gái trẻ Monizha không phải là nạn nhân duy nhất của nạn cưỡng hiếp tràn lan ở Afghanistan. Báo The Daily Beast (Mỹ) viết: Người dân các tỉnh Kunduz và Jowzjan ở miền Bắc nước này gọi ALP và các lực lượng dân quân khác là kẻ thù sự trinh tiết của các cô gái trẻ.

Chaman Gul - 17 tuổi, tỉnh Jowzjan - cũng chịu chung số phận như Monizha. Cô bé đã bị cưỡng hiếp thô bạo bởi 7 gã đàn ông mặc đồng phục ALP, trong đó có vị chỉ huy dân quân địa phương Murad Bai đầy quyền thế. Cả làng đều kinh sợ đến mức không ai nói được tiếng nào trong khi nạn nhân trong tình trạng khủng hoảng tinh thần đến nỗi mọi người tưởng chừng cô không thể sống nổi. 

Thế nhưng, thay vì im lặng che giấu nỗi đau như hầu hết các nạn nhân và gia đình họ, Gul đã trình bày vụ việc của mình với nhà chức trách nhưng chẳng ai thèm nghe. “Một viên cảnh sát cao cấp nói rằng ông chỉ huy Murad Bai là nhân vật được người Mỹ yêu mến, không ai có thể đụng đến ông ta” - Gul kể. Sau khi cô bé tố cáo, cô và gia đình nhiều lần bị hăm dọa giết chết và hiện cô bé… đang mất tích.

Bà Maghfirat Samini, Trưởng Văn phòng Ủy ban Nhân quyền độc lập Afghanistan ở tỉnh Jowzjan, xác nhận Gul xuất thân từ gia đình nông dân nghèo nên nhà chức trách phớt lờ cô bé. “Các lực lượng an ninh giấu nhẹm vụ này, thậm chí họ không cho cô bé đi kiểm tra y tế” - bà nhấn mạnh.

“Món quà” của Mỹ

Cùng với việc rút quân khỏi Afghanistan để các lực lượng an ninh Afghanistan rảnh tay truy kích Taliban, Mỹ đã thành lập ALP như một lực lượng tự vệ, bảo vệ dân làng trước sự xâm nhập của Taliban. Sáng kiến thành lập ALP đã khởi xướng năm 2010 và là chương trình thứ ba của người Mỹ nhằm tổ chức lực lượng canh phòng làng mạc. 

Hai chương trình kia đã bị hủy bỏ sau khi cảnh sát địa phương dành nhiều thời gian cho việc quấy rối, ngược đãi và tống tiền dân làng hơn là bảo vệ họ.

Lực lượng ALP được đánh giá khác hẳn: Được huấn luyện và hướng dẫn tốt hơn, có kỷ luật hơn và trung thành với nhà nước hơn là các lãnh chúa địa phương. Thế nhưng, thực tế không diễn ra như vậy. 

Thành viên ALP được các bậc trưởng lão tuyển mộ; sau đó được Lực lượng Đặc biệt Mỹ huấn luyện trong 3 tuần, được trang bị súng Kalashnikov, radio và bộ đồng phục kaki màu, được trả lương khoảng 190 USD/tháng qua các ngân quỹ của Mỹ chuyển cho Bộ Nội vụ Afghanistan. 

Hồi tháng 2 năm nay, Mỹ đã hứa cung cấp thêm 1,2 tỉ USD để tăng quân số lực lượng này từ khoảng 20.000 lên 45.000 thành viên và sẽ hỗ trợ cho đến hết năm 2018.

Theo website Global Research, căn cứ vào bản báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố gần đây, các lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan và các đơn vị bán vũ trang - được thành lập từ khi Mỹ chiếm đóng nước này - đang can dự vào một chiến dịch khủng bố người dân hằng ngày. 

Các lực lượng này thực hiện một loạt hành vi tội phạm, vi phạm nhiều quyền cơ bản của dân chúng, kể cả giết chóc ngoài tố tụng, bắt cóc, tống tiền, cướp bóc, lạm dụng tình dục và tùy tiện giam giữ.

HRW phát hiện ra rằng dòng tiền đổ từ Mỹ và các chính phủ châu Âu vào Afghanistan phục vụ cho công tác an ninh và hậu cần được các quan chức cấp cao của Afghanistan sử dụng để duy trì lực lượng dân quân riêng của họ. 

“Thủ phạm trong các vụ lạm dụng tình dục là những kẻ có quyền hành hoặc có người chống lưng. Họ chiếm giữ các vị trí cao ở hầu hết các cấp chính quyền, từ chỉ huy dân quân địa phương đến cấp bộ trưởng” - HRW nêu rõ.

Thực vậy, tất cả những kẻ phạm tội được đề cập trong báo cáo của HRW đều có điểm chung là hợp tác chặt chẽ với quân đội Mỹ và các đơn vị đặc biệt của Mỹ. Hơn nữa, trong khi nhiều dân quân tranh giành của cải, sự ảnh hưởng và đất đai, người dân Afghanistan lo sợ khi người Mỹ rút về nước, một cuộc nội chiến sẽ nổ ra giữa các nhóm vũ trang, đẩy nước này vào cảnh hỗn loạn như hồi đầu những năm 1990. Một người dân Afghanistan nói họ lo ngại ALP và dân quân sẽ là 2 “món quà” mà người Mỹ để lại cho đất nước họ sau 13 năm chiếm đóng.

Người Mỹ phủ nhận

Ông John Campbell, một chỉ huy NATO cao cấp, gần đây đã ra tuyên bố phủ nhận thông tin binh sĩ Mỹ được lệnh phớt lờ tình trạng lạm dụng tình dục trong giới chỉ huy Afghanistan và các dân quân ở khu vực nông thôn. Ông khẳng định không hề tồn tại một chính sách như vậy, đồng thời nói rằng chính phủ Afghanistan sẽ điều tra tất cả mọi vụ lạm dụng.

Trước đó, theo báo The Times (Anh), binh sĩ Mỹ được lệnh không can thiệp vào hành động của các chỉ huy Afghanistan cũng như các dân quân do Mỹ huấn luyện để duy trì mối quan hệ tốt đẹp. “Thay vì loại bỏ những kẻ dâm đãng, trong một số trường hợp, quân đội Mỹ lại trang bị vũ khí cho những người này và đưa họ lên làm chỉ huy và hầu như chẳng làm gì khi họ lạm dụng tình dục trẻ em” - tờ báo viết.

Theo nld

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ