(GD&TĐ) - Sáng 8/7, tại Cairo, quân đội Ai Cập đã nổ súng giải tán cuộc biểu tình do tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” phát động bên ngoài tòa nhà của lực lượng Vệ binh Cộng hòa, nơi được cho là đang giam giữ cựu Tổng thống Morsi. 42 người thiệt mạng, 322 người bị thương - Reuters đưa tin. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập đang bước sang giai đọan mới - nội chiến.
Biểu tình, bạo lực và đổ máu
Ngày 7/7, “Những người Hồi giáo anh em”- tổ chức đứng đằng sau Đảng “Tự do và Công lý” của cựu Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi đã kêu gọi những người ủng hộ trên toàn đất nước xuống đường biểu tình chống lại quân đội nhằm khôi phục lại vị thế của Tổng thống mới bị phế truất - Hãng AP đưa tin. Trước đó, ngày 5/7, hàng chục ngàn người ủng hộ Mohammed Morsi đã kéo về cầu 6/10 bắc qua sông Nile hướng tới quảng trường Tahrir gửi thông điệp phản đối mạnh mẽ đến chính quyền lâm thời. Đụng độ giữa những người chống và bảo vệ ông Morsi đã diễn ra, làm ít nhất 3 người chết, trên 50 người bị thương. Nếu như trước đó, cuộc biểu tình của những người ủng hộ Morsi chỉ diễn ra ở các thành phố lớn như Cairo, Alexandria thì giờ đây đã lan ra khắp đất nước của kim tự tháp.
Theo thống kê của quân đội Ai Cập, những nỗ lực nhằm giải tán đám người biểu tình tại doanh trại của đơn vị Vệ binh Cộng hòa ở Cairo ngày thứ hai (8/7), nơi được coi là đang giam giữ Mohammed Morsi, đã làm 42 người chết, 322 người bị thương. Phía quân đội có 1 người chết, 40 người bị thương. Theo Kommersant thì Cairo như một pháo đài bị bao vây bởi biển người. Các lối vào thành phố đều bị chặn.
Quân đội Ai Cập cho rằng, những người biểu tình có vũ trang đã lao vào đại bản doanh của lực lượng Vệ binh Cộng hòa nhằm giải cứu cho Mohammed Morsi. Còn “Những người Hồi giáo anh em” lại khẳng định quân đội đã bắn vào người biểu tình khi họ đang cầu nguyện. Theo BBC, trong một cuộc họp báo “đầy xúc động”, tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” gọi Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Abdul Fattah al-Sisi là “sát thủ và đao phủ”.
Tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” đã kêu gọi toàn dân Ai Cập nổi dậy chống lại những người mà họ cho là đã “đánh cắp cuộc cách mạng bằng xe tăng”. Không dừng lại ở đó, tổ chức này còn kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp vào Ai Cập nhằm “chặn đứng cuộc đổ máu”, không để Ai Cập trở thành một “Syria mới”.
Biểu tình ủng hộ Mohammed Morsi |
Ai Cập - Syria thứ 2
Phát biểu trong chuyến thăm Astana (Kazakhstan), Tổng thống Nga V.Putin cho rằng: “Syria đã bị nội chiến bao trùm và các diễn biến ở Ai Cập cũng đang đi theo hướng đó”.
Cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống dân cử đầu tiên trong lịch sử Ai Cập đang đẩy đất nước kim tự tháp đến bờ vực nội chiến. Ngay sau khi sự kiện đàn áp người biểu tình tại trụ sở của lực lượng Vệ binh Cộng hòa diễn ra, Đảng al-Nour, Đảng Hồi giáo lớn thứ 2 ở Ai Cập tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ lâm thời. Trong bối cảnh Ai Cập đang gặp nhiều khó khăn trong việc thành lập chính phủ, quyết định của al-Nour như nhấn chìm tất cả những nỗ lực của chính quyền lâm thời.
Có thể nói tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” là tổ chức chính trị lớn nhất ở Ai Cập. Vào thời điểm hiện tại, tổ chức này chiếm phân nửa số ghế trong Quốc hội và có thể huy động đông đảo dân chúng ủng hộ để giành chiến thắng trong bất cứ cuộc bầu cử nào. Tuy nhiên, sau cuộc chính biến 4/7, tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” bị quân đội thẳng tay đàn áp. Hầu hết các lãnh đạo chủ chốt cùng hơn 300 thành viên của tổ chức này bị bắt giữ.
Theo nhiều nguồn tin, tinh thần “thánh chiến” đang ngùn ngụt dâng cao trong huyết quản các thành viên tổ chức này. Sẽ là phản đối bằng biểu tình hoà bình, sẽ là tấn công khủng bố...
Hai ngày sau khi Mohammed Morsi bị phế truất, sân bay El Aish thuộc tỉnh Suez bị các tay súng Hồi giáo tấn công. Ngày 7/7, đường ống dẫn khí sang Israel, Jordan bị nổ tung. Các nhà chức trách tin rằng, đây là hành động trả thù đầu tiên của tổ chức “Những người Hồi giáo anh em”. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc đảo chính quân sự đã đưa đất nước kim tự tháp vào giai đoạn đầy bạo lực. Không ít các quốc gia phản đối cuộc đảo chính được coi là hành động bóp chết những bước đi đầu tiên của Ai Cập trên con đường dân chủ.
Duy Long (TH)