AFF Suzuki Cup 2018: Sự "lột xác" nhanh chóng của đội tuyển Việt Nam

Chỉ sau 2 năm, đội tuyển Việt Nam đã thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực và hoàn thiện hơn về nhiều mặt từ chiến thuật tới tâm lý thi đấu và con người.

Pha tổ chức tấn công của 2 cầu thủ Phan Văn Đức (số 20) và Đoàn Văn Hậu (sau) trong trận gặp Malaysia diễn ra trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), tối 16/11. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Pha tổ chức tấn công của 2 cầu thủ Phan Văn Đức (số 20) và Đoàn Văn Hậu (sau) trong trận gặp Malaysia diễn ra trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), tối 16/11. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Ở AFF Suzuki Cup 2016, đội tuyển Việt Nam khi đó do huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Hữu Thắng dẫn dắt chủ yếu chơi 4-4-2, một sơ đồ rõ ràng không phù hợp với các cầu thủ - không chỉ khi đó mà thậm chí cả bây giờ, đặc biệt là trong các tình huống mà đội tuyển Việt Nam gặp phải đối thủ cần lối đá phòng ngự số đông và phản công nhanh.

Đội tuyển Việt Nam thường rơi vào tình trạng thiếu người cả trong phòng ngự lẫn khi lên bóng nhanh, dẫn đến việc phòng ngự kém chắc chắn và phản công nhanh rất thiếu hiệu quả. Đó là điểm yếu “kinh niên” của các đội tuyển Việt Nam trong quá khứ mà qua nhiều đời HLV vẫn không khắc phục được.

Ngoài việc chọn chiến thuật chơi không phù hợp, HLV Hữu Thắng cũng không có những tùy biến về nhân sự ngoạn mục như ông Park Hang-seo. Nhà cầm quân xứ Nghệ không truyền được cảm hứng và niềm tin cho các tuyển thủ như cách ông Park đã làm rất thành công với các đội tuyển Việt Nam từ khi ông nắm quyền.

Không phải là đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016 thiếu tài năng. Tất cả những Văn Thanh, Văn Quyết, Quế Ngọc Hải, Xuân Trường, Trọng Hoàng hay Công Phượng đều đã từng góp mặt khi đó. Ngoài ra, đội tuyển Việt Nam khi ấy còn sở hữu chân sút tài năng Lê Công Vinh.

So với thời điểm đó, đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018 được bổ sung Anh Đức (không được Hữu Thắng chọn dự AFF Cup 2016), Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh nhưng lại không còn sự phục vụ của Công Vinh và Văn Thanh.

Về nhân sự tổng thể, đội tuyển Việt Nam hiện tại đồng đều hơn và có sự pha trộn tốt hơn giữa kinh nghiệm và sức trẻ ở cả 3 tuyến. Trên hàng công chúng ta có sự kết hợp giữa kinh nghiệm của Văn Quyết, Anh Đức với sức trẻ của Công Phượng, Văn Đức... Ở tuyến giữa chúng ta có kinh nghiệm của Trọng Hoàng kết hợp với sức trẻ của Xuân Trường, Quang Hải... Ở hàng thủ chúng ta có Quế Ngọc Hải kinh nghiệm bên cạnh những Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu... trẻ trung.

Nhưng có 2 khác biệt lớn giúp đội tuyển Việt Nam ở giải này được “nâng tầm” so với đội Việt Nam của Hữu Thắng ở AFF Suzuki Cup 2016. Thứ nhất và quan trọng nhất chính là vị trí HLV nơi tài ứng biến chiến thuật với “bí kíp” chiến thắng 3-4-3, khả năng dùng người “vi diệu” và khả năng truyền cảm hứng, niềm tin cho các cầu thủ của chiến lược gia Park Hang-seo là những phẩm chất mang tính quyết định mà HLV Hữu Thắng không có.

Thứ 2 là đội bóng hiện tại tuy về tuổi tác có già có trẻ nhưng tâm lý thi đấu của các cầu thủ là rất tốt. Dù chúng ta có gặp đối thủ được đánh giá cao hơn hay rơi vào tình huống bị dẫn trước hoặc phải chịu áp lực thế nào, đội bóng không hề bị “cóng”. Đấy là điều mà đội tuyển Việt Nam 2 năm trước không thể sánh bằng.

Sự cải biến này một phần nhờ “liệu pháp” tâm lý của HLV Park Hang-seo, một phần nhờ sự tự tin, trưởng thành mà nhiều cầu thủ trẻ của đội tuyển Việt Nam tích lũy được sau 2 thành công đáng kể ở Vòng chung kết U23 châu Á tháng 1/2018 ở Thường Châu (Trung Quốc) và tại ASIAD ở Indonesia tháng 8 vừa qua.

Theo baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ