Văn sở hữu khuôn mặt xinh đẹp, rạng rỡ với dáng người cao ráo không kém phần quyến rũ. Bên cạnh đó, cái tên của Văn cũng gây được sự chú ý vì nam tính và cũng không ít kỷ niệm bị hiểu lầm, thậm chí rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”.
“Tên thật của mình là Nguyễn Thị Văn, trước mình là 2 người chị gái. Ba mình đặt tên mình khi mình còn trong bụng mẹ, cứ nghĩ mình là con trai nên đặt luôn tên là Văn.
Hồi bé mình đi thi lúc nào cũng ngồi cùng các bạn nam tên Văn, đi học thầy cô điểm danh đến tên mình là các bạn tưởng con trai. Còn tên nghệ danh Thuỳ Văn là do giảng viên Phan Thu Lan, người đã dìu dắt mình từ bước đi đầu tiên khi mình vào học tại trường. Thuỳ Văn vừa dịu dàng, thuỳ mị lại vừa mạnh mẽ”, Thuỳ Văn chia sẻ.
Văn kể từ bé đã ước mơ trở thành ca sĩ, được đứng trên sân khấu lớn, đem tiếng hát của mình đến với khán giả. Nhưng đến năm lớp 11 Văn mới tự định hướng sẽ theo con đường nghệ thuật nhờ “đòn bẩy” đạt giải Nhất cuộc thi văn nghệ toàn trường.
“Mình đã một mình bắt xe lên Hà Nội để học ở trung tâm và gặp được một người thầy dạy đàn, thầy đã giúp mình tìm thầy cô giáo ôn thi vào Học viện. Ban đầu mình ngô nghê chỉ biết Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là có ca hát, mình không nghĩ thi sẽ khó hơn các trường nghệ thuật khác.
Nhưng thật may mắn khi mình đã đỗ, có lẽ mình có duyên với trường. Gia đình mình luôn tôn trọng quyết định của con gái và luôn sát cánh bên mình những lúc mình khó khăn nhất”, Văn kể.
Bắt đầu từ những bước chân đầu tiên nên không tránh khỏi những khó khăn. Nhớ lại những ngày đầu quá trình học thanh nhạc, Thuỳ Văn tâm sự đã có lúc Văn nghĩ: “Liệu mình có thể làm được không?!”, “Tại sao trừu tượng và khó đến vậy?!” , “Tại sao các chị làm được mà mình không làm được?!”, “Liệu dòng nhạc Opera thính phòng có phải dòng nhạc của mình không?!”.
“Mình đã từng nghĩ sẽ bỏ học vì không thể theo được các chị, nhưng may mắn vì có cô Phan Thu Lan và cô Đào Tố Loan là 2 giảng viên của mình luôn động viên, tạo cho mình niềm tin, dẫn mình đi đúng con đường, hiểu cơ thể mình như thế nào. Và cuối cùng mình đã làm được khi kĩ thuật thanh nhạc đang dần đi lên. Mình vẫn đang tiếp tục trau giồi và hoàn thiện hơn nữa để không phụ lòng cô và chính bản thân mình”, Thuỳ Văn nói.
Lựa chọn dòng nhạc Opera thính phòng, Thuỳ Văn cho biết đây thực sự là một quyết định thử thách bản thân rất lớn, khi đó Văn chỉ nghĩ đơn giản là “càng học lại càng thấy yêu”: “Khi nghe Opera rồi và mình đã hiểu nó như chính mình thì không còn thích nghe dòng nhạc nào hơn nữa. Hành trình cũng khá gian nan khi từ giọng thật mình phải học để chuyển giọng mở thành giả thanh. Để ổn định giọng là cả một quá trình ít nhất 4 năm trở lên”.
Ngoài yêu thích ca hát, Thuỳ Văn còn đặc biệt thích phiêu lưu trải nghiệm, đọc sách, nghe nhạc. Cuốn sách “gối đầu giường” được Văn đọc đi đọc lại nhiều lần là Đắc Nhân Tâm. Tính đến nay, Thuỳ Văn đã đi gần như hết các tỉnh miền Bắc. Văn quan điểm: “Không muốn phí hoài tuổi trẻ cũng không muốn sau này mình nhìn lại phải tiếc nuối”.
“Mình làm việc và học tập hết mình, luôn hoàn thiện bản thân để trở thành người phụ nữ vừa có sắc, có tâm, có tài, sống có ích cho gia đình xã hội. Tâm mình luôn hướng thiện để cuộc sống nhẹ nhàng và ý nghĩa”, Văn bộc bạch.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Thuỳ Văn cho biết trong năm nay và năm sau Văn sẽ dự thi một vài chương trình lớn vì kĩ thuật thanh nhạc cũng đã tương đối ổn định.
Đặc biệt, việc quyết định tham gia cuộc thi hoa khôi của trường sẽ là bước đệm tinh thần đầu tiên, cũng là để ghi dấu kỷ niệm quãng đời sinh viên tuyệt đẹp của Thuỳ Văn.