Lá thư của bố
Năm thứ 4 đại học, một tối đi làm thêm về, theo thói quen, Liên mở chương trình “Bạn hãy nói với chúng tôi” của Đài tiếng nói Việt Nam. Cô sững người trước tâm sự của một người đàn ông về gia cảnh khó khăn và nỗi lo con gái ra trường không có việc làm bởi sao giống chuyện của nhà cô đến vậy. “Đến khi người dẫn chương trình đọc tên và địa chỉ người viết thư, tôi hiểu đó không phải là trùng hợp mà chính là bố tôi đang trải nỗi lòng”, Liên cho biết.
Bố Liên sửa xe đạp dưới quê, mẹ Liên hay đau ốm, 3 chị em ăn học. Gánh nặng gia đình dồn vào bố. Bốn năm đại học, số tiền vay của Ngân hàng chính sách dành cho sinh viên 800 nghìn mỗi tháng không đủ để Liên trang trải chi phí học hành, sinh hoạt trên Hà Nội. Cô buộc phải đi làm thêm.
Trong kí ức của Nguyễn Thị Hoa (bạn cùng lớp đại học với Liên), cô không nề hà bất cứ việc gì: “Chúng tôi gọi trêu là Liên “trăm nghề”. Công việc nào kiếm được tiền là Liên làm: gia sư, phục vụ quán ăn, bán hàng thuê, bán thẻ điện thoại, bán quần áo, làm PG,… Liên là người chịu thương chịu khó”.
Lá thư bố gửi nhà đài khiến Liên khóc suốt đêm “Tôi hiểu nỗi lo thường trực của bố, ông giãi bày cho nhẹ lòng. Bố luôn nói với tôi: bố chẳng có gì cho con ngoài cái chữ. Nhà mình nghèo, không tiền bạc, không quen biết, vào đời, con phải đi bằng đôi chân của chính mình. Bố đâu biết, ông đã cho chị em tôi cả cuộc đời. Và ông là động lực của tôi trong cuộc sống”.
Sau tối đó, Liên suy nghĩ nghiêm túc về tương lai của mình. Cô nhận ra nếu loanh quanh mãi với những công việc làm thêm cô sẽ không trau dồi được kinh nghiệm, năng lực chuyên môn. Liên bắt đầu tìm kiếm những công việc liên quan đến ngành học.
Rải hồ sơ ở nhiều nơi, Liên đều bị từ chối vì không có kinh nghiệm. Nhiều lần như thế, Liên chán nản, thất vọng, bi quan. Nhưng cứ nghĩ đến lá thư của bố Liên lại ứa nước mắt và quyết không bỏ cuộc.
Khi nộp hồ sơ vào Tập đoàn Vật giá, Liên vượt qua các vòng thi tuyển, lọt vào vòng phỏng vấn cũng là vòng quyết định. Người tuyển dụng đặt câu hỏi: “Bạn đang là sinh viên. Bằng cấp chưa có, kinh nghiệm cũng không.
Bạn có gì khiến tôi tin tưởng để tuyển dụng bạn?” Liên trả lời: “Tôi nghĩ, trong công việc, kinh nghiệm rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Kinh nghiệm là cái rồi ai cũng sẽ có, trải qua quá trình làm việc.
Sự năng động, sáng tạo và nhạy bén - những tố chất quan trọng của người làm kinh doanh thì không phải ai cũng có, hoặc có ở những mức độ khác nhau. Những người trẻ như tôi cần có cơ hội để khám phá, phát triển năng lực cá nhân và trải nghiệm để tích lũy kinh nghiệm”. Có lẽ câu trả lời đó góp phần đưa Liên trở thành nhân viên kinh doanh của tập đoàn Vật giá ngay từ thời sinh viên.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn, em gái Liên, hiện đang theo học tại Học viện Nông nghiệp cho biết: “Khi biết chị Liên trúng tuyển vào Vật giá, bố tự hào và khoe với nhiều người trong làng về con gái. Bố luôn lấy chị Liên là tấm gương để em và em trai noi theo”.
Thương hiệu khung ảnh Liên Nhàn Vinh
Năm 2013, em gái Liên lên Hà Nội học đại học. Em trai bắt đầu học THPT. Mẹ Liên đau ốm nhiều hơn. Một mình bố không kham hết được mọi thứ. Tiền lương của Liên không đủ để lo cho gia đình. Liên nghĩ phải làm thêm để tăng thu nhập. Một chị bạn mời Liên làm cộng tác viên bán khung ảnh với hình thức Liên tự tìm khách hàng, có khách thì lấy khung ảnh của chị để bán.
Liên chọn hình thức kinh doanh online. Là nhân viên kinh doanh rồi nhân viên marketing của tập đoàn Vật giá – một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, Liên áp dụng kinh nghiệm, kiến thức thương mại điện tử vào việc kinh doanh trên mạng.
Khách hàng ngày một đông. Liên nhận thấy việc lấy hàng qua chị bạn rồi đem bán, giá thành bị đội lên qua khâu trung gian. Bản thân Liên không chủ động được cả về chất lượng và nguồn hàng, sức cạnh tranh trên thị trường vì thế không mạnh. Liên quyết định tự tìm mối hàng cho riêng mình và tách ra kinh doanh độc lập.
Thời gian đó, kết thúc giờ làm ở công ty, Liên phóng xe máy về các cơ sở sản xuất khung ảnh ở Thạch Thất, Hà Đông và cả các cở sở ở phố cổ Hà Nội để tìm nguồn hàng. Song song, Liên đẩy mạnh chiến lược quảng bá sản phẩm trên mạng. Thương hiệu khung ảnh Liên Nhàn Vinh (ghép tên 3 chị em) chính thức ra đời.
Sau một thời gian kinh doanh, nhiều cơ sở sản xuất khung ảnh trong nội thành Hà Nội chủ động liên hệ với Liên chào hàng. Nguồn hàng của Liên phong phú hơn, cô có nhiều lựa chọn về mẫu mã, giá cả và không phải đi lấy hàng quá xa.
Khi mô hình kinh doanh còn nhỏ, Liên kiêm tất cả các vai trò: lấy hàng, giao hàng cho khách kiêm thợ lắp đặt khung ảnh. Nhiều lần kết thúc giờ làm ở công ty, không kịp ăn uống, Liên giao hàng và lắp cho khách, về muộn, chủ nhà khóa cổng, Liên phải ngủ nhờ nhà bạn.
Nguyên tắc kinh doanh của Liên là phục vụ khách như phục vụ chính mình và người thân. Cách đây không lâu, khi có khách trong TP.Hồ Chí Minh đặt hàng. Quá trình vận chuyển hàng bị vỡ. Bên chuyển phát hàng có trách nhiệm đền bù. Nhưng hiểu các kiểu khiếu nại, đền bù rất mất thời gian, trong khi khách đang cần hàng gấp, Liên chịu thiệt về mình, gửi lại cho khách 1 bộ hàng hoàn toàn mới.
Trung thực cũng là nguyên tắc Liên tuân thủ trong kinh doanh. Một lần giao hàng cho khách ở Quốc Oai, thu nhầm của khách 50.000 đồng, ngay khi phát hiện, Liên thông báo lại với khách để tìm cách trả.
Khách xuề xòa, bảo không đáng mấy, không phải trả nhưng Liên vẫn mua thẻ điện thoại có giá trị tương đương, nhắn tin mã thẻ gửi khách. “Tiền bạc dù ít hay nhiều nhưng không phải của mình thì mình gửi lại. Sự trung thực phải bắt đầu từ những cái nhỏ nhất thì chữ tín mới bền lâu”.
Khi vốn đủ mạnh, Liên mở rộng quy mô kinh doanh, cô chính thức nghỉ việc ở công ty, tập trung vào phát triển cửa hàng online. Liên chú tâm vào vai trò quản lí. Các công việc giao hàng, lắp đặt hàng cho khách, Liên thuê người làm.
Chỉ trong vòng hơn 1 năm bán khung ảnh treo tường, và sau 2 năm ra trường, Liên nuôi được các em ăn học, đỡ đần bố mẹ dưới quê, trả được toàn bộ khoản tiền vay vốn ngân hàng thời sinh viên.
Trong tương lai, song song với việc bán hàng online, Liên có kế hoạch tích lũy để thuê địa điểm. Xa hơn, Liên dự định phát triển chi nhánh vào trong Nam.
“Tôi từng buồn, tị nạnh với những bạn có điều kiện hơn tôi. Nhưng sau này, tôi hiểu cuộc sống của mỗi người là không giống nhau. Tôi thấy may mắn vì sinh trưởng trong 1 gia đình không có điều kiện, nhiều khó khăn. Không có hoàn cảnh ấy, có lẽ sẽ không có tôi của ngày hôm này”, Liên tâm sự.