9X Ngoại thương mê viết văn, làm thơ

Giữa đời thường, Minh lơ đễnh và lãng đãng như tản văn, như thơ Minh viết. Ít ai ngờ 9x sinh năm 1995 ấy là sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại (Đại học Ngoại thương Hà Nội)

9X Ngoại thương mê viết văn, làm thơ

Có lần, gặp Minh, thấy Minh xách giày đi đất giữa đường Hà Nội. Lần khác, Minh mặc áo mưa cho cặp sách, còn đầu để trần. Giữa đời thường, Minh lơ đễnh và lãng đãng như tản văn, như thơ Minh viết. Ít ai ngờ 9x sinh năm 1995 ấy là sinh viên Khoa Kinh tế Đối ngoại (Đại học Ngoại thương, Hà Nội).

Học kinh tế và say mê viết văn. Viết văn, Minh chọn thơ và tản văn – những thể loại vốn kén độc giả thời @. Tiểu học, Minh rất thích môn văn: “Tôi may mắn được học một cô giáo tuyệt vời. Tôi không phải miêu tả khuôn mặt mẹ trái xoan, tóc mẹ dài óng ả… Tự do sáng tạo khiến tôi thích học văn”. 

Học lên cao, hình thức đọc chép, viết văn theo khuôn mẫu làm Minh không còn hào hứng. “Chẳng còn sự hồn nhiên, vô tư trong những gì mình viết” - Cô chia sẻ.

Minh quan niệm môn văn trong nhà trường là sự “văn hóa hóa” con người. Không còn yêu môn văn vì tự cảm thấy mục đích “văn hóa hóa” con người chưa được thực hành đúng mức nhưng Minh vẫn say mê tìm hiểu nghệ thuật chữ nghĩa qua việc đọc sách. Tủ sách gia đình, thư viện trường,… là địa điểm thân thiết của Minh thời học sinh.

Từ say mê đọc, Minh tập tành sáng tác. Tác phẩm phủ kín những trang vở ô li. Với Minh, văn chương không phải là cuộc chơi. 9x trường Ngoại thương nghiêm túc trong câu chữ, trong mục tiêu theo đuổi con đường sáng tác chuyên nghiệp. 

Người viết văn, theo Minh, ngoài tố chất, cần nhiều yếu tố khác. Vốn sống đóng vai trò quan trọng. Học kinh tế cũng là cách để Minh gia tăng trải nghiệm, tích lũy vốn sống.

Một cá tính riêng

Lê Ngọc Minh là em gái nhà văn trẻ Lê Ngọc Mẫn (bút danh Minh Mẫn), một ngòi bút có ảnh hưởng trong cộng đồng văn học mạng. Những tác phẩm đầu tiên của Minh dưới dạng sách Người đi bán nắng, Thức dậy trên mái nhà đều in chung cùng chị gái.

Có một Lê Ngọc Minh rất riêng trong những cuốn sách 2 tác giả này. Nếu chị gái định hình văn phong trong thể loại truyện ngắn, thì Minh gây ấn tượng với thơ và tản văn. 

Thơ và tản văn của Minh không cầu kì câu chữ, không mê cung cảm xúc nhưng những ưu tư được diễn đạt chân thành, gần gụi trong hình ảnh, ngôn ngữ khiến tác phẩm neo bám bạn đọc.

Nguyễn Thị Hoa (Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) viết trên mạng xã hội về tác phẩm của Lê Ngọc Minh: “Lối viết của Minh thủ thỉ như đang tâm sự với độc giả. Thơ và tản văn của Minh trĩu nặng ưu tư, không hời hợt, giản đơn như nhiều tác phẩm văn học mạng đang tràn lan”.

Thơ và tản văn - những thể loại văn học cảm xúc đóng vai trò chủ đạo, vốn không thời thượng trong bối cảnh mì ăn liền câu chữ của văn học mạng. Lê Ngọc Minh ý thức được điều ấy. Nhưng Minh kiên tâm với những gì mình lựa chọn. Minh chưa bao giờ thỏa hiệp với thị hiếu số đông.

“Lớp 12 vẫn còn trẻ con. Khi ấy quyết định học kinh tế, tôi mong sau này có công việc đảm bảo về tiền bạc để có thể vô tư, hồn nhiên trong sáng tác. Tách rời tiền bạc, tôi nghĩ mình độc lập và thuần khiết với cái mình theo đuổi. 

Tôi viết , trước hết, để kiếm tìm sự đồng cảm. Từ sự đồng cảm, tôi tin mình xác lập được những độc giả của riêng mình. Tôi và nhiều tác giả văn học mạng có ý thức trong sáng tác luôn muốn thay đổi thành kiến văn học mạng là dễ dãi, vô bổ” - Tác giả trẻ chia sẻ.

Viết văn còn là cách để Minh sống chậm, lắng lại với nhịp sống quá đỗi tất bật này. Trong căn phòng trọ nhỏ, Minh đối thoại với bản thân qua trang giấy và cây bút. Đó là cuộc đối thoại cô đơn. 

Trong không gian – thời gian tâm tưởng riêng biệt ấy, thơ và tản văn của Minh là cuộc tự tình giữa con chữ và xúc cảm trong trẻo, hoang hoải của một cô gái trẻ luôn ưu tư về bản thân, cuộc đời.

Theo Tấm gương/Tiền phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ