Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết: theo quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh hướng đến mục tiêu năm 2030 phấn đấu trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.
Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, việc quy hoạch tỉnh cũng xác định 7 đột phá phát triển gồm: Phát triển hạ tầng; nguồn nhân lực; thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; phát triển du lịch và phát triển kinh tế dịch vụ.
Quy hoạch tỉnh cũng xác định phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo "3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội".
Đến năm 2030, tỉnh Tây Ninh sẽ có 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 7 đô thị mới loại V. Trong đó, TP.Tây Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II và tiếp tục phấn đấu các tiêu chí của đô thị loại I.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Tây Ninh đạt 6,12%, cao hơn mức bình quân chung cả nước, xếp thứ 2 Vùng Đông Nam Bộ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,5%, duy trì nằm trong top 15 tỉnh, thành phố thu hút FDI cao của cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 6,6 tỷ USD, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố; thu ngân sách nhà nước đạt 11.500 tỷ đồng, vượt kế hoạch; thương mại dịch vụ tiếp tục chuyển biến tích cực.
Lĩnh vực Văn hóa - xã hội của tỉnh Tây Ninh cũng tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm; đặc biệt, 5 năm liền là địa phương trong 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Ghi nhận nỗ lực, quyết tâm và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tây Ninh đã đạt được trong suốt chặng đường phát triển, đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ một số hạn chế mà Tây Ninh cần khắc phục như: quy mô kinh tế còn khiêm tốn; giá trị ngành dịch vụ đóng góp vào GRDP chưa cao; xuất khẩu chủ yếu từ hoạt động của doanh nghiệp FDI; tiềm năng về đất đai chưa đem lại giá trị tương xứng; giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: T.Hải |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Tây Ninh thực hiện quy hoạch cần có tư duy mới để tạo ra giá trị mới. Đầu tư phát triển, cần có trọng tâm, trọng điểm, chọn việc nào dứt việc đấy, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, dàn trải.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Tây Ninh cần thực hiện '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh và 5 đảm bảo".
Cụ thể, theo Thủ tướng, 1 trọng tâm là sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
2 tăng cường gồm tăng cường đầu tư nguồn nhân lực đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bỏ lại phía sau; và tăng cường kết nối vùng về thị trường, sản xuất, tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; tăng cường.
3 đẩy mạnh gồm đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa; phát triển công nghiệp; và ứng dụng khoa học kỹ thuật, lập nghiệp ở giới trẻ.
5 đảm bảo gồm đảm bảo tính tuân thủ; tính đồng bộ; tính liên kết; tính ổn định, kế thừa, phát triển của quy hoạch và đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo, mở rộng của quy hoạch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị Tây Ninh phát huy tính tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Tây Ninh quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, nhất là nhân lực gắn với các ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang định hướng phát triển.
Đặc biệt, với lợi thế lân cận với TP.HCM, Tây Ninh có nhiều cơ hội được tiếp cận với những thành tựu khoa học công nghệ đi đầu, tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó, Tây Ninh phải tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện tốt các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng...
"Với sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tỉnh Tây Ninh sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy mới, động lực mới theo Quy hoạch tỉnh đã công bố; Tây Ninh sớm trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống", Thủ tướng nhấn mạnh.