Đối với 76 hộ dân sống tại Naro ka Kheda - một ngôi làng nhỏ bé thuộc bang Rajasthan, phía Bắc Ấn Độ, đi bộ 7 km để đến nơi có thể sạc điện thoại di động là một phần trong lịch trình hàng tuần của họ.
Làng Naro ka Kheda nằm cách thành phố du lịch Udaipur chỉ 25 km. Thế nhưng, từ lâu, người dân ở đây luôn sống trong cảnh tăm tối. Ngày 23/7 vừa qua, họ có điện nhờ dự án thí điểm của chàng sinh viên Đại học Kinh Doanh Durham, theo Huffingtonpost.
Prabh Singh (24 tuổi, từng sống tại Delhi) luôn ước mơ làm việc trong một ngân hàng đầu tư. Nhưng thay vì thế, anh ấp ủ kế hoạch đưa điện đến những vùng còn khó khăn ở Ấn Độ.
“Tôi chia sẻ với 3 người bạn cùng lớp về lợi ích của những tấm pin mặt trời và cách người dân Anh lấy điện từ chúng để sử dụng trong những chuyến đi đánh cá. Đó chính là nguồn cảm hứng cho dự án của tôi. Tôi nghĩ, người phương Tây có thể sử dụng pin mặt trời như mặt hàng xa xỉ, tại sao dân Ấn Độ - nơi có tới 75 triệu người sống trong cảnh tối tăm, không thể sử dụng nó cho nhu cầu thiết yếu?” - Prabh chia sẻ.
“Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, tôi chưa từng trải qua đêm nào chỉ có một mình trong ngôi làng không có ánh điện. Tôi đã làm việc cùng người dân, sống với họ, ngồi ăn uống tại căn nhà tối tăm để hiểu được lợi ích mà dự án Kiran có thể mang lại” - nam sinh cho biết.
Trung tâm Tiếp cận và ứng dụng công nghệ Đông Bắc và những người dân trong làng đã hỗ trợ 7.000 bảng Anh để biến ý tưởng của Prabh thành sự thật.
Hệ thống điện trong dự án của Prabh đảm bảo cho người dân ở những khu vực xa xôi có thể tiếp cận nguồn điện dễ dàng. Hệ thống này bao gồm một bảng điều khiển năng lượng mặt trời, ba bóng đèn sợi đốt, một đèn tuýp và một ổ cắm sạc điện thoại di động. Ngoài ra, mạng lưới bảo trì cũng được lắp đặt, mang lại doanh thu khoảng 500 bảng Anh cho nền kinh tế địa phương.
Hiện tại, Prabh đàm phán với một cơ quan trung ương của Ấn Độ để nhân rộng các dự án tương tự tới 50 ngôi làng khác. Anh hy vọng có thể lập nên một công ty từ dự án này và khuyến khích tinh thần kinh doanh ở nông thôn.
“Tôi từng không thể tưởng tượng ra những gì đã làm được. Khi nhà của những người dân lần đầu có ánh điện, tôi thấy sự bất ngờ và niềm hạnh phúc trong ánh mắt họ” - chàng trai tâm sự.