Tiến sĩ Robert Oexman - Giám đốc Viện Sleep to Live, chuyên nghiên cứu về khoa học giấc ngủ và các phương pháp thúc đẩy giấc ngủ lành mạnh, đúng cách.
Ông chỉ ra 9 sai lầm về giấc ngủ khiến một người không thể thoát khỏi mệt mỏi, dẫn đến làm việc và học tập không hiệu quả. Từ đó, tiến sĩ Oexman đề xuất những giải pháp có thể thay đổi lối sống, cải thiện giấc ngủ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
1. Giấc ngủ ngắn bổ sung
Quan niệm sai lầm rằng nếu không ngủ đủ giấc vào ban đêm, bạn có thể bổ sung bằng những giấc ngủ ngắn trong ngày. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời bởi thiếu ngủ kéo dài vẫn làm bạn suy giảm sức khỏe và lão hóa nhanh hơn.
Mỗi giấc ngủ ngắn chỉ nên kéo dài 15-20 phút và không nên ngủ trưa sau 15 giờ để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ sâu vào ban đêm. Nếu không, tình trạng thiếu ngủ sẽ tiếp diễn mãi và tạo ra một vòng luẩn quẩn.
2. Cuối tuần là để ngủ bù
Nhiều người xem ngày cuối tuần là thời điểm tuyệt vời để nghỉ ngơi thoải mái, nạp năng lượng cho một tuần dài phía trước.
Tuy nhiên, bạn không thể lưu trữ giấc ngủ rồi lấy chúng ra sử dụng khi cần. Do đó, việc cố ngủ nhiều ngày cuối tuần không giúp bạn giảm bớt mệt mỏi, uể oải cho những ngày thiếu ngủ trong tuần. Hãy sắp xếp thời gian hợp lý để ngủ đủ giấc mỗi ngày.
3. Ngủ 6 tiếng/ngày là quá đủ
Với một số người bận rộn, ngủ 8 tiếng/ngày là quá xa xỉ, vì thế họ thường chỉ ngủ được 6 tiếng/ngày và bằng lòng với điều đó. Thực tế, đầu tư vào giấc ngủ không bao giờ là hoang phí.
Người ngủ đủ giấc sẽ cảm thấy tinh thần thoải mái hơn, làn da đẹp hơn và sức khỏe cũng tốt hơn. Đây là một điều quan trọng để bạn tận hưởng cuộc sống nhiều hơn.
4. Thức trắng đêm và học được nhiều hơn
Không ít người đánh đổi giấc ngủ ban đêm để ôn luyện bài vở hay để làm việc nhiều hơn. Tuy nhiên, giấc ngủ giúp bộ nhớ làm việc tốt hơn, do giai đoạn REM (ngủ mơ) có tác dụng củng cố ký ức của ngày hôm trước.
Nếu bạn nghĩ rằng cứ dành nhiều thời gian để cố gắng nhồi nhét những thông tin mới mà bỏ qua giấc ngủ thì chắc chắn bạn sẽ không tiếp thu được chúng. Bộ nhớ của não không thể dung nạp điều mới khi nó bị ép làm việc quá năng suất.
5. Ngủ thêm vài phút giúp bạn tràn đầy sinh lực hơn
Chức năng báo thức của smartphone thường có lựa chọn báo thức lại sau 9 phút. Một số người luôn sử dụng chức năng này và tin rằng họ sẽ tỉnh táo hơn, sảng khoái hơn nhờ ngủ thêm một chút.
Tuy nhiên, thay vì trì hoãn thời điểm thức dậy và bắt đầu ngày mới một cách mệt mỏi, trì trệ, bạn hãy ngồi dậy và khỏi giường, mở cửa và đón không khí trong lành buổi sáng. Nhờ vậy bạn sẽ thấy năng động hơn, lạc quan hơn việc vùi mình ngủ nướng.
6. Nếu thức giấc giữa đêm sẽ đọc sách, xem TV cho đến khi buồn ngủ lại
Thực tế, ánh sáng từ TV hay đèn sẽ khó khiến bạn quay lại giấc ngủ. Vì thế, không nên bật đèn đọc sách, lướt điện thoại hay xem TV để tránh làm trầm trọng hơn tình trạng mất ngủ. Bạn nên nằm thư giãn trong phòng tối và từ từ tìm lại giấc ngủ.
7. Tập thể dục muộn sẽ khiến bạn mệt mỏi và dễ ngủ
Việc tập thể dục khiến nhiệt độ cơ thể nóng hơn và là nguyên nhân gây khó ngủ. Do đó, bạn cần luyện tập trước giờ ngủ ít nhất là 4 tiếng để có giấc ngủ ngon hơn và sâu hơn.
8. Càng có tuổi, cơ thể càng yêu cầu ngủ ít hơn
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi già đi, chúng ta vẫn cần một giấc ngủ có thời lượng như khi còn trẻ. Trong thực tế, người cao tuổi cần phải dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn để có một giấc ngủ tương tự người trẻ, bởi họ thường khó ngủ hơn do những bệnh đau nhức hay tác dụng phụ của các loại thuốc.
9. Thiếu ngủ thì mệt mỏi, nhưng không quá nghiêm trọng
Mất ngủ về đêm có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, đột quỵ, béo phì, ung thư, bệnh Alzheimer và chứng trầm cảm. Vì thế, bạn không thể xem thường chứng mất ngủ và cần điều trị triệt để nếu mắc phải.