Tại Quyết định số 3952 của UBND TP. Hà Nội, có 9 cơ sở nhà, đất do các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng không phù hợp quy hoạch phải di dời khỏi khu vực nội đô theo quy hoạch trên địa bàn TP (đợt 1).
Đáng chú ý, kế hoạch di dời các cơ sở này thực hiện trong vòng 5 năm, kể từ khi UBND TP phê duyệt danh mục.
Trong đó, với các nhà, đất thuộc danh mục phải di dời nhưng thuộc đối tượng thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, không thực hiện theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Theo Quyết định vừa phê duyệt, 9 cơ sở nhà, đất phải di dời bao gồm:
Một là, Công ty In báo Nhân dân tại 15 Hàng Tre (quận Hoàn Kiếm).
Hai là, Công ty TNHH Một thành viên In báo Hà Nội mới tại 35 Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm).
Ba là, Nhà máy Bia Hà Nội – Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu- Nước giải khát Hà Nội, 183 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình. Khu đất có chức năng là đất hỗn hợp, ưu tiên bố trí các chức năng thương mại dịch vụ, công cộng, công trình hạ tầng xã hội.
Bốn là, Công ty TNHH Một thành viên Thuốc lá Thăng Long tại 235 Nguyễn Trãi. Đây là khu đất nằm trong khu vực quy hoạch định hướng các chức năng sử dụng đất: Công cộng thành phố và khu vực, hỗn hợp, nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh…
Năm là, Công ty TNHH Một thành viên In và thương mại Thông tấn xã Việt Nam tại 70/342 Khương Đình (quận Thanh Xuân).
Sáu là, Nhà máy xe lửa Gia Lâm – Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội (Số 551 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên). Theo quy hoạch được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 6115,khu đất nằm trong khu vực được xác định chức năng là đất công công cộng.
Bảy là, Tổng kho xăng dầu Đức Giang tại 26 phố Đức Giang (quận Long Biên). Khu đất này nằm trong khu vực được xác định chức năng: đất hỗn hợp, đất nhóm nhà ở mới, đất cây xanh, bãi đỗ xe, đất công cộng, đất đường quy hoạch.
Tám là, Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp tại 167/6 phố Phương Mai (quận Đống Đa). Khu đất của Công ty này nằm trong ranh giới nghiên cứu cải tạo khu tập thể Phương Mai (dự án riêng).
Chín là, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), nằm trong khu vực quy hoạch định hướng chức năng đất an ninh, quốc phòng.
9 cơ sở nhà, đất sẽ phải di dời khỏi khu vực nội đô theo quy hoạch trên địa bàn TP trong vòng 5 năm. (Ảnh internet) |
UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì cùng các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát danh mục nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch, đảm tiến độ kế hoạch di dời được TP phê duyệt.
Cùng với đó, trên căn cứ danh mục cơ sở nhà, đất phải di dời được duyệt, Sở Tài chính chủ trì, thực hiện đề xuất việc lập phương án xử lý, hình thức xử lý nhà, đất tại vị trí cũ khi di dời theo quy định…
Việc di dời các cơ sở nhà, đất theo quy hoạch nhằm làm cơ sở để các đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch và xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phải di dời theo quy hoạch, qua đó góp phần sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích sử dụng, đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Từng trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp, cơ sở y tế, cơ quan đơn vị hành chính ra khỏi khu vực nội đô nhằm mục đích giảm thiểu tác động về ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng cho khu vực trung tâm Hà Nội.
Đây được xem là nhiệm vụ cấp thiết, nhưng thời gian qua nhiều cơ sở mặc dù nằm trong danh sách buộc phải di dời gấp vẫn chây ỳ chưa chịu thực hiện.
UBND TP. Hà Nội cho rằng, việc chậm di dời cơ sở công nghiệp, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính ra khỏi nội đô đang gây ra nhiều áp lực về môi trường, hạ tầng đô thị cho khu vực trung tâm Hà Nội.
Thậm chí, nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vẫn cố duy trì hoạt động sản xuất và một số cơ sở đã dừng sản xuất, nhưng vẫn chưa tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân cũng như quy hoạch chung Thủ đô.