Dấu hỏi về 'đất vàng' nội đô Hà Nội sau khi bộ, ngành di dời

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng, Chính phủ phải ấn định một thời gian cụ thể yêu cầu bộ, ngành có trụ sở mới phải trả lại trụ sở cũ.

Trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ trên phố Đội Cấn.
Trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ trên phố Đội Cấn.

Chính phủ giao đơn vị chức năng, địa phương xác định phương án sử dụng trụ sở cũ sau khi bộ, ngành được xây dựng trụ sở mới để ưu tiên “đất vàng” cho mục đích công cộng.

Thúc tiến độ di dời

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 423/QĐ-TTg phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030.

Đồ án quy hoạch này gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Đến năm 2030, hệ thống trụ sở mới sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan Trung ương của các đoàn thể.

Theo đó, với 13 bộ, ngành sẽ được bố trí về khu Tây Hồ Tây, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km. Khu này rộng 35 ha, gồm gần 21 ha thuộc phường Xuân La (quận Tây Hồ) và 14 ha phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm). Các tòa nhà trụ sở cao 12 - 25 tầng, bao gồm khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6 - 24 tầng.

Khu trụ sở tại Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) rộng 55 ha, trong đó gần 44 ha thuộc phường Mễ Trì và 11 ha phường Trung Văn. Các trụ sở tại đây sẽ được xây dựng 17 - 25 tầng, công trình công cộng dịch vụ 3 - 5 tầng. Có 2 - 5 tầng ngầm làm bãi đỗ xe, khu kỹ thuật, kho chứa.

Về lộ trình, từ năm 2023 đến 2025 các cơ quan sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, trụ sở, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; từ 2026 đến 2030 sẽ xây dựng, hoàn thành trụ sở của một số cơ quan có nhu cầu cấp thiết di dời; từ 2031 đến 2035 xây dựng trụ sở các bộ ngành còn lại và công trình công cộng.

Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch không liệt kê bộ ngành nào sẽ di dời về khu Mễ Trì, chỉ nêu giai đoạn 2023 - 2025 trụ sở Bộ NN&PTNT sẽ được chuẩn bị đầu tư xây dựng. Giai đoạn sau sẽ xây dựng các trụ sở còn lại của hơn 20 bộ ngành.

Với mục tiêu cơ sở nhà đất hiện có của các bộ, ngành sau khi di dời phải được quản lý tập trung, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và UBND Hà Nội xây dựng phương án khai thác từng cơ sở nhà đất phục vụ hoạt động các cơ quan Trung ương và thành phố.

Nếu trụ sở cơ quan nào không có nhu cầu sử dụng sẽ đấu giá để thu nguồn lực cho Nhà nước. Các trụ sở không dùng làm cơ quan hành chính nữa sẽ được sử dụng cho mục đích công cộng, làm vườn hoa, bãi đỗ xe.

Áp lực giao thông đô thị tại nội đô Hà Nội rất lớn.

Áp lực giao thông đô thị tại nội đô Hà Nội rất lớn.

Có mới vẫn giữ cũ

Trước đó (tháng 10/2022), Bộ Xây dựng báo cáo ngoài 13 bộ ngành di dời về khu Tây Hồ Tây còn 23 bộ ngành được xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ.

Trong đó có 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất, đầu tư xây mới gồm: Bộ Nội vụ, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân.

Đơn cử, tại vị trí lô D24 - Khu đô thị mới Cầu Giấy có trụ sở mới của Bộ TN&MT rộng 1,38 ha, cao 18 tầng với tổng kinh phí đầu tư khoảng 372 tỉ đồng. Dù vậy, bộ này vẫn giữ lại trụ sở cũ tại đường Nguyễn Chí Thanh để sử dụng.

Còn trụ sở mới Thanh tra Chính phủ nằm ở lô D29 khu đô thị mới Trần Thái Tông, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, trụ sở cũ Thanh tra Chính phủ nằm ở số 222 Đội Cấn vẫn đang được sử dụng.

Tương tự, đối với đơn vị y tế, Trường Đại học Y tế Công cộng đã được xây mới tại quận Bắc Từ Liêm, nhưng khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng tổ hợp nhà ở cao tầng trên phố Giảng Võ (quận Ba Đình). Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết đã xây dựng cơ sở mới, đưa vào sử dụng, nhưng tiếp tục sử dụng cơ sở cũ ở nội thành.

Theo Chỉ thị số 27 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/8/2014 thì bộ, ngành Trung ương, cơ quan đơn vị được đầu tư xây dựng trụ sở mới, khi hoàn thành và chuyển ra trụ sở mới, phải bàn giao toàn bộ trụ sở làm việc cũ cho Bộ Tài chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chỉ thị 27 nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị giữ lại trụ sở làm việc để sử dụng, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí cho đơn vị khác (kể cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý) khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Rạch ròi thời gian

Trụ sở mới của Bộ TN&MT.

Trụ sở mới của Bộ TN&MT.

Bàn về vấn đề trên, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng, Chính phủ phải ấn định một thời gian cụ thể yêu cầu bộ, ngành có trụ sở mới phải trả lại trụ sở cũ. Với đơn vị nào chưa chấp hành đúng đề nghị xem xét xử lý bộ trưởng, trưởng ngành.

“Tôi đề nghị Chính phủ không để lan man kéo dài. Với bộ, ngành nào được xây dựng trụ sở mới đã đi vào hoạt động không chịu trả trụ sở cũ, Chính phủ phải có hình thức xử lý, kỷ luật người đứng đầu là bộ trưởng, trưởng ngành...”, PGS.TS Bùi Thị An cho biết.

Ngoài ra, theo PGS.TS Bùi Thị An, việc không bàn giao trụ sở cũ hay cho thuê gây lãng phí và thực hiện không đúng mục đích sử dụng tài sản công, Hà Nội tiếp nhận trụ sở cũ các bộ, ngành phải quản lý, sử dụng phù hợp không phải để xây chung cư, trung tâm thương mại…

“Những trụ sở cũ các bộ, ngành thường có vị trí đẹp, công trình gắn với yếu tố văn hóa, lịch sử của Thủ đô, tuyệt đối không phục vụ xây chung cư, nhà cao tầng để giảm áp lực giao thông đô thị, môi trường, y tế, giáo dục...”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Lý giải thêm về điều này, PGS.TS Bùi Thị An lấy ví dụ, Hà Nội có khoảng 2,1 triệu học sinh năm học 2021 - 2022 thì đến năm học 2022 - 2023 là hơn 2,2 triệu học sinh của hơn 2.800 cơ sở giáo dục. “Mỗi ngày, riêng 2,2 triệu học sinh tham gia giao thông chưa kể các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp khác tham gia giao thông… gây áp lực lên đô thị là rất lớn...”, PGS.TS An bày tỏ.

Còn TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô sửa đổi trình Quốc hội thông qua có nội dung để cho Hà Nội có quyền được tiếp nhận, thu hồi đất đai của các bộ, ngành, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đã có trong danh sách di dời, đã được bố trí trụ sở mới.

“Sau khi tiếp nhận, Hà Nội sẽ xây dựng các công trình công cộng, không gian xanh. Hy vọng, nếu Quốc hội thông qua thì Hà Nội mới có thể thực hiện được…”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.